Tin liên quan
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!
Những câu chuyện xúc động ở “Trái tim người lính”
Chương trình đặc biệt của Nhà hát Múa rối Việt Nam mừng 50 năm thống nhất đất nước
Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Rưng rưng trước ký ức thiêng liêng của dân tộc
Chương trình cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, gồm 3 chương: “Khát vọng hoà bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”. Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. 3 điểm cầu tại Hà Nội, Quảng Trị và TP.HCM là 3 địa danh giàu ý nghĩa lịch sử, có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, điểm cầu tại Hà Nội ở Công viên Thống Nhất, Đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) được khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hoà bình, Bắc Nam sum họp; điểm cầu tại Quảng Trị đặt ở di tích Quốc gia đặc biệt Khu vực Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình. Và, điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh được đặt ở Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức, là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.
Xuyên suốt cầu truyền hình những phóng sự trải dài suốt 20 năm, những hình ảnh tư liệu, những câu chuyện với nhiều nhân chứng lịch sử… đã giúp khán giả, đặc biệt là những người trẻ hiểu rõ bối cảnh lịch sử buộc nhân dân ta phải cầm súng để bảo vệ độc lập, thể hiện ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Đó là những phóng sự về sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, Lễ xuất quân thanh niên xung phong tại Nhà hát Lớn, Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, trận chiến ở Quảng Trị năm 1972, Hà Nội Điện Biên Phủ trên không 1972, Hiệp định Paris 1973, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975… Cùng với đó, những câu chuyện từ ký ức của các nhân chứng lịch sử khiến khán giả xúc động, tự hào về sự anh dũng, quả cảm và mưu lược của cha anh trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Đó là câu chuyện về đường ống xăng dầu trên tuyến đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam, mà nhà báo Jacques C. Despuech (Pháp) đã khẳng định "... bị trọng pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm, vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam. Con đường mòn ấy không chỉ là vật thể mà nó là con đường dân tộc", bởi nó được xây nên bởi ý chí của cả 1 thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"! Nước Mỹ đã chi hàng tỷ USD hòng bóp nghẹt con đường nhưng nó vẫn tồn tại. Đó là những câu chuyện cha anh đã vượt mọi khó khăn, khắc nghiệt để chi viện cho miền Nam… Cùng với đó là sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong phong trào phản chiến khắp năm châu đã hết lòng cổ vũ Việt Nam trên con đường giành độc lập.
Cùng với những thước phim, những ký ức hào hùng, chương trình cũng đem đến những nốt lặng khiến người xem ngấn nước mắt trước biết bao hy sinh xương máu của cha anh để có được khúc khải hoàn hôm nay. Đó là lời kể về ba người nữ thanh niên xung phong bị bom đánh khiến đồng đội đau đớn bởi không thể tìm thấy được phần nào di thể của các chị để mang về; là câu chuyện 1km xây dựng đường tiếp vận xăng dầu Trường Sơn có 2 chiến sĩ hy sinh; là câu chuyện về một bức thư mà 3 chiến sĩ giải phóng quân trước khi hy sinh đã để lại cho hậu thế. Họ là Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình, Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bị thương và đói khát, họ đã chọn cho mình một địa điểm là cánh rừng nguyên sinh ở thượng nguồn sông Đồng Nai làm nơi chốn cuối cùng của mình. Trước khi chết họ đã để lại 1 bức thư để gửi lại cho những người còn sống…
Những hy sinh như vậy rất, rất nhiều trong cuộc chiến đấu giành hòa bình của dân tộc, mà ở mỗi câu chuyện các nhân chứng đều không thể không nhắc đến.
Khán giả cũng nghẹn ngào rơi nước mắt với cuộc “trở về” với gia đình kỳ diệu sau 50 năm của liệt sĩ Kha Văn Việt.
50 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 - dấu mốc lịch sử kết lại một chương bi tráng trong bản hùng ca của dân tộc Việt Nam. Sau nửa thế kỷ, những người lính từng đứng hai bên chiến tuyến đã vượt qua khác biệt, khép lại đau thương của quá khứ. Đó cũng là lý do mà cựu chiến binh người Mỹ Adolph Novello đã tìm cách trao lại kỷ vật mà ông đã thu giữ được khi tham chiến tại Việt Nam cho gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt. Ông Adolph Novello đã mang những kỉ vật và giấy tờ đó về Mỹ, cất giữ trong một chiếc hộp suốt 50 năm và có nguyện vọng mang những giấy tờ và kỉ vật này trao lại cho thân nhân của liệt sĩ. Cuộc gặp gỡ, trao kỷ vật là những giấy tờ, giấy sinh hoạt đoàn, tấm ảnh… cho người thân liệt sĩ Kha Văn Việt ngay tại sân khấu của chương trình là một điểm nhấn đầy cảm xúc về sự thấu hiểu, đồng cảm và mong muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Đó cũng là minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân ái và biểu tượng của sự hàn gắn. Giữa lòng Việt Nam hòa bình và thống nhất, tinh thần hòa giải ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới, cùng nhau vun đắp một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ hiện tại và mai sau.
Hình ảnh cựu chiến binh Trần Văn Thanh (76 tuổi, ngụ phường Quang Trung, thành phố Vinh) chạy xe máy 10 ngày, vượt quãng đường hơn 1.300km từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh trên sân khấu chương trình cũng cho thấy đậm nét hơn niềm hạnh phúc vô bờ ngân mãi của người chiến sĩ năm xưa trước hòa bình hôm nay. Ông Thanh cho biết, ông đi xe máy vào TP Hồ Chí Minh để được ngắm nhìn từng tấc đất của hòa bình. Phóng sự về những thành tựu của đất nước sau 50 năm giành hòa bình, độc lập, thống nhất non sông tiếp tục khẳng sức mạnh của dân tộc Việt Nam không chỉ ở thời chiến, mà cả trong thời bình, rất đỗi tự hào, kiêu hãnh.
Khúc khải hoàn ngân mãi
Để tô đậm, ngân vang mãi khúc khải hoàn, các tiết mục nghệ thuật trong chương trình được dàn dựng với quy mô hoành tráng ở cả ba điểm cầu với hình thức thể hiện đa dạng: MV, thực cảnh, hoạt cảnh…, cùng nhiều màu sắc âm nhạc phong phú, tái hiện những trang sử hào hùng của đất nước.
Các tiết mục đưa người xem trở lại những dấu mốc lịch sử đầy tự hào của dân tộc, đồng thời thể hiện tình yêu quê hương đất nước bất diệt trong mỗi trái tim người Việt. Đặc biệt, phần hòa giọng giữa các nghệ sĩ và các đại sứ và phu quân, phu nhân các nước… trong ca khúc “Quê hương Việt Nam” trên sân khấu, sự tham gia của 50 gương mặt đại diện cho nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau trong MV Con đường ta chọn… đã trở thành một dấu ấn đẹp của chương trình, thể hiện tinh thần một Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, đoàn kết và hữu nghị.
Chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn" khép lại, nhưng đúng như tên gọi của nó - dư âm của chiến thắng vẫn sẽ còn vang vọng mãi; để rồi, đứng trước vận hội mới, cả dân tộc ta sẽ cùng nhau sánh vai, tự tin tiến bước vào một kỷ nguyên đầy khát vọng và vinh quang.