Sửa Hiến pháp phải đảm bảo quy trình theo đúng quy định
Sáng 5/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sau khi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.
Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội có nhiều nội dung rất quan trọng do đó phải tổ chức sớm lên hai tuần để có điều kiện thảo luận, nhưng cũng không được kéo dài quá, phải hoàn thành trong tháng 6. Một trong những nội dung rất quan trọng đó là sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tổng Bí thư Tô Lâm (Ảnh: Phạm Thắng).
Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc sửa Hiến pháp phải đảm bảo quy trình theo đúng quy định, phải lấy ý kiến của nhân dân.
Đánh giá các cơ quan soạn thảo, Quốc hội, Chính phủ… đã chuẩn bị hết sức chu đáo, Tổng Bí thư hy vọng tại đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua được Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Tổng Bí thư nêu rõ, lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ tập trung sửa một số điều phục vụ cho các yêu cầu cấp thiết trước mắt.
Nếu có thể xem xét sửa đổi căn bản Hiến pháp thì phải sau Đại hội XIV của Đảng vì khi đó đã quyết định cương lĩnh, tổng kết 40 năm đổi mới và định hình phương hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Tổng Bí thư cho biết, hiện nay chúng ta cùng lúc phải làm rất nhiều công việc, vừa tập trung chuẩn bị đại hội các cấp, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy… vừa phải đảm bảo tất cả các công việc thường xuyên, đảm bảo yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng bởi qua đánh giá kết quả 4 tháng rất khả quan, thu ngân sách, phát triển sản xuất kinh doanh tương đối tốt.
Trong 4 tháng đã đạt được khoảng 48% kế hoạch của cả năm, trong đó Hà Nội thu 271 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch, đó là sự phấn đấu nỗ lực rất lớn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Tổng Bí thư nêu rõ, đất nước muốn phát triển thì phải đạt những yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế…
"Đất nước phát triển là người dân phải được thụ hưởng những thành quả đó. Việc tạo tiền đề cho sự phát triển của giai đoạn sau là rất quan trọng", Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh nếu năm nay không hoàn thành được việc đó thì sẽ không hoàn thành được một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Tổng Bí thư nêu rõ, việc hoàn thành chỉ tiêu của nhiệm kỳ của Đại hội XIII là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội XIV.
Tin tưởng chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu, Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn các đại biểu lắng nghe ý kiến của nhân dân, tập trung sửa đổi một số điều của Hiến pháp và xây dựng pháp luật.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các đại biểu lắng nghe ý kiến của nhân dân khi góp ý sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Dự kiến ngày 18/5 tới, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
"Những vấn đề gì được thể chế hóa bằng các văn bản của Quốc hội đều được xem xét để xử lý ngay khi chúng ta có các nghị quyết về vấn đề này rồi", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
"Cần phân biệt là sẽ có hai nghị quyết"
Tại tổ 5, thảo luận về nội dung này các đại biểu bày tỏ sự tán thành rất cao với nội dung hai tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nêu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy bày tỏ thống nhất cao với nội dung hai tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chủ trương tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (Ảnh: Hoàng Bích).
Đi vào nội dung cụ thể, Bộ trưởng góp ý một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết. Theo ông Đỗ Đức Duy, hiện nay chúng ta đang trình là Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ở đây cần phân biệt là sẽ có hai nghị quyết.
Thứ nhất là Nghị quyết về chủ trương tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sản phẩm cuối cùng sẽ là Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều.
"Hiện nay, dùng tên gọi của nghị quyết thứ nhất, trong dự thảo đang ghi là Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có thể hiểu nhầm đây là nghị quyết về nội dung, nội dung sửa đổi. Đây thực chất là nghị quyết chủ trương sửa đổi. Do đó, tôi đề nghị cân nhắc sửa đổi tên của nghị quyết này cho phù hợp", ông Duy nói.
Ông nêu ví dụ như tại Điều 1 của nghị quyết này có ghi: "Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị....". Như vậy, đây được hiểu là chủ trương để xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều.
Cũng tương tự như vậy, Tại Điều 2 có ghi: "Quốc hội thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
"Như vậy, giữa hai nghị quyết này chỉ khác nhau một từ về "việc", nghị quyết cuối cùng là sản phẩm ghi là "Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp". Tôi thống nhất với tên gọi này. Còn Nghị quyết chủ trương ban đầu, hiện nay đang ghi là "về việc sửa đổi, bổ sung một số điều", tôi đề nghị cân nhắc là "về việc xem xét sử dụng bổ sung một số điều" như là nội hàm đã ghi trong điều 1 của nghị quyết này", ông Duy nêu và cho rằng một số từ cũng có thể lược bỏ như điều 2 chỉ cần ghi là "thành lập Ủy ban" cho ngắn gọn, dễ hiểu.
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/tong-bi-thu-to-lam-lang-nghe-y-kien-cua-nhan-dan-de-sua-hien-phap-a212751.html