Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ sai phạm vụ nữ sinh 14 tuổi tử vong do TNGT ở Vĩnh Long

Liên quan đến vụ nữ sinh tử vong do TNGT ở Vĩnh Long, Bộ Công an yêu cầu Công an tỉnh Vĩnh Long khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, sai phạm trong quá trình xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật và của ngành Công an.


Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Sau chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Long đã phân công cán bộ thụ lý vụ việc khách quan, toàn diện, triệt để, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo đúng quy định.

Đáng chú ý, sau khi kiểm tra hồ sơ vụ tai nạn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát đi thông tin cho rằng, đã có căn cứ xác định hành vi điều khiển xe ô tô của tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Không chỉ yêu cầu điều tra triệt để vụ tai nạn khiến nữ sinh Nguyễn Ngọc Bảo Trân tử vong, trong chỉ đạo mới nhất của Bộ Công an nêu rõ: "Yêu cầu Công an tỉnh Vĩnh Long khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, sai phạm trong quá trình xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật và của ngành Công an". 

Liên quan vụ nữ sinh Nguyễn Ngọc Bảo Tr. tử vong do tai nạn giao thông, ngày 3/5, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn.

Một diễn biến mới của vụ tai nạn khiến nữ sinh 14 tuổi bị tước đi mạng sống, lại bị hàm oan "có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội", ngày 4/5, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã làm việc tại VKSND tỉnh Vĩnh Long, VKSND huyện Trà Ôn yêu cầu làm rõ có hay không hành vi cố ý không khởi tố vụ án, bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, VKSND Tối cao cũng làm việc với một số cán bộ liên quan trong quá trình thụ lý vụ án ngay từ ban đầu, để làm rõ ý thức chủ quan, nhận thức pháp luật, để làm rõ nghi vấn như trên, sau khi Bộ Công an và VKSND Tối cao khẳng định tài xế có dấu hiệu phạm tội.

Một logic thông thường mà nếu chúng ta hiểu biết pháp luật đều nhận thấy, tài xế này đã tránh, vượt xe không đảm bảo an toàn, phía trước có xe đi theo chiều ngược lại, tài xế này hoàn toàn vi phạm luật giao thông và cả khoản 1, Điều 260 BLHS. Thế nhưng, tài xế sau đó thành "vô tội", còn tội trạng đổ lên đầu cô bé 14 tuổi "kẻ có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đã chết".

Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ sai phạm vụ nữ sinh 14 tuổi tử vong do TNGT ở Vĩnh Long- Ảnh 1.

Ảnh dựng lại hiện trường vụ tai nạn khiến nữ sinh Tr. tử vong. Ảnh: E.X

Theo thạc sĩ Ngô Minh Tín (giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) trong mọi trường hợp khi xét cấu thành vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần xác định "mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan và khách thể" nhằm trả lời cho hai câu hỏi chính (1) Có hành vi vi phạm pháp luật không? (2) Hành vi đó do ai thực hiện và ai chịu trách nhiệm. Như vậy cơ quan chức năng phải xác định chủ thể thực hiện hành vi và chủ thể chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật đó.

Khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự nêu "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm với người khác" như vậy là rõ ràng vì khi giải quyết vụ án hình sự, bắt buộc cơ quan chức năng phải trả lời được câu hỏi ai thực hiện, ai chịu trách nhiệm, theo Tuổi trẻ.

Có hay không hành vi cố ý không khởi tố vụ án, bỏ lọt tội phạm?

Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm (đoàn Luật sư TP.HCM), quy định không khởi tố vụ án khi "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết" chỉ áp dụng khi xác định có tội phạm, nghĩa là người này phải là người có hành vi cấu thành tội phạm theo khái niệm quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...

Cũng theo luật sư Lê Ngọc Luân (đoàn Luật sư TP.HCM), qua các thông tin đã được công khai cho thấy tại thời điểm xảy ra tai nạn giao thông, việc không khởi tố tài xế là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).

Đó là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, trong đó có việc gây tai nạn giao thông làm chết người có các mức phạt khác nhau như: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Trước đó, VKSND và Toà án huyện Trà Ôn xác định tài xế Trung vượt xe không đảm bảo an toàn, là lỗi hoàn toàn. Từ 2 căn cứ này, việc không khởi tố tài xế là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Còn cơ quan điều tra tỉnh Vĩnh Long kết luận: Do cháu bé điều khiển xe đạp không an toàn, không chú ý quan sát với xe cùng chiều phía trước (tức là xe đạp của bạn) dẫn đến ngã ra trước bánh xe tải và tài xế Trung không tránh kịp nên cán qua và khi chuyển hồ sơ lại về Công an huyện Trà Ôn, nơi này ra quyết định không khởi tố vụ án vì lý do “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”.

Đây là sai lầm, vì hành vi của tài xế Trung đã đáp ứng điều kiện cần và điều kiện đủ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự để khởi tố. Điều kiện cần ở đây là “điều khiển phương tiện vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ” và điều kiện đủ là “gây chết người”.

Nếu đặt giả thiết cháu Tr. vi phạm quy định giao thông đi chăng nữa, đây không phải là căn cứ để không khởi tố, mà chỉ dùng làm căn cứ xem xét giảm nhẹ một hình phạt cho tài xế Trung khi vụ án được xét xử vì lỗi một phần do bị hại, trường hợp này gọi là lỗi hỗn hợp.

Tài xế xe tải sẽ không chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra với điều kiện cháu Tr. có lỗi hoàn toàn và tài xế xe tải đã điều khiển xe tuân thủ an toàn quy định giao thông đường bộ.

Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ sai phạm vụ nữ sinh 14 tuổi tử vong do TNGT ở Vĩnh Long- Ảnh 2.

Ảnh dựng lại hiện trường vụ tai nạn khiến nữ sinh Tr. tử vong. Ảnh: E.X

Thêm một chi tiết, hiện trường vụ án cho thấy đây là đường hẹp nên bắt buộc tài xế vượt phải quan sát kỹ khi nào thấy an toàn, không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt mới được phép vượt theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, tài xế xe tải vẫn vượt dẫn đến hậu quả cán tử vong nữ sinh.

Công an huyện Trà Ôn lấy lý do “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” để không khởi tố là chưa phù hợp. Vì cháu Tr. 14 tuổi không thuộc trường hợp và không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “đi xe đạp vi phạm” nên ngay cả khi cháu tử vong, tài xế Trung vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Pháp luật chỉ quy định “nghi can, bị can, bị cáo” thực hiện hành vi nguy hiểm hay phạm tội chết mới đình chỉ khởi tố, còn trường hợp này cháu Trân không phải là nghi can, bị can.

Trước đó, vào sáng 28/4, ông Nguyễn Vĩnh Phúc (bố của nữ sinh tử vong) mang theo súng xông vào nhà bắn tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung. Tài xế Trung bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu. Sau khi gây án, ông Phúc đã dùng súng tự sát và đã tử vong sau đó. Nguyên nhân ban đầu của vụ nổ súng nêu trên được nhận định là có liên quan đến vụ tai nạn khiến con gái ông Phúc tử vong.

Ngay trong ngày 28/4/2025, sau khi nhận được thông tin về vụ nổ súng, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp các đơn vị liên quan điều tra làm rõ vụ án Giết người (liên quan hành vi của ông Phúc). Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẩn trương thẩm tra, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông ngày 4/9/2024 và quá trình giải quyết khiếu nại liên quan.

Bộ Công an đã đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao hủy bỏ các quyết định không khởi tố vụ án trước đó của Công an huyện Trà Ôn. Cùng ngày, Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Giết người để điều tra hành vi của ông Phúc.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Sức khoẻ tài xế xe tải bị bắn trong vụ nổ súng ở Vĩnh Long giờ ra sao?Sức khoẻ tài xế xe tải bị bắn trong vụ nổ súng ở Vĩnh Long giờ ra sao?

Tại giai đoạn này, nếu cơ quan điều tra của VKSND Tối cao phát hiện có dấu hiệu của hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp như: “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” hoặc “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”, cơ quan này sẽ khởi tố vụ án để điều tra nhằm giải quyết toàn diện, triệt để và xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm (nếu có), theo VietNamNet.

Khánh Linh (t/h)

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/bo-cong-an-yeu-cau-xu-ly-nghiem-can-bo-sai-pham-vu-nu-sinh-14-tuoi-tu-vong-do-tngt-o-vinh-long-a212892.html