Việt Nam: Cửa ngõ chiến lược phát triển ngành thực phẩm Halal

(Chinhphu.vn) - Là một quốc gia có vị trí địa lý chiến lược, thế mạnh về nông nghiệp và hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường Halal, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang có tiềm năng tham gia vào thị trường trị giá 12.000 tỷ USD trong 5 năm tới.

Việt Nam: Cửa ngõ chiến lược phát triển ngành thực phẩm Halal- Ảnh 1.

Việt Nam có lợi thế lớn với 20 mặt hàng nông sản đang được các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhập khẩu nhiều nhất

Hội thảo khoa học quốc tế "Đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững" lần thứ nhất, diễn ra ngày 17/4 tại Hà Nội, đã làm rõ tiềm năng và định hướng phát triển ngành kinh tế Halal của Việt Nam, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Theo Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Ali Akbar Nazari, ngành thực phẩm Halal là phân khúc quan trọng nhất của nền kinh tế Halal, chiếm khoảng 65% tổng thương mại Halal. Năm 2023, lĩnh vực này tạo ra doanh thu 2.300 tỷ USD và dự kiến đạt 5.300 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 10,5%. Thực phẩm Halal được kỳ vọng sẽ chiếm 20% tổng thương mại thực phẩm toàn cầu trong tương lai gần. Quy mô thị trường Halal hiện đạt 8.000 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 12.000 tỷ USD trong 5 năm tới, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia tham gia chuỗi cung ứng này.

Hiện nay, hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 25% dân số thế giới, tập trung đông ở khu vực châu Á (62%), đặc biệt trong khối ASEAN. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, tiêu thụ hơn 63% sản phẩm Halal toàn cầu, trở thành trung tâm của thị trường năng động này. Với vị trí chiến lược, Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường rộng lớn này, theo ông Nazari.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, nhận định Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal. Vị trí địa lý chiến lược, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia thị trường Halal. Ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào cho ngành thực phẩm Halal, như cà phê, gạo, hải sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, đủ khả năng sản xuất các sản phẩm cuối cùng đáp ứng tiêu chuẩn Halal.

Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam có lợi thế lớn với 20 mặt hàng nông sản đang được các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhập khẩu nhiều nhất, bao gồm cà phê, gạo, hạt điều, hồ tiêu, trái cây tươi, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, mật ong, quế, và nước ép trái cây. Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết từ năm 2022 đến 2024, xuất khẩu hạt điều sang khu vực Trung Đông đạt khoảng 400 triệu USD mỗi năm, với hơn 60.000 tấn nhân điều, chiếm 8-13% tổng xuất khẩu điều của Việt Nam. Các thị trường lớn như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iraq, Jordan, Iran và Ai Cập nhập khẩu hạt điều Việt Nam với giá trị hàng chục triệu USD trong năm 2024.

Năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, như gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu. Ông Ramlan Bin Osman nhận định, nếu đáp ứng tiêu chuẩn Halal, các mặt hàng này có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hồi giáo, nơi hiện có khoảng cách lớn giữa cung và cầu sản phẩm Halal. Ngoài nông sản, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ngành dịch vụ Halal, đặc biệt là du lịch. Được công nhận là điểm đến quốc tế hàng đầu từ năm 2018, Việt Nam có thể phát triển các nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống để thu hút du khách Hồi giáo.

Thế giới đã chứng kiến nhiều quốc gia không phải Hồi giáo thành công trong thị trường Halal nhờ tận dụng tiềm năng sớm. Australia là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất sang Trung Đông, Brazil dẫn đầu về gia cầm Halal, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển du lịch Halal. Tại Đông Nam Á, Thái Lan, dù tỷ lệ người Hồi giáo thấp, đã xây dựng nền kinh tế Halal mạnh mẽ, trở thành một trong những nhà sản xuất thực phẩm chế biến Halal lớn nhất thế giới, với thương hiệu "Nhà bếp của thế giới".

Để phát huy tiềm năng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này để xây dựng hệ sinh thái Halal. Đại sứ Ali Akbar Nazari khẳng định Iran sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và hệ thống pháp lý trong ngành Halal. Iran đề xuất hỗ trợ thiết lập quy trình chứng nhận Halal, tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo chuyên đề, giúp Việt Nam xây dựng hệ thống Halal đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Với khát vọng mở rộng xuất khẩu sản phẩm Halal sang Tây Á, Việt Nam có thể xem Iran là cầu nối chiến lược.

Đại sứ Vương quốc Morocco tại Việt Nam, ông Jamale Chouaibi, cũng đề xuất hợp tác trong trao đổi kiến thức chuyên môn và xây dựng hạ tầng chứng nhận Halal, như phòng thí nghiệm và hệ thống đánh giá kiểm định. Morocco có thể trở thành cầu nối để sản phẩm Halal Việt Nam tiếp cận thị trường châu Phi, Trung Đông và châu Âu, trong khi Việt Nam hỗ trợ đưa sản phẩm Morocco đến Đông Nam Á. Ông Chouaibi nhấn mạnh cần chính thức hóa hợp tác thông qua các thỏa thuận và bản ghi nhớ (MoU) để hài hòa tiêu chuẩn và đơn giản hóa quy trình chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng nhận định, tham gia thị trường Halal không chỉ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, thu hút đầu tư tài chính từ các tập đoàn quốc tế và khu vực. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển theo tiêu chuẩn Halal.

Để nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái Halal toàn diện, từ sản xuất, chế biến đến chứng nhận và xuất khẩu. Điều này bao gồm việc đào tạo nhân lực, xây dựng hệ thống chứng nhận Halal đạt chuẩn quốc tế, và tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường Hồi giáo. Hội nghị giao ban do Bộ Công Thương tổ chức đầu tháng 4/2025 với chủ đề "Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường sản phẩm Halal toàn cầu" đã nhấn mạnh vai trò của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường Halal.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Việt Nam sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm HalalViệt Nam sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm Halal
Tham khảo thêm
Thủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là 'cơ hội vàng', vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắcThủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là 'cơ hội vàng', vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/viet-nam-cua-ngo-chien-luoc-phat-trien-nganh-thuc-pham-halal-a210438.html