Lâm Đồng: Nhịp cầu văn hóa kết nối cao nguyên với trái tim cả nước
Từ những dải rừng thông xanh mát của cao nguyên Lang Biang đến bản sắc văn hóa đa dạng của 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh Lâm Đồng đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc của cả nước. Với sự kiện "Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội – năm 2025", mảnh đất cao nguyên thơ mộng này đã và đang mang những nét tinh túy của mình đến gần hơn với người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.
Sự kiện do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức chiều 6/5 tại Hà Nội không chỉ là một hoạt động văn hóa thông thường, mà còn là lời mời đầy nhiệt thành gửi tới du khách và nhà đầu tư, mở ra cánh cửa kết nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai của một vùng đất giàu tiềm năng.
"Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025" hứa hẹn nhịp cầu kết nối văn hóa - du lịch - đầu tư giữa vùng đất cao nguyên tươi đẹp với trái tim của cả nước và bạn bè quốc tế. Và chuỗi sự kiện này được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Truyền thông Đối ngoại Việt Nam (VRI). Bên cạnh đó, sự kiện cũng nhận được sự đồng hành của nhiều đơn vị, như: Ts FOOD, Ngân hàng Nam Á Bank, Khu du lịch Rừng thông Núi Voi, Công ty Cổ phần du lịch Lâm Đồng, Công ty TNHH J8, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Kim Phát, Công ty Cổ Phần Hoàng Gia ĐL, Công ty TNHH Rau hoa Song Bill.
Lâm Đồng không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi chiều sâu văn hóa phong phú. Những lễ hội đặc trưng như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả hay tục bắt chồng của người K'Ho, Mạ… là minh chứng sống động cho một nền văn hóa bản địa còn nguyên sơ, độc đáo. Đặc biệt, "Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên" – được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại – chính là bản hòa âm vang vọng, kết nối con người với đất trời.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhấn mạnh: "Sự đa dạng về văn hóa là nền tảng vững chắc để phát triển các loại hình du lịch khác biệt, giàu bản sắc, từ du lịch văn hóa, sinh thái, đến lễ hội và lịch sử."
Không thể nhắc đến Lâm Đồng mà quên Đà Lạt – thành phố ngàn hoa và mộng mơ. Được mệnh danh là "Thành phố Festival Hoa của Việt Nam", nơi đây còn được UNESCO công nhận là "Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc". Những điều đó không chỉ phản ánh vẻ đẹp lãng mạn mà còn là biểu tượng cho tinh thần sáng tạo, hòa bình và thân thiện – những giá trị mà Lâm Đồng đang theo đuổi trên hành trình hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Đinh Văn Tuấn, cho biết: "Chương trình năm nay trùng với dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp để lan tỏa tinh thần đổi mới, cởi mở và khát vọng phát triển bền vững của Lâm Đồng đến với cộng đồng trong và ngoài nước."
Với diện tích tự nhiên hơn 24.000 km² và dân số trên 3,3 triệu người, sau khi sáp nhập, Lâm Đồng hiện là tỉnh có quy mô lớn nhất cả nước. Sở hữu vị trí chiến lược với đường biên giới giáp Campuchia và hướng ra biển Đông, Lâm Đồng đang dần vươn mình trở thành trung tâm kinh tế – du lịch – nông nghiệp công nghệ cao của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện giúp địa phương gia tăng tính kết nối và hấp dẫn đầu tư.
Ông Tuấn chia sẻ thêm: "Chúng tôi không chỉ giới thiệu văn hóa, mà còn gửi đi thông điệp về một Lâm Đồng thân thiện, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và du lịch".
"Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội – năm 2025" không chỉ đơn thuần là sự kiện giới thiệu đặc sản hay biểu diễn nghệ thuật. Đó là sự gắn kết giữa ký ức và hiện đại, giữa cao nguyên và đô thị, giữa nhà đầu tư và cơ hội, giữa trái tim và khát vọng phát triển.
Từ sắc màu thổ cẩm của người bản địa đến tiếng cồng chiêng ngân vang trong đêm hội, từ những bông hoa Đà Lạt khoe sắc đến những cánh rừng xanh trải dài, tất cả đã sẵn sàng để mời gọi du khách khám phá một Lâm Đồng – nơi "An toàn – Văn minh – Thân thiện", một điểm đến của hòa bình và sáng tạo, một vùng đất đáng sống và đáng nhớ.
Trần Tuệ
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/lam-dong-nhip-cau-van-hoa-ket-noi-cao-nguyen-voi-trai-tim-ca-nuoc-a213175.html