Theo Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2021 - 2030 và Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra yêu cầu cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Trên thực tế, Nghị quyết 57 do Bộ Chính trị ban hành giữa năm 2024 đã chính thức đặt đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số lên hàng trụ cột trong mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam. Nghị quyết này được coi là "mệnh lệnh chính trị" nhằm tạo bước chuyển chiến lược.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Việt An, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo (Cục Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ) thẳng thắn nhận định: "Không đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ chết". Theo ông An, trong bối cảnh hiện tại, đổi mới sáng tạo không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn nếu Việt Nam muốn bứt lên nhóm các nền kinh tế phát triển.
Ông Nguyễn Việt An, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo (Cục Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ).
"Từ sau Nghị quyết 57, chúng ta đang có một làn sóng mạnh mẽ đưa đổi mới sáng tạo vào thực tiễn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm", ông An nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông, để cuộc cách mạng này đi vào chiều sâu, cần dẹp bỏ tư duy "một đơn thuốc cho mọi loại bệnh".
"Với doanh nghiệp lớn, cần nhất là nguồn lực tài chính đủ mạnh, cộng với cơ chế chi tiêu linh hoạt cho nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn chiếm phần đa số thì cái thiếu nhất là kiến thức, năng lực công nghệ. Một đồng đầu tư cho đào tạo nhiều khi sinh lời gấp bội", ông An phân tích.
"Gen sáng tạo" trong vận hành
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch TONMAT Group cho biết năm 2023, khi thị trường tôn cách nhiệt dậm chân tại chỗ, TONMAT bất ngờ tung ra dòng sản phẩm tôn 3 lớp cách nhiệt lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
"Chúng tôi đã xác định đổi mới sáng tạo là hoạt động sống còn ngay từ ngày đầu thành lập", ông Sơn nhấn mạnh.
Sáng tạo này không chỉ giúp sản phẩm nâng cấp khả năng chống ồn, giữ nhiệt, mà còn giúp TONMAT mở rộng thị phần, gia tăng năng lực cạnh tranh trước các đối thủ khu vực. Sau thành công đó, TONMAT không dừng lại, mà tiếp tục cải tiến, phát triển các dòng sản phẩm mới, tốt hơn, hiệu quả hơn. Hành trình đổi mới liên tục ấy giúp TONMAT hiện diện ở cả thị trường nội địa lẫn một số nước ASEAN - điều hiếm thấy với doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch TONMAT Group.
Ở khối công nghệ, đổi mới sáng tạo thậm chí còn được "cài" vào ADN doanh nghiệp. Tại Công ty Cổ phần Misa - “ông lớn” trong lĩnh vực phần mềm kế toán và quản trị - sáng tạo không phải là khẩu hiệu, mà là nhịp vận hành hàng ngày.
"Sáng tạo không phải là một chương trình, cũng không chỉ có một sản phẩm cụ thể. Nó phải trở thành gen, luôn chảy liên tục trong doanh nghiệp, nhất là khi bối cảnh cạnh tranh thay đổi từng ngày", ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Misa khẳng định.
Ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc Misa.
Theo ông Quang, tại Misa, quy trình đổi mới được xây dựng bài bản: trước tiên là đặt mục tiêu đủ lớn để tạo động lực sáng tạo, kế đến là ứng dụng công nghệ mới, triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
"Nếu mục tiêu nhỏ, tổ chức sẽ không có nhuệ khí để sáng tạo, vì họ làm bình thường cũng đã đạt rồi", ông nói.
Đặc biệt, Misa còn duy trì cơ chế trao thưởng, tôn vinh cá nhân, đội nhóm có sáng kiến, tạo ra guồng quay liên tục. "Một sản phẩm hôm nay có thể sẽ bị thay thế vào ngày mai, nên chúng tôi luôn chuẩn bị cho điều đó", ông Quang nhấn mạnh.
Chính phủ và doanh nghiệp đều phải tự trả lời
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt An cũng lưu ý, để làn sóng đổi mới sáng tạo lan rộng, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà cả Chính phủ cũng cần thay đổi tư duy và cách làm. Chính phủ cũng phải trả lời thuyết phục câu hỏi: tại sao chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số?
Ông An thẳng thắn: "Nếu không đổi mới, Việt Nam sẽ mãi là nền kinh tế gia công, lắp ráp, có nguy cơ tụt hậu khi các quốc gia trong khu vực đã đặt sáng tạo làm trụ cột tăng trưởng từ lâu".
Với doanh nghiệp, câu hỏi còn cấp bách hơn: "Nếu không đổi mới sáng tạo, liệu công ty có bị tụt hậu? Công ăn việc làm, đời sống người lao động có bị đe dọa?" Đây chính là lúc lãnh đạo doanh nghiệp phải đối diện thực tế, ra quyết định dứt khoát.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, xuất khẩu phục hồi, tái cơ cấu mạnh mẽ các ngành kinh tế, đổi mới sáng tạo chính là "lối thoát" giúp doanh nghiệp không chỉ sống sót mà còn bứt phá trên đường đua toàn cầu.
Theo đó, ông Nguyễn Việt An nhấn mạnh nghị quyết 57 đã "mở đường", cơ chế đang dần thay đổi. Điều còn lại, là liệu các doanh nghiệp có dám bước ra khỏi vùng an toàn, tự "lột xác" bằng đổi mới, sáng tạo hay không, phải dựa vào chính năng lực, cách nhìn nhận của doanh nghiệp.
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/khi-doi-moi-sang-tao-tro-thanh-gen-song-con-cua-doanh-nghiep-viet-a212718.html