PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
"Cả dân tộc khi ấy dâng trào niềm tin, khí thế và khát vọng phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh. Phải từng sống trong thời khắc ấy mới thấy được tinh thần phấn khởi, ý chí vượt khó và khát vọng đổi đời lớn lao đến nhường nào. Đó không chỉ là thuận lợi mà còn là một động lực to lớn", ông Phúc nhấn mạnh.
Dù vậy, hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội. Nền kinh tế kiệt quệ, điểm xuất phát của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội rất thấp. Khi ấy, dân số khoảng 45 triệu người nhưng thu nhập đầu người còn rất thấp; các vấn đề xã hội và hậu quả chiến tranh cần được giải quyết một cách cấp bách.
Thứ hai, Việt Nam tiếp tục bị các thế lực đế quốc, đứng đầu là Mỹ, bao vây cấm vận nghiêm ngặt. Mãi đến năm 1977, Việt Nam mới được gia nhập Liên Hợp Quốc, đến năm 1994 Mỹ mới dỡ bỏ cấm vận và năm 1995 mới bình thường hóa quan hệ với ta. Đây là những trở ngại lớn trong hội nhập và phát triển. Thứ ba, chiến tranh biên giới và thiên tai xảy ra liên tục và kéo dài. Chiến tranh biên giới Tây Nam, sau đó là chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đặc biệt ác liệt tại mặt trận Vị Xuyên, kéo dài gần một thập kỷ.
Thứ tư, các thế lực thù địch trong và ngoài nước không ngừng chống phá. Sự nổi dậy, hoạt động phá hoại và âm mưu can thiệp từ bên ngoài đòi hỏi phải có những đối sách kịp thời để giữ vững an ninh quốc gia.
Thách thức cuối cùng được chuyên gia lịch sử chỉ ra là do khuyết điểm, nhận thức, tư duy còn hạn chế, bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, nóng vội… khiến nhiều chính sách kinh tế thời kỳ đó chưa phát huy được. Từ cuối những năm 1970 đến năm 1979, kinh tế - xã hội rơi vào khủng hoảng: sản xuất trì trệ, lạm phát tăng cao, các mục tiêu kinh tế đặt ra tại Đại hội IV không thực hiện được. Mãi đến năm 1996, Việt Nam mới chính thức thoát khỏi khủng hoảng.
Để vượt qua những thách thức đó, từ Hội nghị Trung ương VI (năm 1978), Đảng bắt đầu tháo gỡ khó khăn về kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, nhằm tăng sản lượng và tạo nguồn vật chất cho xã hội. Tiếp theo, Hội nghị Trung ương VIII (năm 1985) đã tiến hành xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh. Năm 1986, Bộ Chính trị đề ra ba chương trình kinh tế lớn, chuẩn bị cho Đại hội VI – dấu mốc xác lập đường lối đổi mới toàn diện.
"Giai đoạn này, Đảng từng bước đổi mới cả trong nhận thức và hành động, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế để tìm ra con đường phát triển phù hợp cho đất nước", ông Phúc nói.
Về đối ngoại, Việt Nam từng bước giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ với Mỹ và tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
"Có thể nói, 10 năm sau giải phóng là giai đoạn đất nước vượt lên từ khó khăn, từng bước thoát khỏi khủng hoảng và khẳng định được đường lối đổi mới tại Đại hội VI. Từ đó, chúng ta bước vào thời kỳ phát triển thuận lợi hơn, với các giải pháp đồng bộ về đối nội, đối ngoại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Phúc khẳng định.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, đó là thời kỳ đầy biến động, khó khăn và phức tạp, nhưng cũng rất đáng tự hào. Chính trong giai đoạn ấy, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng - vì nước, vì dân đã tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc đổi mới sau này.
Việt Nam cũng đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và ASEAN. Những hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường cho các sản phẩm Việt Nam, mà còn thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Đổi mới không chỉ là cải cách kinh tế mà còn là cải cách thể chế. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Các luật về doanh nghiệp, đầu tư, và lao động đã được sửa đổi để tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch hơn. Nhờ đó, Việt Nam đã cải thiện đáng kể vị trí của mình trong Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Năm 2020, Việt Nam được xếp hạng thứ 74 trong số 190 nền kinh tế, đạt 69,1 điểm. Năm 2023, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 65 trong số 190 nền kinh tế, đạt khoảng 70,2 điểm.
Về hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 30 nước; bao gồm 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả thành viên ASEAN. Việt Nam còn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO…
Việt Nam đang đứng trước một thời cơ lịch sử mới - bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ với mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Mục tiêu này không chỉ là ước mơ, mà là một chiến lược cụ thể, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ mọi mặt của xã hội và nền kinh tế.
Để hiện thực hóa khát vọng ấy, việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy Nhà nước, sáp nhập các địa phương, và tinh giản bộ máy hành chính không chỉ là yêu cầu tất yếu của quá trình đổi mới thể chế, mà còn là một bước đi chiến lược quan trọng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam khẳng định, việc sáp nhập các đơn vị hành chính, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp xã chính là sự tiếp nối cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị.
Tuy nhiên, theo ông Huân, mục tiêu không chỉ dừng ở việc giảm biên chế hay cắt giảm số lượng địa phương, mà quan trọng hơn là tạo ra một không gian phát triển mới. "Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, việc sáp nhập không đơn thuần là tinh giản bộ máy mà phải hướng đến việc mở ra không gian phát triển kinh tế, tận dụng tốt hơn các tiềm năng của từng địa phương", ông Huân nói.
Lấy ví dụ từ cấp xã, ông Huân cho biết hiện nay cả nước có khoảng 10.000 xã, trong đó không ít xã có quy mô dân số nhỏ, bị chia cắt hành chính gây khó khăn trong việc ra quyết định và triển khai công việc.
"Nhiều xã hiện nay quá nhỏ, quyền lực bị tập trung ở cấp quận hoặc huyện, dẫn đến xã không thể chủ động, làm gì cũng chậm", ông nói và đề xuất cần bỏ cấp huyện để mở rộng không gian cho xã. Khi đó xã có quyền quyết định, xử lý trực tiếp các thủ tục hành chính, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Mặt khác, ở cấp tỉnh, hiện nay cả nước có 63 tỉnh, thành phố. Việc sáp nhập dự kiến giảm xuống còn khoảng 34 tỉnh thành sẽ mở ra một quy mô quản lý mới lớn hơn, đồng bộ hơn và có dư địa phát triển mạnh mẽ hơn.
"Nhiều tỉnh hiện nay phát triển rất tốt như Bắc Ninh, Bình Dương nhưng đang dần hết quỹ đất, không gian phát triển bị bó hẹp. Nếu sáp nhập, ví dụ Bình Dương với Tp. Hồ Chí Minh, sẽ có thêm hệ thống cảng sông, cảng biển, giúp mở rộng chuỗi cung ứng và logistics", ông Huân phân tích.
Theo ông Huân, sự kết hợp các địa phương không chỉ giúp tận dụng thế mạnh bổ sung lẫn nhau, mà còn tạo điều kiện để các tỉnh có GRDP bình quân đầu người thấp được hỗ trợ và kéo lên thông qua chính sách liên kết vùng và phối hợp phát triển kinh tế. Đây là cách tiếp cận vừa nhân văn, vừa thực tiễn trong quản trị phát triển quốc gia.
Cùng với việc sáp nhập để mở rộng không gian và tối ưu nguồn lực, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh nếu tận dụng được đà phát triển hiện tại, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Hiện nay, GDP của Việt Nam đã đạt gần 500 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm, đến năm 2035 GDP sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ USD và đến năm 2045 có thể đạt 2.000 tỷ USD.
"Nếu tốc độ tăng trưởng được đẩy lên 2 con số nhờ mở rộng không gian phát triển và cải cách hành chính triệt để, thì không dừng lại ở 2.000 tỷ USD, mà có thể chạm mốc 3.000 tỷ USD hoặc hơn. Khi đó, với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt trên 30.000 USD - một mức của quốc gia giàu", ông Huân chia sẻ.
Theo ông, ngưỡng thu nhập cao được xác định khoảng 14.000 - 15.000 USD/người/năm. Nếu các mục tiêu về cải cách bộ máy, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và mở rộng không gian kinh tế được đồng bộ triển khai, thì giấc mơ trở thành quốc gia thu nhập cao không còn xa vời.
Song song với việc tinh gọn bộ máy, ông Huân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. "Chúng ta không thể mãi dựa vào nhân công giá rẻ hay khai thác tài nguyên. Phải dịch chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn, có chiến lược phát triển ngành mũi nhọn, đổi mới sáng tạo", ông nói.
Đây cũng chính là điều kiện để Việt Nam không chỉ phát triển nhanh, mà còn phát triển bền vững, không bị rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Bước sang giai đoạn phát triển mới, đất nước đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ từ bên trong: tinh gọn tổ chức, mở rộng không gian phát triển, nâng chất lượng bộ máy quản lý và hướng tới chuyển đổi mô hình kinh tế toàn diện. Đó là nền tảng để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình, thực hiện khát vọng năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Thực hiện: Hoàng Bích - Thu Huyền
Thiết kế: Quỳnh Chi
NGUOIDUATIN.VN | THỨ 4, 30/04/2025 | 08:00
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/e-50-nam-tu-hoang-tan-do-nat-den-ky-nguyen-vuon-minh-a212232.html