Siết hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung quy định tăng trách nhiệm với người quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng.

Sáng 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Trình bày tờ trình, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 5 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

Trong đó, có một số ý kiến cho rằng, thuật ngữ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" còn chung chung, chưa bao quát các hoạt động quảng cáo trên mạng; đề nghị làm rõ hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.

Có ý kiến đề nghị sửa đổi thuật ngữ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" thành "tổ chức, cá nhân chuyển tải sản phẩm quảng cáo". Ý kiến khác đề nghị bỏ quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, thay vào đó quy định về người thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội.

Siết hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

Về nội dung này, ông Vinh cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định đối với "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" nhằm mục đích giải quyết vấn đề thực tiễn nhiều đối tượng lợi dụng người có ảnh hưởng để chuyển tải quảng cáo sai sự thật trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ngoài ra còn điều chỉnh cả những người sử dụng các hình thức chuyển tải quảng cáo trực tiếp.

Để hoàn thiện thuật ngữ này, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã làm rõ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" bảo đảm bao quát thực tiễn, tương thích với nội dung giải thích các thuật ngữ "người quảng cáo", "người kinh doanh dịch vụ quảng cáo", "người phát hành quảng cáo"; chỉnh lý thuật ngữ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" theo hướng điều chỉnh 2 loại đối tượng.

Một là người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng; Hai người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ.

Đối với đối tượng là người trực tiếp quảng cáo trên mạng, bổ sung hoàn thiện khái niệm, không chỉ "quảng cáo" mà còn khuyến nghị, xác nhận; tránh trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không thừa nhận hành vi quảng cáo mà chỉ thừa nhận việc thực hiện cung cấp thông tin đơn thuần về sản phẩm, dịch vụ hoặc nêu ra trải nghiệm của mình với sản phẩm, dịch vụ để né tránh bị xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Đề xuất xử phạt BTV Quang Minh, MC Vân Hugo vì quảng cáo sữa không đúng quy định

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), có một số ý kiến cho rằng, nội dung của Điều 15a chủ yếu quy định về nghĩa vụ, thiếu các quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Một số ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; cần phân biệt cụ thể với mỗi vị trí người tham gia quảng cáo, người chuyển tải sản quảng cáo ở các mức độ khác nhau thì có quyền, nghĩa vụ khác nhau tương ứng.

Với nội dung này, ông Vinh cho biết ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng.

Để quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo bảo đảm tính khả thi, khắc phục thực tế hiện nay, nhiều người dùng mạng (bao gồm cả người có ảnh hưởng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, dự thảo Luật đã rà soát, đối chiếu với quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người xúc tiến quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người cung cấp dịch vụ quảng cáo, chỉnh lý Điều 15 gồm 3 khoản.

Khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; Khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung (mọi đối tượng là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định tại khoản 8 Điều 2); Khoản 3 quy định về nghĩa vụ người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Có ý kiến đề nghị quy định cho người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, không nên quy định đối với người có ảnh hưởng riêng. Đề nghị có chế tài nghiêm đối với người có ảnh hưởng hoặc giao Chính phủ quy định xử phạt nghiêm khắc; nghiên cứu có quy định tạo hành lang pháp lý cho các chế tài bổ sung như: cấm tham gia hoạt động quảng cáo, kinh doanh, tham gia mạng xã hội, công khai xin lỗi…

Ông Vinh cho biết, việc dự thảo Luật có những quy định riêng cho người có ảnh hưởng nhằm nhấn mạnh đến trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong xã hội khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, khắc phục thực tế hiện nay, nhiều người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Về chế tài xử lý đối với người có ảnh hưởng, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác theo góp ý của đại biểu.

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/siet-hoat-dong-quang-cao-cua-nguoi-co-anh-huong-tren-mang-xa-hoi-a213571.html