Là một người con xa xứ, GS. Phan Văn Trường có nhiều dịp trở về TPHCM và chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của TPHCM sau 50 năm giải phóng.
GS. Phan Văn Trường, Việt kiều Pháp là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.
Là một người con xa xứ, GS. Phan Văn Trường có nhiều dịp trở về TPHCM và chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của TPHCM sau 50 năm giải phóng.
"Từ một thành phố chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, nơi đây đã vươn lên trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và công nghệ hàng đầu của cả nước", ông Phan Văn Trường nhìn nhận.
Cũng theo GS. Phan Văn Trường, trải qua nửa thế kỷ, TPHCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống hạ tầng giao thông được mở rộng với các tuyến đường cao tốc, cầu vượt, hầm chui và đặc biệt là hệ thống metro đã đi vào hoạt động, giúp giảm áp lực giao thông đáng kể. Các khu đô thị mới, những tòa nhà chọc trời như Landmark 81, hay các trung tâm thương mại hiện đại đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho Thành phố.
Kinh tế TPHCM cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước. Khu Công nghệ cao Thành phố thu hút lượng lớn các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, nền kinh tế số và khởi nghiệp đang phát triển mạnh, đưa TPHCM trở thành "Silicon Valley" của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đời sống người dân được nâng cao đáng kể. Chất lượng y tế, giáo dục, các dịch vụ công ngày càng hiện đại. Thành phố cũng không ngừng mở rộng không gian xanh với các công viên, khu sinh thái nhằm cải thiện môi trường sống.
Tuy nhiên, GS. Phan Văn Trường cũng nhìn nhận, dù phát triển vượt bậc nhưng TPHCM vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại. Giao thông vẫn là một bài toán nan giải khi tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra. Mật độ xe cộ dày đặc, tình trạng ùn tắc kéo dài ở nhiều tuyến đường chính làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của người dân. Hệ thống giao thông công cộng dù đã có sự cải thiện nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu người dân.
Ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề đáng báo động. Sự gia tăng phương tiện cá nhân, công trình xây dựng và các khu công nghiệp gây ra mức độ ô nhiễm không khí, nước và tiếng ồn ngày càng cao. Việc quy hoạch chưa đồng bộ cũng làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa. Việc phát triển nhanh chóng mà chưa có quy hoạch hợp lý đã gây ra tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư vẫn khá lớn. Trong khi một số khu vực trung tâm phát triển mạnh mẽ với những tòa nhà cao tầng và tiện ích hiện đại, thì nhiều nơi khác, nhất là vùng ven, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.
Để TPHCM tiếp tục phát triển bền vững và trở thành một thành phố đáng sống, GS. Phan Văn Trường đề xuất 4 điểm.
Thứ nhất, cần đẩy mạnh công nghệ và kinh tế số. Theo ông, chính quyền cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào công nghệ cao để TPHCM có thể cạnh tranh với các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới.
Thứ hai, quy hoạch đô thị hợp lý, cụ thể là phát triển các khu đô thị vệ tinh để giãn dân, giảm áp lực cho khu vực nội thành. Đồng thời, cần đảm bảo việc xây dựng đi đôi với hệ thống thoát nước hiệu quả để tránh tình trạng ngập úng.
Thứ ba, cải thiện giao thông công cộng; hoàn thiện nhanh chóng hệ thống metro, tăng cường các tuyến xe buýt xanh, xe điện.
Thứ tư, tăng cường bảo vệ môi trường. Thành phố cần có chính sách kiểm soát khí thải chặt chẽ, phát triển các khu đô thị sinh thái, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
TS. Trần Bá Phúc, Việt kiều Australia, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, mỗi năm, người Việt Nam ở nước ngoài gửi về từ 16-18 tỷ USD, trong đó cộng đồng kiều bào Australia đóng góp khoảng 15-17% tổng kiều hối toàn cầu
Kiều bào mong muốn cải cách môi trường đầu tư
TS. Trần Bá Phúc, Việt kiều Australia, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, mỗi năm, người Việt Nam ở nước ngoài gửi về từ 16-18 tỷ USD, trong đó cộng đồng kiều bào Australia đóng góp khoảng 15-17% tổng kiều hối toàn cầu. Con số này không chỉ là dòng chảy vững mạnh giúp củng cố nền tài chính quốc gia mà còn là động lực, là hơi thở của sự phát triển tại TPHCM – nơi mà cộng đồng kiều bào đông đảo nhất.
Cũng theo ông Trần Bá Phúc, TPHCM luôn chú trọng sự đóng góp của cộng đồng kiều bào, đặc biệt là trong việc phát triển các ngành mũi nhọn của Thành phố. Hằng năm, Thành phố đều tổ chức chương trình Xuân Quê hương, đây không chỉ là dịp để kiều bào gặp gỡ, mà còn là cơ hội để họ góp sức vào sự phát triển của quê hương, cùng nhau vun đắp hoài bão phát triển.
Ông William Lê: Tôi thực sự kỳ vọng vào cuộc cải cách hành chính đang diễn ra
"Cộng đồng doanh nhân Việt kiều chính là những người có tầm nhìn xa và khả năng kết nối tuyệt vời, họ không chỉ mang về kiều hối mà còn giúp thu hút nguồn lực quốc tế vào các ngành tiềm năng của Thành phố. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn những rào cản lớn cho quá trình thu hút đầu tư vào TPHCM, đặc biệt là cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư", ông Phúc nhấn mạnh.
Để vượt qua những thách thức này, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia bày tỏ kỳ vọng TPHCM sẽ cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo ra những cơ chế thông thoáng và linh hoạt để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh. Đây sẽ là bước đi vững chắc giúp TPHCM không chỉ duy trì được đà phát triển mà còn khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với sự cải cách chuyên sâu, sự đồng lòng của chính quyền TPHCM và sự đồng hành của cộng đồng doanh nhân, TPHCM sẽ bùng nổ phát triển, trở thành thành phố thông minh và công nghiệp xanh, tạo ra một môi trường đầu tư lý tưởng và tiếp tục là mái nhà chung cho những khát vọng vươn ra thế giới của cả dân tộc", ông Phúc nói.
Ông William Lê (Việt kiều Hoa Kỳ): "Tôi bắt đầu về lại Việt Nam từ đầu những năm 80. Từng giai đoạn phát triển của TPHCM đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Không đâu mang lại cảm giác vừa thân thuộc vừa đổi mới nhanh như TPHCM.
Tôi thường xuyên về Việt Nam, mỗi lần về đều chọn TPHCM làm nơi lưu trú, bởi đây không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là nơi tôi tìm thấy sự kết nối với nguồn cội. Những thành tựu lớn nhất của Thành phố trong 50 năm qua là sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, đời sống người dân ngày càng nâng cao và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tôi thực sự kỳ vọng vào cuộc cải cách hành chính đang diễn ra. Đó là một cuộc 'cách tân' lớn, đúng thời điểm, giúp Việt Nam và TPHCM vươn lên mạnh mẽ hơn trên bản đồ kinh tế thế giới".
Minh Thi - Lê Tuấn (thực hiện)
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/bai-2-khat-vong-vuon-xa-tu-kieu-bao-bon-phuong-a210715.html