"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua kỳ thi hình thức"

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương mà điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ 

Tham gia ý kiến về chính sách phát hiện và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, dự thảo luật quy định "Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ". 

Đại biểu nhất trí cao việc sửa đổi, nhấn mạnh vào "chính sách đặc biệt" để thu hút nhân tài.

"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua kỳ thi hình thức"- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Media Quốc hội).

Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận rõ tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù. Không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.

"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công", bà Nga nói.

Do đó, bà Nga cho rằng muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cũng kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt như: Thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, không chỉ dựa vào hình thức, quy trình.

Cùng với đó, cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới.

Đồng thời, trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.

"Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ, thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng", bà Nga nêu.

Bên cạnh đó, bà cũng dẫn chứng một số kinh nghiệm quốc tế để tham khảo. Như tại Singapore, người có tài năng trong khu vực công được tuyển chọn từ rất sớm, đưa vào các chương trình đào tạochuyên sâu, có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng.

Đặc biệt là được giao nhiệm vụ lớn để rèn luyện và chứng minh năng lực. Ở Pháp hay Nhật Bản, hệ thống công vụ cho phép phát hiện và thăng tiến người giỏi từ cấp cơ sở, đi kèm với chính sách đãi ngộ theo vị trí và kết quả công tác, không cào bằng theo thâm niên.

Đề xuất luật hóa làm việc từ xa

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu ý kiến, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều quốc gia đã và đang điều chỉnh hệ thống pháp luật để thích ứng với xu hướng làm việc linh hoạt, đặc biệt là hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến.

Theo bà Nhi, thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước đã áp dụng phương thức làm việc từ xa, trực tuyến.

Dù chưa được luật hóa, hình thức làm việc này đã chứng minh tính khả thi. Thậm chí, trong nhiều trường hợp còn giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất công việc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa, khoảng cách địa lý lớn sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai hạ tầng thông tin đồng bộ phần mềm quản lý công việc, hệ thống văn bản điện tử, trực tuyến đã tạo nền tảng vững chắc để làm việc không phụ thuộc vào không gian, địa lý.

"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua kỳ thi hình thức"- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Ảnh: Media Quốc hội).

Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức hiện hành chưa có quy định chính thức về chế độ làm việc từ xa.

Từ thực tế trên, bà đề xuất Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bổ sung quy định chính thức hóa phương thức làm việc từ xa, trực tuyến như một phương thức làm việc hợp pháp trong khu vực công, được áp dụng linh hoạt, phù hợp với vị trí việc làm, nhiệm vụ công tác và hạ tầng từng cơ quan, đơn vị.

Để làm việc từ xa hiệu quả phải có cơ chế đánh giá kết quả công việc thực sự khách quan, khoa học và dựa trên hiệu quả đầu ra. 

Đề xuất kéo dài tuổi hưu đến 70: Níu kéo người tài cống hiến hay nên nhường chỗ cho lớp trẻ?

Luật cần định hướng xây dựng hệ thống đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ gắn với tiến độ, chất lượng công việc, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

Cùng với đó, đánh giá sự chủ động trong việc phối hợp, tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ kể cả khi không làm việc trực tiếp tại trụ sở. Ứng dụng các công cụ số để đánh giá công việc mà không cần giám sát trực tiếp.

Ngoài ra, cần phân cấp rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quyết định cho phép làm việc từ xa, trực tuyến, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, kỷ luật và kiểm soát được chất lượng công việc.

Đại biểu đoàn Bến Tre cho rằng, trong bối cảnh sắp xếp các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả quản lý, việc làm việc từ xa giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí hành chính.

"Việc này còn góp phần giữ chân được đội ngũ cán bộ có năng lực nhưng gặp khó khăn về điều kiện công tác tập trung. Chúng ta không thể giữ mãi cách làm việc cứng nhắc, máy móc, gắn chặt với thời gian, địa điểm mà bỏ qua hiệu quả thực chất", bà Nhi nói.

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/khong-the-phat-hien-nguoi-tai-bang-ho-so-bang-cap-hay-qua-ky-thi-hinh-thuc-a214199.html