Từ các phân tích đã nêu (
GS Hoàng Văn Cường đề xuất một mô hình 3 lớp – với nguyên tắc cốt lõi là rạch ròi, đơn giản và phù hợp với thực tiễn bao gồm phân định, đơn giản và số hóa - Ảnh: VGP/Quang Thương
Cần cuộc "đại phẫu" cả phần cứng và phần mềm
Đâu là hình hài một hệ thống thuế lý tưởng? GS Hoàng Văn Cường đề xuất một mô hình 3 lớp – với nguyên tắc cốt lõi là rạch ròi, đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát, minh bạch và phù hợp với thực tiễn, bao gồm phân định, đơn giản và số hóa.
Một là, thuế điều tiết hành vi phải tách bạch khỏi thuế nghĩa vụ. Cần phân định rõ sắc thuế nào để hạn chế hành vi (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường), sắc thuế nào để đảm bảo nghĩa vụ công dân (thuế VAT, thuế thu nhập). Mỗi sắc thuế cần xác định rõ mục tiêu và phạm vi áp dụng, tránh chồng lấn điều tiết lên cùng một đối tượng.
Hai là, cơ chế thu linh hoạt – nhiều phương án, một mục tiêu. Một sắc thuế có thể có nhiều cách tính để phù hợp với các nhóm doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ, hộ kinh doanh nhỏ có thể áp dụng thuế khoán, còn doanh nghiệp lớn áp dụng kê khai chi tiết. Mục tiêu là tối ưu chi phí tuân thủ, chứ không phải "đồng phục hóa" cách nộp thuế.
Ba là, số hóa triệt để – từ nghĩa vụ thành tiện ích. GS Cường nhấn mạnh rằng, nếu làm đúng, hệ thống công nghệ thuế sẽ không chỉ là công cụ quản lý, mà là công cụ giúp doanh nghiệp quản trị. Ông đưa ra ví dụ, tại Estonia, 95% số doanh nghiệp nhỏ có thể tự nộp thuế nhờ nền tảng số hóa toàn diện – tiết kiệm hàng triệu USD chi phí xã hội mỗi năm.
Nhìn chung, nếu coi thuế như "mạch máu" của nền kinh tế, thì ba trụ cột trên chính là những chức năng tuần hoàn thiết yếu, giúp hệ thống thuế thực sự trở thành động lực cho phát triển chứ không phải gánh nặng. Vấn đề đặt ra là: trong thực tiễn, hệ thống thuế của chúng ta đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm kỳ vọng đó?
GS. Hoàng Văn Cường chỉ ra rằng, để cải tổ hệ thống thuế, trước hết cần nhìn nhận lại cấu trúc và cách thức vận hành hiện tại. Ông nhấn mạnh hệ thống thuế được cấu thành bởi hai yếu tố chính: (1) các sắc thuế cùng cơ chế xác định chúng; (2) bộ máy quản lý và thực thi các sắc thuế đó.
Cuộc "đại phẫu" phải tác động đồng thời đến cả "phần cứng" (chính sách, sắc thuế) lẫn "phần mềm" (cách thức vận hành). Từ góc nhìn đó, ông phác thảo nên những nguyên tắc cốt lõi, những trụ cột mà một hệ thống thuế hiện đại cần phải đáp ứng.
Theo GS. Cường, một hệ thống thuế hiệu quả phải đảm bảo được ba chức năng cơ bản.
Thứ nhất, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Chức năng đầu tiên và quan trọng nhất của thuế là huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong xu thế chung trên thế giới, tỷ trọng thu ngân sách dựa vào thuế và phí ngày càng chiếm phần lớn, do đó hệ thống thuế cần được thiết kế để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài thay vì tận thu nhất thời.
Thứ hai, bảm bảo công bằng và điều tiết kinh tế. Thuế phải là công cụ điều tiết vĩ mô, khuyến khích những hoạt động hiệu quả và chế tài những hoạt động kém hiệu quả. Doanh nghiệp hay người nộp thuế nếu làm ăn hiệu quả sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, còn nếu hoạt động kém thì sẽ chịu sự điều chỉnh bất lợi từ chính sách thuế. Nhờ đó, thuế tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện để phát triển tốt hơn.
Thứ ba, hội nhập thông lệ quốc tế. Hệ thống thuế hiện đại phải tương thích với các chuẩn mực quốc tế, tránh biến thuế thành rào cản thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc hài hòa thuế quan với thông lệ chung sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư và giao thương thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần vận dụng những thông lệ đó một cách phù hợp và sáng tạo với điều kiện của Việt Nam – hệ thống thuế phải linh hoạt theo trình độ phát triển và mục tiêu từng giai đoạn, thay vì rập khuôn máy móc.
Doanh nghiệp chỉ phát triển khi hệ thống thuế không khiến họ nghẹt thở
Bắt đầu từ thay đổi tư duy: Đơn giản hóa, chuyển đổi số hệ thống thuế
Làm thế nào để một cuộc cải cách thuế thực sự bắt đầu từ thay đổi tư duy? Từ trường hợp thuế VAT, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, cần đơn giản hóa các quy định về hóa đơn, chứng từ đầu vào – tức là cải cách quy trình khấu trừ và hoàn thuế, cắt giảm những thủ tục không cần thiết. Song song đó, phải nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế: doanh nghiệp tự khai tự chịu, nếu gian dối sẽ bị xử lý nghiêm, nhưng cơ quan thuế cũng cần tin tưởng hơn vào sự tự giác của người dân và doanh nghiệp.
Quan trọng không kém và là xu hướng tất yếu, là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế. Một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại sẽ cho phép mọi giao dịch liên quan đến thuế được ghi nhận tức thời.
Ví dụ, mỗi khoản VAT mà doanh nghiệp nộp ở đầu vào sẽ lập tức được hệ thống ghi nhận là khoản chi (thay người tiêu dùng) của doanh nghiệp đó và khi doanh nghiệp bán hàng, khoản VAT họ thu của khách sẽ đồng thời được ghi nhận là khoản thu. Việc đối soát thu – chi thuế sẽ được thực hiện một cách tự động, thay vì phải chờ doanh nghiệp nộp hồ sơ rồi cán bộ thuế duyệt hoàn như hiện nay.
Công nghệ số sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn nhu cầu doanh nghiệp phải "xin hoàn thuế", qua đó chấm dứt tình trạng vừa thất thoát thuế, vừa làm khó người nộp thuế. GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh đây là "một việc làm tất yếu" để hệ thống thuế không còn gây ra "những phiền toái như hiện nay".
Có thể thấy, tư duy vận hành chính là chìa khóa của cuộc cải cách hệ thống thuế. Từ câu chuyện VAT, thông điệp rút ra là: khi nhà quản lý thay đổi cách nghĩ, cách làm, lấy sự đơn giản, minh bạch và công bằng làm trọng, thì "mạch máu" thuế sẽ lưu thông khỏe khoắn, nuôi dưỡng toàn bộ nền kinh tế.
Cuộc cách mạng về thuế phải bắt đầu từ cuộc cách mạng trong tư duy – có như vậy, chúng ta mới thực sự có một hệ thống thuế hiện đại, công bằng và hội nhập, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn mới.
Một hệ thống thuế lý tưởng không chỉ nuôi ngân sách, mà còn cần phát huy vai trò điều tiết và khuyến khích, điều chỉnh hành vi, phân phối lại lợi ích, và khơi dậy động lực sáng tạo – đầu tư – sản xuất. Muốn vậy, cần tái cấu trúc toàn diện hệ thống thuế – từ tư duy đến vận hành – theo hướng công bằng, linh hoạt và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Mỗi chính sách thuế cần trả lời rõ: nó khuyến khích điều gì, cản trở điều gì? Nếu được thiết kế minh bạch, hợp lý và dễ tuân thủ, người dân và doanh nghiệp sẽ sẵn sàng nộp thuế và thuế sẽ trở thành đòn bẩy phát triển."Người dân chỉ sẵn sàng nộp thuế khi thấy công bằng, minh bạch. Doanh nghiệp chỉ phát triển khi hệ thống thuế không khiến họ nghẹt thở," GS. Cường nhấn mạnh.
Cải cách thuế không phải để thu ít hay thu nhiều hơn, mà là để thu đúng – thu đủ – thu thuận lợi. Khi đó, thuế không chỉ là công cụ tài khóa, mà thực sự là nền móng cho một quốc gia phát triển bền vững./.
Hoàng Thu Trang
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/da-den-luc-can-cuoc-cai-cach-ve-thue-bai-2-dua-thue-thanh-don-bay-phat-trien-a210399.html