Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên: Vừa tiến bộ, vừa nghiêm khắc

Admin
(Chinhphu.vn) - Ngày 8/6, thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nỗ lực của dự luật là cứu các cháu ra khỏi trại giam, thực hiện xử lý chuyển hướng, cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập… hạn chế mức tối đa các cháu phải vào trại.

Đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, theo tờ trình của Chính phủ sẽ điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự gồm nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo luật đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới.

Phát biểu tại tổ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.

Tại Công ước này có khuyến cáo các quốc gia thành viên phải có đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên độc lập. Với ASEAN có 10 nước thì hiện nay chỉ còn 2 nước chưa có Luật Tư pháp cho người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay ở các nước, trẻ em là đối tượng giáo dục là chính, chứ không phải trừng phạt là chính. Ông chỉ rõ việc dự luật được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên hiệp quốc. Trong đó, rất nhiều yêu cầu tiến bộ trong luật này, vừa nghiêm khắc để bảo đảm an toàn trật tự xã hội.

Theo Chánh án, nỗ lực của dự luật là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam. Đồng thời, thực hiện xử lý chuyển hướng, cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập… hạn chế mức tối đa các cháu phải vào trại.

"Thế giới đã chứng minh và chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói thêm.

Đối chiếu các quy định trên với Điều 29 và khoản 2, Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng, về tổng quan, dự thảo Luật đã nới rộng phạm vi áp dụng miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội. Quy định như dự thảo Luật đã "phi tội phạm hóa rất nhiều đối với người chưa thành niên phạm tội. Nói cách khác, chúng ta chuyển hướng một số lớn các hành vi của người chưa thành niên quy định trong Bộ luật Hình sự là tội phạm trở thành không còn là tội phạm.

Phân tích về hình thức xử phạt, điều kiện áp dụng, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, việc chồng chéo về quy định khi cả hai văn bản cùng điều chỉnh một hành vi của một chủ thể sẽ dẫn đến lúng túng, bất cập trong việc truy tố, xét xử. Nếu áp dụng Bộ luật Hình sự thì đề cao tính răn đe, nghiêm khắc còn nếu áp dụng Luật Tư pháp người chưa thành niên thì lại nới lỏng, chưa thích đáng đối với hành vi phạm tội.

Do đó, đại biểu đề nghị, cần xây dựng thêm trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng; đồng thời, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng; xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, Luật Tư pháp người chưa thành niên là một đạo luật chuyên biệt, cho nên chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cần thể hiện rõ, cụ thể bằng việc thể chế hóa trong dự án luật này".

Theo đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên mang tính nhân văn cao, như: quan điểm, mục đích xử lý cần chuyển từ thiên về trừng phạt sang thiên về giáo dục, cảm hóa; chuyển từ việc áp dụng và thi hành các chế tài thiên về cách ly khỏi xã hội (giam giữ tại các trại cải tạo) sang áp dụng nhiều hơn các chế tài giáo dục tại cộng đồng, trong xã hội; tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, cải tạo nhằm tăng tính tự giác, tự nguyện thay cho các biện pháp giáo dục, cải tạo có tính cưỡng bức.

"Mục đích của việc làm đó là để người chưa thành niên phạm tội tự giác, tự nguyện nhận thức được sai trái của hành vi để tiến bộ hơn. Dự thảo Luật cần làm tốt yêu cầu đó để bảo đảm khả thi, hiệu quả nhằm hướng tới giảm tỷ lệ tái phạm của người chưa thành niên, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, xã hội và gia đình; đề cao vai trò hòa giải của cộng đồng; phục hồi nhân cách của con người một cách hòa bình, hạn chế những biện pháp trừng phạt; đề cao tính nhân nhân văn", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc xử lý chuyển hướng, việc chuyển hướng xử lý hình sự với người chưa thành niên là hợp lý. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu có nạn nhân thì phải cân nhắc dựa trên ý kiến của nạn nhân. Ví dụ như người chưa thành niên cố ý gây thương tích nếu xử lý chuyển hướng theo hướng giáo dục tại cộng đồng thì có phù hợp không? Do đó đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ việc áp dụng chuyển hướng đối với người chưa thành niên.

Lê Sơn