Còn "nhiều việc phải làm" để phát triển KHCN trong nông nghiệp và môi trường

Theo Bộ trưởng Bộ NN&MT, để thay đổi cục diện, nâng cao năng suất, chất lượng trong nông nghiệp và bảo vệ môi trường sống điều tiên quyết là phải đổi mới tư duy và cách làm.

Sáng 10/5, Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được tổ chức nhằm quán triệt, cụ thể hóa các định hướng lớn vào thực tiễn ngành nông nghiệp và môi trường (NN&MT), góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Lấy khoa học công nghệ làm nền tảng phát triển

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy nhận định, Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành trong một thời điểm rất đặc biệt - khi chuyển đổi số không còn là khái niệm mới, mà đã trở thành xu thế tất yếu.

Còn "nhiều việc phải làm" để phát triển KHCN trong nông nghiệp và môi trường- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Nghị quyết số 57 càng đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn, như biến đổi khí hậu gay gắt hơn, tài nguyên suy giảm nhanh hơn, áp lực tăng trưởng xanh - phát thải thấp cao hơn. Những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống - vốn dựa vào lao động thủ công, đầu vào vật tư lớn - không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

"Muốn thay đổi cục diện, muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, muốn bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và các thế hệ sau - chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển", Tư lệnh ngành NN&MT nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng ghi nhận các nỗ lực, sáng kiến ứng dụng công nghệ trong thời gian qua của ngành, từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến giám sát môi trường bằng cảm biến, xây dựng bản đồ số, cơ sở dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng.

"Đây là những chuyển biến tích cực của ngành, nhưng để xác định "đột phá, phát triển" như yêu cầu của Nghị quyết số 57 chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm", ông nói.


Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng các xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.

Đồng thời là động lực then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chất lượng sống của người dân.

Cụ thể, tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới, khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.

Còn "nhiều việc phải làm" để phát triển KHCN trong nông nghiệp và môi trường- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn

Trong thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị. 

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch… xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao.

Không dám đặt mục tiêu lớn, không thể có đột phá

Tại sự kiện, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận các mục tiêu quốc gia được đặt ra mang tính "cách mạng", đến năm 2030, Việt Nam nằm trong Top 50 về Chính phủ số, dẫn đầu ASEAN về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số đẳng cấp quốc tế, kinh tế số chiếm 30% GDP.

Tầm nhìn đến 2045, mục tiêu còn cao hơn - đóng góp 50% GDP từ kinh tế số, có hàng chục doanh nghiệp công nghệ đạt chuẩn toàn cầu, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

"Chúng tôi sợ những chỉ tiêu này, bởi nó rất cao, rất khó. Nhưng nếu không dám đặt ra, không dám thực hiện, thì sẽ chẳng bao giờ có đột phá thực sự", ông Tiến cho biết.

Còn "nhiều việc phải làm" để phát triển KHCN trong nông nghiệp và môi trường- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đại diện Bộ KH&CN, không có đột phá nào xảy ra nếu thiếu con người. Trong chuỗi giải pháp, yếu tố nhân lực - đặc biệt là nhân tài – được nhấn mạnh như trụ cột phát triển. Theo tinh thần các nghị quyết, thể chế, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ là bốn trụ chính, nhưng tất cả đều phải xoay quanh con người. 

"Người đứng đầu phải vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo, sử dụng thành thạo công nghệ và chịu trách nhiệm", ông Tiến phát biểu khẳng định rõ quan điểm về vai trò lãnh đạo và năng lực sử dụng công nghệ trong bộ máy công.

Đáng chú ý, các chính sách đột phá về tài chính, thể chế cũng đang được xây dựng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công, và quan trọng nhất: tạo không gian sáng tạo an toàn và khuyến khích mạo hiểm cho doanh nghiệp và nhân tài.

Nguồn nhân lực cần được ưu tiên hàng đầu trong phát triển khoa học công nghệ

Hành trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo không thể chỉ dừng ở kế hoạch hay khẩu hiệu. Đó là chặng đường của sự dấn thân, của đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và đặc biệt là trọng dụng người tài như một chiến lược sống còn.

"Không có doanh nghiệp đột phá nếu thiếu người tài. Không có Chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ. Và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục và chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ", ông Nguyễn Phú Tiến nói.

Còn "nhiều việc phải làm" để phát triển KHCN trong nông nghiệp và môi trường- Ảnh 4.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN&MT) ký văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Bộ NN&MT đã ký kết các văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN&MT) cũng ký thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Dabaco, Masan, VinUni (Tập đoàn Vingroup), BAF Việt Nam, PAN Group, Thành Thành Công - Biên Hòa và BSB Nanotech… Các nội dung hợp tác hướng đến phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/con-nhieu-viec-phai-lam-de-phat-trien-khcn-trong-nong-nghiep-va-moi-truong-a213591.html