Ngành điện chuyển đổi số toàn diện, hướng tới hệ sinh thái thanh toán điện tử hiện đại

(Chinhphu.vn) - Từ một hệ thống thanh toán chủ yếu dựa trên tiền mặt và giao dịch trực tiếp, đến nay EVN đã từng bước hình thành hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt đồng bộ, hiện đại và phổ cập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ công thiết yếu.

Ngành điện chuyển đổi số toàn diện, hướng tới hệ sinh thái thanh toán điện tử hiện đại- Ảnh 1.

Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/NB

Sáng 17/5, tại Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 do Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo kết quả chuyển đổi số trong thanh toán điện tử và giao dịch điện tử.

Theo ông Tuấn, năm 2021, EVN đã ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn, với mục tiêu đưa EVN hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Đến hết năm 2024, EVN cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, cụ thể là kết quả chuyển đổi số đạt "Mức 4" với tỉ lệ điểm đạt được là 81,89%.

Hiện hầu hết các hoạt động của Tập đoàn đều được xử lý trên môi trường số với nhiều giải pháp số, công nghệ số như AI, BigData, BI, IoT và tự động hóa, chữ ký điện tử được ứng dụng toàn diện. Việc chuyển đổi số toàn diện giúp cho công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh được kịp thời, nhanh chóng, chính xác và minh bạch.

"Chuyển đổi toàn diện cũng như áp dụng triệt để các giải pháp số, công nghệ mới số đã giúp EVN tiết kiệm chi phí ước khoảng trên 3.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn với nỗ lực hiện đại hóa công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đi cụ thể vào các giải pháp đã triển khai, Tổng Giám đốc EVN cho biết, từ năm 2011, EVN đã chủ động xây dựng đề án áp dụng hóa đơn điện tử. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, đến năm 2015, EVN đã triển khai hóa đơn điện tử tại toàn bộ các Tổng công ty Điện lực. Năm 2017, EVN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống nhất chuẩn kết nối giữa EVN và ngành ngân hàng. Chính điều này đã giúp Tập đoàn mở rộng được khả năng thanh toán và thanh toán điện tử trên toàn quốc.

Tập đoàn cũng đã số hóa toàn bộ Quy trình cung cấp dịch vụ điện là tiền đề để năm 2022, EVN cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4, cho phép khách hàng thực hiện toàn bộ các thủ tục mà không cần đến trực tiếp tại quầy giao dịch.

Bên cạnh đó, EVN chú trọng hiện đại hóa hệ thống đo đếm, đây là hạ tầng cốt lõi để triển khai thanh toán điện tử, giám sát tiêu thụ và quản lý khách hàng theo thời gian thực. Đến cuối năm 2024, đã có 32 tỉnh, thành phố đạt 100% công tơ điện tử. Hiện toàn quốc, tỉ lệ đo xa đã đạt trên 95,5%.

Chuẩn hóa và liên thông dữ liệu quốc gia

Cũng theo Tổng Giám đốc EVN, Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Cục C06, Bộ Công an và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ để xây dựng và chuẩn hóa kết nối giữa hệ thống của EVN với các cơ sở dữ liệu quốc gia như: Cơ sở dữ liệu dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, nền tảng định danh điện tử VNeID. Đặc biệt, EVN đã tích hợp toàn bộ dịch vụ thanh toán tiền điện lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cho phép người dân tra cứu hóa đơn, thanh toán tiền điện và theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ điện trực tuyến chỉ với một tài khoản duy nhất.

Các ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVN đã tích hợp đầy đủ các chức năng như: Thanh toán tiền điện trực tuyến, tra cứu hóa đơn, theo dõi lịch sử tiêu thụ điện… Việc cung cấp thông tin minh bạch, trực quan và dễ hiểu đã giúp khách hàng nắm bắt được tình hình sử dụng điện của gia đình mình và điều chỉnh hành vi sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm hơn. EVN cũng đã xây dựng hệ thống cung cấp dữ liệu tiêu thụ điện trực tuyến với tần suất linh hoạt, cho phép cập nhật định kỳ mỗi ngày một lần, hoặc với khách hàng sử dụng điện lớn có thể cập nhật 4 giờ/lần.

Theo ông Tuấn, năm 2024, tỉ lệ khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 97,19%, tăng 2,31 điểm phần trăm so với năm 2023. Tỉ lệ giá trị tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 99,39%, tăng 1,08 điểm phần trăm so với năm trước. Từ một hệ thống thanh toán chủ yếu dựa trên tiền mặt và giao dịch trực tiếp, đến nay EVN đã từng bước hình thành hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt đồng bộ, hiện đại và phổ cập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ công thiết yếu.

Về định hướng trong thời gian tới, Tổng Giám đốc EVN cho biết Tập đoàn sẽ tiếp tục chuẩn hóa và liên thông dữ liệu với các Cơ sở dữ liệu quốc gia là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện trong giai đoạn tới. Dự kiến hết tháng 5/2025, EVN sẽ hoàn thành việc đối soát và đồng bộ dữ liệu khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó phục vụ công tác định danh khách hàng bằng Căn cước công dân (CCCD).

Đối với khối khách hàng doanh nghiệp, EVN sẽ thực hiện định danh bằng mã số thuế, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để khai thác dữ liệu đất đai, từ đó rút gọn các yêu cầu hồ sơ, giảm thủ tục hành chính và hướng tới việc cung cấp dịch vụ điện ngày càng thuận tiện, minh bạch và thân thiện hơn cho khách hàng.

Anh Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
EVN sẵn sàng phương án bảo đảm điện dịp Lễ 30/4 -1/5EVN sẵn sàng phương án bảo đảm điện dịp Lễ 30/4 -1/5
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
EVN lọt TOP doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi sốEVN lọt TOP doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số
Tham khảo thêm
EVN chính thức tiếp nhận, vận hành nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2EVN chính thức tiếp nhận, vận hành nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/nganh-dien-chuyen-doi-so-toan-dien-huong-toi-he-sinh-thai-thanh-toan-dien-tu-hien-dai-a214670.html