Bao giờ sóng gió mới lặng tại VEAM?

Admin
Lãnh đạo bị vướng lao lý, hơn 2.000 xe tồn kho… năm 2024, VEAM vẫn kỳ vọng chuyển lên sàn niêm yết và nỗ lực hoàn thành quyết toán cổ phần hoá. 

Lãnh đạo tiên lục vướng vòng lao lý

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an thành phố Hà Nội mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Mua bán trái phép hóa đơn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - UPCoM: VEA).

Theo đó, ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới kê khống giá trị hợp đồng; chỉ đạo lập hồ sơ thanh toán chi phí tiếp khách sai quy định, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Tổng công ty VEAM.  

Ngoài ra, Thái Đức Minh, Trưởng ban kinh doanh và phát triển thị trường; Nguyễn Thị Mai Hương, Kế toán trưởng và nhiều nhân viên mua, sử dụng hóa đơn tiếp khách khống để “rút” tiền của Tổng công ty, gây thiệt hại cho VEAM hơn 1 tỷ đồng.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, ngày 06/6/2024, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc; Nghiêm Trọng Thăng, Phụ trách Văn phòng VEAM về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ Luật hình sự. 

Ngay sau thời điểm nhận được thông báo, HĐQT VEAM cũng đã ban hành Quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Phan Phạm Hà. Công ty cũng miễn nhiệm chức vụ đối với Kế toán trưởng Nguyễn Thị Mai Hương do vi phạm nội quy lao động. 

Hồ sơ doanh nghiệp - Bao giờ sóng gió mới lặng tại VEAM?

Ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM.

Đáng nói, đây không phải lần đầu VEAM có lãnh đạo vướng vòng lao lý. Trước đó, ngày 3/8/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị thành viên; 

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Veam, ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; ông Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc VEAM và ông Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp.

Ngày 10/01/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM (bị can đã bị khởi tố trước đó trong vụ án); 

Đồng thời Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Vũ Quang Tâm, nguyên Phó Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị VEAM, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đến ngày 27/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an Tp.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tài sản xảy ra tại VEAM. 

Ngày 22/8/2023, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Giang, nguyên Tổng Giám đốc, Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc (nguyên Trưởng Phòng kỹ thuật) VEAM và hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vi phạm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hơn 2.000 xe tại nhà máy ô tô VEAM “ế ẩm”

Buồn của VEAM vẫn chưa dừng lại khi từ năm 2021 đến nay, dù đã trải qua nhiều lần đấu giá và liên tục giảm giá khởi điểm, hàng nghìn chiếc ô tô vẫn tồn kho trong sân bãi của Nhà máy ô tô VEAM ( VEAM Motor - VM) tại Thanh Hóa.

Theo đó, ngày 1/11/2021, VEAM lần đầu tiên tiến hành đấu giá 2.290 xe ô tô tồn kho lâu năm chưa qua sử dụng, chất lượng tương đương mẫu điển hình, chế độ bảo hành tiêu chuẩn của nhà sản xuất, thời gian bảo hành là 12 tháng hoặc 30.000km kể từ ngày bàn giao xe với mức giá khởi điểm gần 972 tỷ đồng. 

Đến ngày 13/5/2024, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tiếp tục thông báo đấu giá tài sản 2.177 xe của Nhà máy ô tô VEAM với mức giá khởi điểm giảm gần một nửa so với lần đấu giá đầu tiên là hơn 503 tỷ đồng.

Năm 2019, tại ĐHĐCĐ thường niên của VEAM, trả lời cổ đông về câu hỏi định hướng phát triển của VEAM Motor, ông Ngô Văn Tuyển, thời điểm đó là Quyền Tổng Giám đốc VEAM cho biết, Nhà máy ô tô VEAM còn lượng tồn kho gần 3.000 xe ô tô, tương ứng tồn kho 1.000 tỷ đồng dẫn tới mất cân đối về tài chính. Kế hoạch của nhà máy là ưu tiên đẩy mạnh tiêu thụ xe ô tô có tiêu chuẩn Euro 2 (tồn kho khoảng 2.400 xe được sản xuất từ năm 2017 về trước).

Hồ sơ doanh nghiệp - Bao giờ sóng gió mới lặng tại VEAM? (Hình 2).

Hình ảnh sân bãi của Nhà máy ô tô VEAM tại Thanh Hóa trên website giới thiệu.

Đến ĐHĐCĐ thường niên 2023, khi được hỏi về lộ trình cụ thể giải quyết, đánh giá rủi ro của việc chậm giải phóng xe tồn kho, Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà, người mới đây bị khởi tố, bắt tạm giam đã thông tin, trong giai đoạn cuối năm 2021 đến hết năm 2022, VEAM đã tổ chức bán đấu giá 4 lần đối với xe tồn kho của VM.

Tuy nhiên chưa có khách đăng ký xe do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan (các dòng xe đã lỗi mốt, giá khởi điểm đấu giá vẫn đang cao nên chưa hấp dẫn khách hàng), lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và việc vay vốn mua xe tải của khách hàng nói riêng. 

Theo ông Hà, VEAM quyết tâm giải quyết các xe tồn kho trong thời gian sớm nhất (dự kiến trong năm 2024) đồng thời để kiểm soát rủi ro, công ty đang thực hiện trích lập dự phòng đối với các xe tồn kho. 

Theo giới thiệu trên website, Nhà máy ô tô VEAM (VEAM Motor) được thành lập ngày ngày 03/6/2008 và bắt đầu hoạt động từ tháng 04/ 2010 với tổng vốn đầu tư khoảng 35 triệu USD. Tổng diện tích: 28,645 ha. Công suất thiết kế: 33000 xe mỗi năm, hai ca làm việc (25000 xe tải nhẹ & 8000 xe tải nặng)

VEAM Motor đặt tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá với bốn xưởng sản xuất chính và 1 trung tâm nghiên cứu R&D : Xưởng Dập, Xưởng Hàn, Xưởng sơn và Xưởng Lắp Ráp (trong đó có 2 dây chuyền lắp ráp xe tải nhẹ và 1 dây chuyền lắp ráp xe tải nặng) với hệ thống máy móc, trang thiết bị lắp ráp và kiểm tra hiện đại bán tự động và tự động hóa. 

Nhiều kỳ vọng đặt ra trong năm 2024

Dường như, những biến động về thượng tầng, không ảnh hưởng đến thị cổ phiếu VEA khi trong thời gian gần đây, cổ phiếu này liên tục chứng kiến đà tăng nhanh chóng. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu VEA tăng 0,66% lên 46.100 đồng/cổ phiếu. 

Trong vòng 1 tháng qua, thị giá của VEA đã tăng hơn 20,68%. Vốn hóa của công ty cũng vào khoảng hơn 61.000 tỷ đồng. 

Tại diễn biến gần nhất, VEAM  đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 với phương án phân phối lợi nhuận sau thuế 2023 là gần 6.781 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, VEAM dự kiến dành 6.691 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Tương đương cổ tức 1 cổ phiếu là khoảng 5.035 đồng.

Bước sang năm 2024, VEAM lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 6.414 tỷ đồng, giảm 22% và lợi nhuận sau thuế 5.488,9 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm 2023. 

Theo đó, kế hoạch năm 2024 của công ty mẹ chưa bao gồm phương bán bán đấu giá xe tồn tại VM và kế hoạch lợi nhuận sau thuế chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm.

Công ty mẹ đặt mục tiêu đạt tăng trưởng cao về doanh thu bán hàng từ các sản phẩm công nghiệp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm vẫn là đẩy mạnh tiêu thụ các dòng xe đang sản xuất, cũng như các dòng xe mới đưa ra thị trường.

Doanh thu thương mại, dịch vụ cũng được xây dựng mục tiêu tăng 124% song vẫn còn chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu doanh thu bán hàng.

Ngoài ra, VEAM cũng song song tập trung đẩy mạnh tìm kiếm các phương án để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu tiêu thụ số lượng xe tồn kho lâu năm tại VM (hiện đang triển khai thông qua hình thức bán đấu giá).

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính dự kiến 5.861 tỷ đồng, chỉ bằng 74% thực hiện năm 2023 do hiệu quả hoạt động trong năm 2023 của các doanh nghiệp VEAM đầu tư góp vốn sụt giảm mạnh. 

Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi năm 2024 dự kiến cũng thấp hơn nhiều so với năm 2023 dẫn tới doanh thu đầu tư tài chính ngắn hạn ước chỉ bằng 50% so với năm trước. 

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác của VEAM trong năm 2024 là sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tập trung tìm giải pháp về pháp lý, về thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại VM cũng như xe ô tô Changan và máy kéo ISEKI.

VEAM cho biết sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại để hoàn thành mục tiêu quyết toán cổ phần hóa.
Đồng thời, VEAM cũng tiếp tục trình ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết cổ phiếu VEA tại Sở giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan. 

ĐHĐCĐ thường niên VEAM năm 2023 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán, tuy nhiên trong năm 2023 VEAM chưa hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu do chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về niêm yết.