Thấp thỏm nỗi lo trượt tốt nghiệp
Trong kỳ khảo sát chất lượng dành cho học sinh lớp 12 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội tổ chức từ ngày 21-23/3, có hơn 118.000 học sinh lớp 12 các trường trung học phổ thông (THPT), trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Thành phố tham gia. Học sinh làm bài 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, và 2 môn tự chọn trong số các môn: Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp, Công nghệ định hướng Nông nghiệp, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đề khảo sát là đề chung do Sở GD-ĐT Hà Nội xây dựng. Kết quả được Sở GD-ĐT công bố trong tháng 4 cho thấy tỷ lệ học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp khá cao. Cụ thể, số bài thi từ 0-1 điểm là 4.228 bài (chiếm 0,91%), bài thi điểm dưới 3,0 là gần 32.000 bài (gần 7%); tỷ lệ bài thi các môn đạt điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm) là 148.003 bài (chiếm tỷ lệ gần 32% trong tổng số bài thi). Toán là môn có điểm dưới trung bình nhiều nhất với 51,69%. Tỷ lệ điểm dưới trung bình ở môn Ngữ văn là 34,03%.
Từ khi nhận kết quả kiểm tra khảo sát, em Nguyễn Văn K (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) “mất ăn mất ngủ”. Trong kỳ kiểm tra này, K làm 4 bài thi thì có tới 3 bài thi dưới điểm trung bình. Đây không chỉ là “cú sốc” đối với K mà còn với cả gia đình em. Chị Lê Thu H (mẹ K) cho biết: “Dù chỉ là kỳ thi thử nhưng kết quả đã khiến cả nhà lo lắng vô cùng. Đây là năm đầu tiên thi theo chương trình mới nhưng con không được ôn thi nhiều ở các lớp học thêm như các anh chị năm trước. Với đà này, cơ hội vào đại học của con sẽ rất mong manh”.
Để “chống trượt” tốt nghiệp cho con, chị H đã đôn đáo tìm các lớp học thêm ngoài nhà trường, từ học online đến các lớp ở các trung tâm. Chi phí học thêm ở trung tâm dù đội lên rất nhiều so với học thêm trong trường trước đây, nhưng chị cũng phải cố gắng lo để con có thể ôn thi tốt nhất. Phần K cũng căng mình ôn thi cả ngày lẫn đêm, vì nguy cơ trượt tốt nghiệp vẫn luôn “ám ảnh” từ kết quả khảo sát không tốt vừa qua.
Em Trần Văn Q (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong lần khảo sát vừa qua, em có 2 bài dưới điểm trung bình (1 bài điểm 1, 1 bài điểm 3). Dù đã làm quen với các dạng bài đề thi minh họa trước đó nhưng không hiểu sao khi vào làm kiểm tra thử, kết quả lại thấp như thế. Điều này khiến em rất lo. “Ngoài việc học thêm ôn thi miễn phí 2 buổi/tuần ở trường học, em còn đăng ký ôn thi ở các lớp học thêm ngoài trung tâm, nhưng cách dạy của thầy cô ở trung tâm không giống thầy cô trong trường nên em cũng hơi hoang mang, không biết mình ôn thi như thế đã đúng hướng chưa”- Trần Văn Q nói.
Tìm giải pháp “chống trượt”
Kỳ thi khảo sát năm nay nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2028. Dù là kỳ thi thử nhưng được Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức như kỳ thi thật, nhằm mục đích thông qua kết quả sẽ giúp nhà trường, giáo viên đánh giá đúng chất lượng học sinh để từ đó có định hướng trong việc dạy và học theo chương trình mới hiệu quả hơn.
Do đó, ngay sau khi công bố kết quả kỳ thi khảo sát với điểm số thấp đáng báo động, Sở GD-ĐT đã tổ chức ngay một hội nghị với hiệu trưởng các trường học để tìm giải pháp trong giai đoạn ôn thi cao điểm, hướng đến mục tiêu không có học sinh trượt tốt nghiệp.
Năm 2024, Trường THPT Phùng Hưng (quận Hà Đông) có 10 học sinh trượt tốt nghiệp, năm nay trường có 227 học sinh lớp 12 dự thi. Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ đảm bảo tỷ lệ đỗ 100%. Từ kết quả của đợt khảo sát vừa qua, nhà trường cũng đã lên kế hoạch điều chỉnh ôn tập để sát với từng nhóm đối tượng học sinh; đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu; xây dựng lộ trình, mục tiêu ôn tập từng chặng từ nay đến trước kỳ thi…
Tương tự, năm 2024, Trường THPT Nguyễn Trực (huyện Thanh Oai) cũng có 8 học sinh trượt tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2025, trường có 203 học sinh lớp 12. Hầu hết học sinh của trường có đầu vào chưa cao, nhiều học sinh chưa tự giác học tập nên kết quả khảo sát chưa được như mong muốn. Để giảm tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp, nhà trường đang tích cực triển khai như phối hợp với phụ huynh giám sát, hỗ trợ học sinh học tập và tự học ở nhà; tổ chức phụ đạo theo từng nhóm học sinh.
Để sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo chương trình mới, từ kết quả khảo sát, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương, các nhà trường cần tiếp tục phân tích, xác định rõ nguyên nhân vì sao môn học này điểm còn thấp, nội dung kiểm tra môn kia còn nhiều học sinh chưa đạt yêu cầu… Đồng thời, nhà trường cần rà soát kỹ, phân loại học sinh theo nhóm và tăng cường hỗ trợ, tư vấn học sinh trong việc lựa chọn đăng ký môn thi tốt nghiệp phù hợp.
Hiện nay, nhằm giúp học sinh ôn thi tốt nghiệp hiệu quả, Sở GD-ĐT Hà Nội và Đài PT-TH Hà Nội phối hợp thực hiện Chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT. Chương trình bắt đầu lên sóng từ ngày 4/4 - 6/8/2025 trên kênh H2 và ứng dụng Hanoi ON, và được kỳ vọng là kênh học tập hiệu quả nhằm hỗ trợ học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT. Để các tiết hướng dẫn ôn tập trên truyền hình và các nền tảng số của Đài Hà Nội đảm bảo chất lượng và tiến độ, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lựa chọn giáo viên giỏi ở 3 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh tham gia chương trình. Phòng Giáo dục trung học của Sở cùng đội ngũ giáo viên này đã xây dựng nội dung bài giảng, bài tập củng cố kiến thức ở mỗi tiết ôn tập, nhằm hỗ trợ học sinh tự học đạt hiệu quả. Theo kế hoạch, kiến thức trọng tâm của 3 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh cùng kỹ năng làm bài sẽ được tổng hợp trong 10 tiết dạy mỗi môn. Các tiết dạy được phát sóng từ 21h-21h40 các tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/cang-minh-on-thi-chong-truot-a212108.html