Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết, việc điều chỉnh giá điện được thực hiện dựa trên cả căn cứ pháp lý lẫn yêu cầu thực tiễn của quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia
Ngày 9/5, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố Quyết định số 599/QĐ-EVN ngày 7/5/2025 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ ngày 10/5/2025. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BCT quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Lý giải về cơ sở của đợt điều chỉnh này, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, việc điều chỉnh giá điện được thực hiện dựa trên cả căn cứ pháp lý lẫn yêu cầu thực tiễn của quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia.
Về mặt pháp lý, việc điều chỉnh giá điện tuân thủ theo quy định của Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024, Nghị định số 72/2025/NĐ-CP của Chính phủ cùng với hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 22/2025 của Bộ Công Thương. Các văn bản này đã quy định rõ nguyên tắc, cơ chế và điều kiện để điều chỉnh giá điện, đảm bảo sự minh bạch, công khai và phản ánh đúng chi phí sản xuất cũng như cung ứng điện.
Về mặt thực tiễn, theo kế hoạch cung ứng điện năm 2025 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tổng nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước được dự báo sẽ tăng hơn 12% so với năm 2024. Điều này tương đương với sản lượng điện phải bổ sung thêm khoảng 34 tỷ kWh. Để đáp ứng sản lượng tăng thêm này, hệ thống điện quốc gia buộc phải huy động thêm các nguồn phát điện có chi phí cao như nhiệt điện than, điện khí và đặc biệt là điện chạy dầu.
Hiện giá thành sản xuất điện từ than khoảng 2.400 đồng/kWh; điện khí, đặc biệt là khí hóa lỏng (LNG), có chi phí trên 3.000 đồng/kWh; trong khi đó, điện chạy dầu - nguồn phát có chi phí cao nhất - lên tới gần 5.000 đồng/kWh. Khi các thông số đầu vào này được áp dụng vào công thức tính giá điện theo quy định tại Nghị định 72 thì mức tăng tương ứng được xác định là 4,8%.
Đảm bảo hộ nghèo, hộ chính sách không bị ảnh hưởng
Theo EVN, trong bối cảnh chi phí khâu phát điện có xu hướng tăng cao những năm gần đây, EVN và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện việc tiết giảm, tiết kiệm chi phí với yêu cầu trong năm 2025 tiết kiệm chi phí thường xuyên, sửa chữa lớn phải đạt tối thiểu 10% và phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia vận hành tối ưu hệ thống điện và thị trường điện để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục.
Đại diện EVN khẳng định, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.
Cung ứng đủ điện mùa nắng nóng 2025
Liên quan đến dự báo thời tiết nắng nóng kéo dài trong năm 2025, đại diện EVN cho biết, việc này đã được EVN tính đến ngay từ khi xây dựng kịch bản cung ứng điện thời điểm cuối năm 2024.
Thêm vào đó, trong 4 tháng đầu năm 2025 vừa qua, nhu cầu điện của miền Bắc luôn cao hơn miền Trung và miền Nam. Trước tình hình này, EVN đã chủ động thành lập nhóm công tác và lập kế hoạch hàng tuần để điều chuyển phụ tải, đảm bảo hài hòa nhu cầu, đảm bảo cung ứng điện trên toàn quốc.
Về lâu dài, EVN thực hiện các nhóm giải pháp lớn để đảm bảo không thiếu điện trong mọi hoàn cảnh gồm: Cân đối chi phí, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện; Nỗ lực đảm bảo tiến độ các dự án nhà máy điện nguồn lớn như Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng hay Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, các dự án đường dây truyền tải điện cũng được EVN thực hiện đúng tiến độ…
Anh Thơ
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/gia-dien-dieu-chinh-bao-dam-dua-tren-co-so-phap-ly-va-thuc-tien-van-hanh-a213583.html