Giải pháp nào “cứu cánh” cho doanh nghiệp xe buýt

Hoàng Huyền
Lo ngại việc 57 chiếc xe ô tô đang sử dụng cho 5 tuyến buýt số hiệu từ 41 - 45 đang quản lý, vận hành bị thu nợ gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội, Công ty Bắc Hà đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan liên quan chấp thuận cho ngừng khai thác những tuyến xe buýt nêu trên từ ngày 1/8 vì điều kiện bất khả kháng.

giai-phap-nao-cuu-canh-cho-doanh-nghiep-xe-buyt-dulichgiaitri-doi-song-1657724142.jpg
Mạng lưới buýt Hà Nội vẫn ổn định sau khi buýt Bắc Hà dừng hoạt động Ảnh: LP

Những hệ lụy của việc dừng hoạt động 5 tuyến buýt không chỉ dừng lại ở việc gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dân, nó còn tạo một tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là những đơn vị khai thác xe buýt.

Nêu nguyên nhân, đại diện Công ty Bắc Hà cho biết, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến doanh thu bị sụt giảm, mặc dù lãnh đạo đơn vị đã nỗ lực quản lý, điều hành nhưng kết quả mang lại không như mong muốn. Đặc biệt, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lĩnh vực vận tải. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4, Bắc Giang là trung tâm dịch ban đầu – nơi Công ty Bắc Hà đặt trụ sở chính dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp này bị dừng hẳn trong thời gian dài…

Xung quanh việc Công ty TNHH Bắc Hà xin dừng vận hành 5 tuyến buýt do khó khăn về tài chính, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (TRAMOC) Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: “Thực sự rất đáng tiếc vì buýt Bắc Hà là đơn vị đầu tiên tham gia chủ trương xã hội hóa và 5 tuyến buýt từ 41-45 do Bắc Hà đảm trách cũng là 5 tuyến buýt xã hội hóa đầu tiên của Thành phố…

Khi một đơn vị (Công ty Bắc Hà) đề xuất như vậy, Thành phố buộc phải có điều chỉnh nhưng dựa trên nguyên tắc rõ ràng. Bên cạnh việc chia sẻ cùng doanh nghiệp, Thành phố còn phải tính toán bảo đảm cho hàng nghìn người đi lại bằng xe buýt mỗi ngày. Do đó, hướng xử lý của Thành phố sẽ là lựa chọn những đơn vị đủ năng lực, có kinh nghiệm, sẵn sàng vận hành hệ thống hiện tại để giao tiếp nhận” - ông Nguyễn Hoàng Hải thông tin.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết thêm, việc Công ty TNHH Bắc Hà dừng khai thác không ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Hiện hệ thống đã đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng dần trong các năm tới. Trong năm 2022, Hà Nội có 9 tuyến xe buýt điện được đưa vào khai thác. 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng đã đấu thầu xong và hiện đã có 2/5 tuyến đi vào khai thác từ tháng 6/2022. Sở GTVT đang trình UBND TP Hà Nội kế hoạch tiếp tục đấu thầu 17 tuyến nằm trong kế hoạch năm 2021 song phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, Sở đang chuẩn bị cho kế hoạch mở tiếp 15 tuyến buýt mới khác nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, qua đó từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân, góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

NAM LINH