Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên thảo luận.
Dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương và 17 điều. Trong đó, mục tiêu Nghị quyết là thể chế hóa kịp thời một số chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân. Qua đó, hiện thực hóa các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, áp dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về cải thiện môi trường kinh doanh, nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Điều 4), dự thảo Nghị quyết quy định không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho xử lý hình sự
Về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh (Điều 5), dự thảo Nghị quyết quy định phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự. Theo đó, đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo. Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đối với các vụ việc mà thông tin, tài liệu, chứng cứ chưa đủ rõ ràng để kết luận có hành vi vi phạm pháp luật, phải sớm có kết luận theo quy định của pháp luật tố tụng, thực hiện công bố công khai kết luận này.
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, cần bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án. Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra. Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các thành viên cũng đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương của Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo trong một thời gian ngắn với khối lượng nội dung rất lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, nên ưu tiên trước mắt chỉ xử lý một số vấn đề, không nên tham vọng giải quyết tất cả trong một Nghị quyết. Chủ nhiệm cũng đề nghị có cơ chế giám sát, tránh rủi ro, đảm bảo hài hoà và cân bằng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc xây dựng và thông qua Nghị quyết cơ chế đặc thù của Quốc hội để hiện thực hóa Nghị quyết số 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân rất cấp bách và khẩn trương. Việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội để nghị quyết 68 đi vào cuộc sống giống như cách Quốc hội làm với Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Nghị quyết 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. "Quan điểm của Quốc hội là nghị quyết sẽ chắt lọc, không quá dài và đọc vào Nghị quyết người ta sẽ thấy những cái mới về kinh tế tư nhân", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để Nghị quyết đi vào cuộc sống và hạn chế các vướng mắc, chồng chéo phát sinh, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV lần này, Quốc hội sẽ sửa tất cả các luật có liên quan đến kinh tế tư nhân, trong đó có Luật Tố tụng dân sự, Luật Thuế thu nhập, Luật Đầu tư, Đấu thầu, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Thanh tra…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến việc đưa các nội dung, đột phá tư tưởng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về kinh tế tư nhân như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, hỗ trợ tài chính tín dụng, mua sắm công, thúc đẩy PPP và đặt hàng doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đưa cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Cơ chế chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tiên phong. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư theo phương châm phải bình đẳng giữa tư nhân trong nước cũng tương tự như môi trường hoạt động của doanh nghiệp FDI.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tinh thần nghị quyết sẽ hướng đến thay đổi tư duy quản lý Nhà nước. Theo đó, Nhà nước thay vì kiểm soát, giám sát như trước đây, giờ phải chuyển sang kiến tạo, phát triển. Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không dấn sâu vào sự phát triển của doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này trong đêm 14/5, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, bổ sung và đăng tải để đại biểu góp ý sáng 15/5.
Giải trình làm rõ thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lựa chọn nội dung nào đưa vào Nghị quyết là vấn đề rất khó. Đối với các quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự, thanh tra, kiểm tra…, Phó Thủ tướng cho biết đây là những chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ. Theo Phó Thủ tướng, nếu không đưa vào thì không thể hiện hết tầm của Nghị quyết của Quốc hội. Dù chưa thể cụ thể ngay, nhưng đó là thông điệp của Quốc hội, là định hướng cho việc triển khai, sửa đổi các luật tiếp theo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Kinh tế và Tài chính với Bộ Tài chính. Hai cơ quan đã chủ động từ sớm, từ xa để hoàn thiện dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 15/5.
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-khong-thanh-tra-kiem-tra-doanh-nghiep-qua-1-lannam-a214308.html