Phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về quy hoạch
Sáng 9/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia.
Do vậy, cần rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện và điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 để phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
"Việc xây dựng và ban hành dự án Luật trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước", ông Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).
Dự thảo Luật bao gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản của Luật Quy hoạch với nội dung chủ yếu và điểm mới như: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch.; Đơn giản hóa nội dung quy hoạch...
Đối với nội dung đơn giản hóa nội dung quy hoạch, ông Thắng cho biết để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung quy hoạch theo hướng chỉ bao gồm những quy định khung, mang tính định hướng.
Chuyển danh mục dự kiến dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đồng thời, phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cụ thể: Không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; Việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp Hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan.
Phân cấp cho các Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về quy hoạch để nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành theo Kết luận số 121 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Dự thảo luật đề xuất, phân cấp thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; phân cấp cho các Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia.
Cùng với đó, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đối với việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính.
Đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính
Thẩm tra, về phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Đồng thời, dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị chưa phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhất là trong trường hợp lập mới các quy hoạch này vì nội dung này cũng chưa được đánh giá kỹ lưỡng, chưa thuyết minh làm rõ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định của Luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi (Ảnh: Media Quốc hội).
Đồng thời, các luật liên quan vẫn đang quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định đối với các tài nguyên đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia nên dẫn đến không đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, về bản chất chính trị, pháp lý cả 2 quy hoạch này có tính chiến lược, tổng thể và ảnh hưởng toàn quốc, cần được đặt dưới sự giám sát và quyết định của cơ quan Nhà nước cao nhất nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực và định hướng phát triển bền vững.
Do đó, chưa có đủ cơ sở đề xuất sửa đổi việc phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ quyết định lập mới quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại dự thảo Luật lần này.
Hơn nữa, dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và điều chỉnh các quy hoạch này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đồng thời, từ nay đến năm 2030 chỉ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030.
"Vì vậy, việc lập mới 2 quy hoạch này sẽ được thực hiện tại thời kỳ 2031 - 2040 nên cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng kết thực tiễn triển khai quy định về phân cấp thẩm quyền nêu trên khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, tương tự như đối với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh", ông Mãi nói.
Trong trường hợp cần phân cấp cho Chính phủ quyết định việc lập mới quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia thì cần rà soát, nghiên cứu để tích hợp một số nội dung quan trọng của 2 quy hoạch này vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm quyền giám sát tối cao của Quốc hội theo Hiến định đối với các nguồn lực đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia.