WB: Duy trì cải cách, đột phá cần thiết để Việt Nam bứt tốc bền vững

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng này, cần sự đồng bộ từ cải cách thể chế, nâng cao năng lực khu vực tư nhân.

WB: Duy trì cải cách, đột phá cần thiết để Việt Nam bứt tốc bền vững- Ảnh 1.

Các chuyên gia, tổ chức quốc tế trao đổi tại tọa đàm - Ảnh: VGP/HT

Đây là những khuyến nghị từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại sự kiện công bố 2 báo cáo mới của Ngân hàng thế giới (WB) với nội dung hiện thực hóa mục tiêu đây tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 ngày 22/5, tại Hà Nội.

Một thể chế hiệu quả là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững

Báo cáo đầu tiên, "Việt Nam 2045- Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao" nhận định, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên vị thế thu nhập cao đều nhờ liên tục cải thiện chất lượng thể chế.

WB: Duy trì cải cách, đột phá cần thiết để Việt Nam bứt tốc bền vững- Ảnh 2.

Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào - Ảnh: VGP/HT

‎Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết: Quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của thể chế trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững. Những nỗ lực cải cách gần đây thể hiện quyết tâm của Việt Nam, song để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện những cải cách quyết liệt hơn nữa "một cú hích thể chế mang tính đột phá", nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đầy tăng trưởng và tạo ra việc làm chất lượng cho người dân.

‎Đầu tư công cần được quản lý hiệu quả hơn, từ khâu lựa chọn dự án, triển khai đến giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý và quy định sẽ giúp môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và dễ dự đoán hơn.

Quản trị địa phương cũng cần được nâng cao thông qua việc trao quyền tự chủ, tăng trách nhiệm giải trình và phối hợp tốt hơn giữa các tỉnh, thành. Để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cũng cần xây dựng một bộ máy công vụ hiệu quả và có trách nhiệm giải trình, với quy mô hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt hơn, được hậu thuẫn bởi các thể chế bảo đảm quy trình tố tụng hợp pháp, tính minh bạch và cơ chế giám sát độc lập.

‎Theo ông James Anderson – Chuyên gia trưởng về khu vực công của Ngân hàng Thế giới (WB): Một quốc gia muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình cần phải triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó, ông nhấn mạnh làm tốt cả về số lượng và hiệu quả đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình 96% ở các nước thu nhập cao. Tuy nhiên, để cải thiện thực chất, hệ thống đầu tư công cần thay đổi từ gốc, tức các quy trình, thể chế và cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành.

Đồng thời, ông James Anderson cho rằng: Cải cách thủ tục hành chính như Đề án 30, Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 68… dù đã có tiến bộ, nhưng sau một thời gian đôi khi có DN với gặp vấn đề phức tạp.

Bên cạnh đó, báo cáo mới của WB cũng chỉ rõ, cần xem xét sửa đổi các luật liên quan đến ban hành văn bản pháp luật, đầu tư công và các chính sách kiểm tra điều kiện kinh doanh. Một trong những điểm mấu chốt là tránh "tiền kiểm", trao quyền rõ ràng hơn cho Chính phủ và địa phương, đồng thời nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, độc lập.

WB: Duy trì cải cách, đột phá cần thiết để Việt Nam bứt tốc bền vững- Ảnh 3.

Sự kiện công bố 2 báo cáo mới của Ngân hàng thế giới (WB) với nội dung hiện thực hóa mục tiêu đây tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 - Ảnh: VGP/HT

Tư nhân mạnh là nền móng của quốc gia thu nhập cao

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng: Tương lai nền kinh tế Việt Nam thu nhập cao chính là tương lai của khu vực kinh tế tư nhân. Thực tế, Đảng, Chính phủ đã nêu quan điểm quan trọng, xác định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Song trên thực tế, đến thời điểm này, khu vực này vẫn yếu và gặp nhiều rào cản về thể chế, năng lực cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực.

Do đó, TS Trần Đình Thiên đồng tình với các quyết tâm cao, thực hiện cải cách từ trên xuống, chuyển cơ chế từ xin-cho sang chủ động chịu trách nhiệm và trao quyền thực chất cho địa phương. Một mặt, thể chế cần bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và DN tư nhân.

Có cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Đảng khẳng định khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng. Tuy nhiên, cần tiếp tục duy trì đổi mới từ tiền kiểm sang hậu kiểm, để DN tự do gia nhập thị trường. Nếu làm tốt, hệ sinh thái DN có thể nâng lên một bậc mới, năng động hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn.

Theo TS Đậu Anh Tuấn: Gần đây, đã có sự thay đổi tư duy, bước tiến lớn của hệ thống lập pháp Việt Nam là rút ngắn thời gian xây dựng luật. Trước đây, một bộ luật có thể mất tới hai năm để hoàn thiện, nhưng hiện tại thời gian sẽ phải rút ngắn xuống còn khoảng 6 tháng.

Còn PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho biết, có sự thay đổi tư duy lập pháp theo hướng xây dựng nguyên tắc khung. Trao quyền xây dựng các cơ chế thực thi linh hoạt hơn cho cơ quan hành pháp, gắn với trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh: Cần giám sát chặt hơn chấp hành thượng tôn pháp luật tốt hơn. Cần có thêm tòa án chuyên trách, xử bằng tiếng Anh cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm nâng cao độ tin cậy của hệ thống tư pháp.

Tăng trưởng bền vững trong bối cảnh chuyển đổi xanh

Báo cáo thứ hai có tiêu đề "Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững", nhấn mạnh rằng đầu tư vào thích ứng khí hậu sẽ giúp giảm thiểu tác động của các cú sốc khí hậu đối với khu vực nông nghiệp, DN và các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Dự báo cho thấy, nếu mực nước biển dâng từ 75 đến 100 cm, gần một nửa Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập vào giữa thế kỷ này. Theo WB: Nếu không có các biện pháp thích ứng kịp thời, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng kinh tế của Việt Nam.

Bà Sherman nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ chúng ta đã có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đất đai, cộng đồng và cơ sở hạ tầng trước những cú sốc do biến đổi khi hậu gây ra. Điều quan trọng là xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để khuyến khích DN và người dân chủ động thích ứng, đồng thời lồng ghép quản lý rủi ro khí hậu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Báo cáo cũng chỉ ra những cơ hội để Việt Nam giảm cường độ phát thải carbon trong nền kinh tế hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã đề ra. Báo cáo nhấn mạnh vai trò trung tâm của khu vực tư nhân, đồng thời đề xuất các bước thúc đẩy quá trình chuyển đồi năng lượng, tận dụng các công nghệ năng lượng tái tạo có chi phí ngày càng hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp.

Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phát huy tiềm năng của kinh tế biển để thúc đẩy một tương lai xanh hơn, vững vàng hơn trước biển đổi khí hậu. Kinh tế biển là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro do biển đổi khí hậu, nên việc thích ứng là rất cấp thiết và mang lại nhiều lợi ích.

‎Song song với cải cách thể chế, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao WB tại Việt Nam cho biết: Chính phủ đã ban hành các chương trình kế hoạch quan trọng. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp của WB cho rằng: Quá trình triển khai ở các cấp dưới hơn vẫn chưa đạt tiến độ như kỳ vọng, đòi hỏi các cấp thực thi cần triển khai hiệu quả các chiến lược lớn trong chính sách năng lượng, giao thông, quy hoạch sử dụng đất, tiết kiệm năng lượng và định giá carbon. Việc giải bài toán phát triển bền vững tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế – thông qua tăng năng suất lao động, chi phí năng lượng sẽ thấp hơn, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt.

"Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và sản xuất công nghệ cao", chuyên gia của WB khuyến nghị.

Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thể chế đồng bộ như: Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về ban hành một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Chính phủ cũng có nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh cần điều chỉnh. Đồng thời, Chính phủ quyết liệt đốc thúc đẩy mạnh các giải pháp cải thiện hiệu quả giải ngân đầu tư công; thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Anh Minh  

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
WB khuyến nghị chính sách để Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập caoWB khuyến nghị chính sách để Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/wb-duy-tri-cai-cach-dot-pha-can-thiet-de-viet-nam-but-toc-ben-vung-a215471.html