Tạo bệ đỡ chính sách cho giai đoạn phát triển mới của TTCK

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Thân, việc nâng hạng thị trường chứng khoán không phải đích đến, mà là khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới, chuyên nghiệp và chuẩn mực hơn của thị trường tài chính Việt Nam.

Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) với mục tiêu nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường chứng khoán. Cùng với đó, mục tiêu của Chính phủ là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 10 năm nay.

Bên cạnh những thuận lợi thì thị trường luôn có sự biến động mạnh mẽ và đôi khi là những thách thức khó lường. Làm sao để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, cũng như tăng cường minh bạch, an toàn cho thị trường này trong thời gian tới là những vấn đề đặt ra.

Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những trao đổi từ ĐBQH Nguyễn Văn Thân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Khung pháp lý rõ ràng

NĐT: Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua ngày 29/11/2024 với nhiều điểm mới quan trọng. Là Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, ông đánh giá như thế nào về những thay đổi này trong việc nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường chứng khoán?

ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025 đã góp phần tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn cho thị trường. Đặc biệt là việc tăng cường trách nhiệm công bố thông tin, chuẩn hóa hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết và các tổ chức trung gian tài chính. Điều này, giúp nâng cao niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững hơn.

Tạo bệ đỡ chính sách cho giai đoạn phát triển mới của TTCK- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân.

Chúng ta cũng thấy rõ sự khởi sắc qua các con số: Thanh khoản thị trường cải thiện, nhiều doanh nghiệp chủ động nâng cao chuẩn mực quản trị để phù hợp với luật mới. Đây chính là nền tảng quan trọng, không chỉ giúp thị trường phát triển lành mạnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu nâng hạng thị trường trong năm nay.

NĐT: Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm nay. Từ góc nhìn của người làm chính sách và người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông cho rằng điều này có khả thi không? Chúng ta cần thêm những bước đi cụ thể nào?

ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Tôi cho rằng, chúng ta đang ở rất gần ngưỡng nâng hạng. Về mặt kỹ thuật, nhiều yếu tố đã được cải thiện đáng kể như cơ chế giao dịch, thời gian thanh toán, hệ thống pháp lý.

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể giao dịch mua chứng khoán mà không yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh và việc xử lý khi có giao dịch thất bại (nếu có) xảy ra đã được quy trình hóa và xử lý đảm bảo thuận lợi cho các thành viên thị trường cũng như an toàn cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần tiếp tục tháo gỡ, như việc hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực, hay cơ chế mở tài khoản và chuyển tiền ra/vào của khối ngoại. Nếu chúng ta tiếp tục quyết liệt cải cách, mục tiêu nâng hạng trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Bảo vệ các thành viên thị trường

NĐT: Trong trường hợp nâng hạng được thị trường, theo ông, đâu là lĩnh vực cần ưu tiên cải thiện ngay trong ngắn hạn?

ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Theo tôi, trong ngắn hạn lĩnh vực cần ưu tiên cải thiện là minh bạch thông tin và năng lực giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường. Hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến niềm tin nhà đầu tư bị lung lay là do tình trạng thông tin bất đối xứng, công bố không đầy đủ, thậm chí sai lệch. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mà còn tạo ra những hệ lụy cho toàn thị trường.

Tạo bệ đỡ chính sách cho giai đoạn phát triển mới của TTCK- Ảnh 2.

Khi được nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút một lượng vốn, thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, cần sớm nâng cấp hệ thống công bố thông tin, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, gian lận báo cáo tài chính.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức kiểm toán, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký – những chủ thể có vai trò trung gian trong bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Đây là bước đi quan trọng, mang tính nền tảng để từ đó thúc đẩy việc hoàn thiện khung pháp lý, phát triển thị trường minh bạch, công bằng và bền vững hơn trong trung và dài hạn.

NĐT: Thị trường chứng khoán thường xuyên có biến động và rủi ro. Vậy theo ông, chúng ta cần có chính sách gì để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường?

ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Thị trường chứng khoán là kênh đầu tư quan trọng, nhưng cũng đầy biến động và rủi ro, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân – những người không có nhiều kiến thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm. Tôi cho rằng, để bảo vệ nhóm đối tượng này, cần có một số chính sách cụ thể, thiết thực hơn như cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên thị trường. Nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị tác động bởi tin đồn, thao túng giá, đội lái.

Do đó, cơ quan quản lý cần xử lý thật nghiêm, thật công khai các sai phạm để giữ lòng tin cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Cùng với đó, cần xây dựng các công cụ hỗ trợ nhà đầu tư mới như các ứng dụng cảnh báo rủi ro, bảng xếp hạng công ty minh bạch, hay thậm chí là tư vấn miễn phí cho nhà đầu tư cá nhân từ các tổ chức trung lập.

Cuối cùng, cần minh bạch hóa các sản phẩm tài chính, đồng thời khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư uy tín để người dân có thể ủy thác đầu tư một cách an toàn, thay vì phải tự mua bán cổ phiếu mà không nắm rõ thị trường.

Nếu không có cơ chế bảo vệ tốt, một khi nhà đầu tư cá nhân mất niềm tin, thì thị trường sẽ khó phát triển bền vững mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo.

NĐT: Ông kỳ vọng điều gì nếu mục tiêu nâng hạng thành công vào cuối năm nay?

ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi" không chỉ là một vấn đề kỹ thuật, mà còn là dấu ấn thể hiện uy tín, độ minh bạch và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Tạo bệ đỡ chính sách cho giai đoạn phát triển mới của TTCK- Ảnh 3.

Tăng cường minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán là yếu tố then chốt.

Nếu chúng ta đạt được mục tiêu nâng hạng vào cuối năm nay, tôi kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực như: Dòng vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư dài hạn sẽ đổ vào mạnh mẽ hơn. Đây là nguồn vốn chất lượng cao, ít mang tính đầu cơ, sẽ giúp thị trường ổn định và phát triển bền vững.

Chứng khoán FPT muốn vay ACB 2.000 tỷ đồng

Song song với đó, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và toàn cầu.

Cùng với đó, uy tín của nền kinh tế Việt Nam sẽ được củng cố mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Đây là cú hích cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.

Tôi cho rằng, việc nâng hạng không phải đích đến, mà là khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới, chuyên nghiệp và chuẩn mực hơn của thị trường tài chính Việt Nam.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/tao-be-do-chinh-sach-cho-giai-doan-phat-trien-moi-cua-ttck-a215694.html