Trong nước, nhu cầu tiêu thụ hoa, cây cảnh tăng 10-15%/năm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngành hoa cây cảnh Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nông nghiệp hiện đại, trở thành một ngành kinh tế đầy triển vọng. Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, toàn quốc hiện có khoảng 45.000 ha trồng hoa cây cảnh, đạt sản lượng 6 triệu cành, giá trị sản xuất 45.000 tỷ đồng/năm và kim ngạch xuất khẩu vượt 100 triệu USD. Hoa hồng, cúc, lan hồ điệp là các loại hoa xuất khẩu chủ lực, với thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Úc. Trong nước, nhu cầu tiêu thụ tăng 10-15%/năm, với mức chi trung bình 45.000 đồng/người/năm cho hoa cây cảnh, phục vụ mục đích trang trí, lễ hội và văn hóa.
Các địa phương như Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Nội, TP.HCM đã hình thành vùng chuyên canh hoa công nghệ cao. Đà Lạt, với hơn 9.000 ha trồng hoa, được mệnh danh là "thủ phủ hoa" của Việt Nam, áp dụng công nghệ nhà kính, tưới nhỏ giọt, và nuôi cấy mô để sản xuất hoa hồng, cẩm chướng, lan hồ điệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hà Nội có làng hoa Tây Tựu, Nhật Tân nổi tiếng với hoa đào, quất cảnh, kết hợp mô hình du lịch sinh thái, thu hút khách tham quan dịp Tết. TP.HCM tập trung vào cây cảnh và hoa lan, với các vườn ươm công nghệ cao phục vụ cả nội địa và xuất khẩu.
Ngoài các vùng chuyên canh, mô hình hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác cũng phát triển mạnh. HTX Hoa cây cảnh Cái Mơn (Bến Tre) là một ví dụ, liên kết nông dân sản xuất cây cảnh bonsai, mai vàng, với giá trị xuất khẩu hàng chục triệu USD mỗi năm. Mô hình liên kết chuỗi giá trị cũng được triển khai tại Sa Đéc (Đồng Tháp), nơi nông dân, doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu hợp tác sản xuất hoa cúc, vạn thọ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Một số doanh nghiệp lớn như Dalat Hasfarm áp dụng công nghệ số, sử dụng IoT để quản lý độ ẩm, ánh sáng trong nhà kính, nâng cao năng suất và chất lượng hoa.
Trên thế giới, ngành hoa cây cảnh phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, hoa cắt cành xuất khẩu toàn cầu đạt doanh số 3,45 tỷ USD, tăng trưởng 8%/năm. Châu Âu, dù chỉ chiếm 12% diện tích trồng hoa, tạo ra 42% giá trị sản lượng, với giá trị trung bình 120.000 Euro/ha nhờ thâm canh cao. Trung Quốc và Nhật Bản có năng suất lần lượt 10.000 và 140.000 Euro/ha/năm, nhờ ứng dụng nhà kính (17% tại Trung Quốc, 51% tại Nhật Bản). Việt Nam, với điều kiện khí hậu đa dạng và nguồn nhân lực dồi dào, hoàn toàn có tiềm năng thiết lập các mô hình tương tự nếu có sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nghệ nhân.
Cần nghiên cứu, nhập nội giống hoa mới, hoàn thiện quy trình sản xuất từ nhân giống, trồng, chăm sóc, đến bảo quản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
5 nhóm giải pháp phát triển thị trường hoa, cây cảnh
GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận định ngành hoa cây cảnh Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng đối mặt nhiều thách thức. Thiếu quy hoạch vùng chuyên canh hợp lý, công nghệ sản xuất và bảo quản còn hạn chế, năng lực cạnh tranh chưa cao và tác động từ biến đổi khí hậu là những rào cản chính. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu và thiếu thương hiệu quốc gia cũng khiến ngành chưa phát huy hết tiềm năng.
Bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phía Bắc cho rằng cần nghiên cứu, nhập nội giống hoa mới, hoàn thiện quy trình sản xuất từ nhân giống, trồng, chăm sóc, đến bảo quản, khuyến khích canh tác bền vững và lưu giữ nguồn gen để phong phú sản phẩm và vật liệu di truyền. Ứng dụng công nghệ số trong quản trị, sản xuất, tiêu thụ, và điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hoa cây cảnh cũng là ưu tiên hàng đầu.
Để đưa hoa cây cảnh trở thành ngành kinh tế bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung cho biết có 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Một, hoàn thiện thể chế, công nhận hoa cây cảnh là ngành hàng kinh tế chính thức trong cơ cấu trồng trọt quốc gia, xây dựng chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế và rà soát Đề án phát triển ngành đến năm 2030.
Thứ hai, tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, phát triển vùng chuyên canh tại các địa phương có lợi thế, khuyến khích HTX, tổ hợp tác và chuỗi liên kết với doanh nghiệp làm trung tâm. Thứ trưởng nhấn mạnh: "Cần xây dựng hệ sinh thái ngành hoa cây cảnh, nơi sản phẩm không chỉ có chất lượng, giá trị thẩm mỹ cao mà còn định danh, gắn với truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn bền vững và giao dịch trên nền tảng số, tham gia chuỗi cung ứng quốc tế".
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường chọn tạo giống hoa bản địa giá trị cao, ứng dụng nhà kính, tưới nhỏ giọt, AI, IoT trong sản xuất, bảo quản, phân phối, và xây dựng trung tâm công nghệ, vườn ươm giống, trạm sơ chế hiện đại. Thứ tư, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu, mở rộng tiêu thụ nội địa qua thương mại điện tử, hệ thống phân phối hiện đại, kết hợp du lịch sinh thái, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng hiệp định thương mại tự do và hình thành liên minh sàn giao dịch hoa quốc gia kết nối khu vực và thế giới. Thứ năm, phát triển nhân lực, đào tạo nghề, kỹ năng chăm sóc hoa cây cảnh cho nông dân, nghệ nhân, xây dựng chương trình chuyên sâu tại các trường đại học và phát huy vai trò của viện nghiên cứu, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.
Với sự đồng hành từ chính sách, khoa học và sự quyết tâm của các bên, hoa cây cảnh Việt Nam hứa hẹn trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững và cạnh tranh toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp và đời sống người dân.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/nganh-hoa-cay-canh-co-du-dia-tang-truong-lon-a213754.html