Lần đầu tiên sau 8 tháng, một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dường như đã cập cảng tại một nhà máy xuất khẩu khí đốt của Nga ở Bắc Cực vốn đang bị Mỹ trừng phạt.
Đây có thể là nỗ lực mới nhất của Moscow nhằm đưa loại khí siêu lạnh này "tái xuất" trên thị trường quốc tế. Nhưng đây cũng có thể là một hoạt động như thường lệ trong bối cảnh hàng hóa dư thừa mà không thể tìm được người mua.
Có đủ tàu để chở hàng
Theo dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg biên soạn và hình ảnh vệ tinh mà hãng tin này có được, một tàu chở LNG đã cập cảng và sau đó rời khỏi nhà máy Arctic LNG 2 ở Bắc Cực lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái.
Nhà máy Arctic LNG 2 của gã khổng lồ Novatek nằm ở trung tâm của kế hoạch nhằm tăng gấp 3 sản lượng xuất khẩu LNG của Nga vào năm 2030.
Tuy nhiên, hoạt động của nhà máy đã bị đình trệ trong nhiều tháng do khó có thể tìm được khách mua hàng sẵn sàng phá vỡ các hạn chế của phương Tây.
Mỏ Utrenneye, cơ sở tài nguyên cho dự án Arctic LNG 2 của Novatek. Ảnh: TASS
Nga có nhiều lý do để thúc đẩy xuất khẩu LNG. Kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Moscow sang châu Âu đã ngày càng giảm sút.
Trong khi đó, việc vận chuyển loại khí siêu lạnh này bằng tàu biển mang lại nguồn doanh thu hấp dẫn cho Nga, với một hạm đội tàu chuyên dụng gồm ít nhất 13 tàu.
Theo Bloomberg, trong số các tàu này có những tàu có thể di chuyển trên vùng biển băng giá, đã được huy động để phục vụ dự án Arctic LNG 2. Một số tàu đã thay đổi công ty quản lý nhiều lần để che giấu dữ liệu về chủ sở hữu thực sự của chúng.
Trong số đó có tàu Iris, một tàu lớp Arc4 có khả năng phá băng trước đây được gọi là North Sky, và đã neo đậu tại nhà máy Arctic LNG 2 vào sáng hôm 27/6, dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg biên soạn cho thấy.
Theo dữ liệu của Kpler mà Reuters trích dẫn, nếu tàu Iris thực sự chất hàng, đây sẽ là lô LNG thứ 9 được vận chuyển khỏi nhà máy Arctic LNG 2. Lô hàng cuối cùng được tàu Arctic Metagaz chất vào ngày 5/10 năm ngoái.
Ngoài tàu Iris, hạm đội tàu chở LNG còn 3 tàu lớp Arc4 khác, và 3 tàu này cùng 3 tàu nữa đang nằm im ở Biển Barents, 2 tàu đang được sửa chữa tại Trung Quốc, 1 tàu hiện đang ở một cơ sở lưu trữ nổi tại vùng Viễn Đông của Nga, và 2 tàu nữa vẫn đang nằm im ở Vịnh Phần Lan.
Các tàu cập cảng tại cơ sở Arctic LNG 2 vào mùa thu năm 2019. Ảnh: High North News
"Nga có nhiều tàu hơn so với mùa hè/mùa thu năm 2024", ông Malte Humpert, người sáng lập Viện Bắc Cực, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết trong một email. "Nếu có thể tìm được khách mua, đội tàu nhỏ này sẽ đủ để vận chuyển hàng hóa".
Nhưng khó tìm được khách mua
Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái, 8 chuyến hàng khí đốt đã được xuất khẩu từ nhà máy Arctic LNG 2, nhưng chúng chưa bao giờ được đưa ra khỏi khu vực.
Thay vào đó, các mẻ hàng này đã được chuyển đến 2 cơ sở lưu trữ của Nga tại Biển Barents và Viễn Đông. Không loại trừ khả năng chuyến hàng thứ 9 này cũng có điểm đến tương tự.
Hoạt động sản xuất quy mô lớn tại nhà máy của Novatek đã dừng lại vào tháng 10 năm ngoái sau khi băng hình thành xung quanh cơ sở này, khiến việc vận chuyển hàng bằng các tàu thông thường trở nên khó khăn.
Tàu chở LNG có khả năng phá băng đầu tiên do Nga chế tạo trong nước có thể đi vào hoạt động vào nửa cuối năm nay nếu vượt qua các cuộc thử nghiệm trên biển còn lại, CEO của Sovcomflot, Igor Tonkovidov, được hãng Interfax dẫn lời cho biết gần đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khánh thành đường ống hóa lỏng khí đốt tự nhiên đầu tiên cho dự án Arctic LNG 2, khi ông đến thăm công trường Murmansk của Novatek tại làng Belokamenka, vùng Murmansk, ngày 20/7/2023. Ảnh: China Daily
Theo các thương nhân quen thuộc với dự án Arctic LNG 2, các quan chức Nga đã cố gắng bán LNG, tổ chức các cuộc họp với các khách mua tiềm năng ở Ấn Độ và Trung Quốc trong năm qua, nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có tìm được người mua nào không.
Trung Quốc có vẻ là ứng cử viên có khả năng nhất, nhưng xét đến nhu cầu của Trung Quốc liên tục giảm trong 8 tháng qua, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, ông Humpert cho biết.
Hiện tại, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ liệu Moscow có tìm được khách hàng nào sẵn sàng vượt qua các hạn chế do Mỹ áp đặt để mua hàng từ nhà máy Arctic LNG 2 của Novatek hay không.
Bên cạnh đó, các thương nhân cũng đang theo dõi xem liệu Mỹ hay EU có thắt chặt lệnh trừng phạt đối với cơ sở này sau khi xuất khẩu được nối lại hay không. Năm ngoái, mối đe dọa trả đũa từ Mỹ dưới thời chính quyền Biden đã khiến người mua phải dè chừng.
Không rõ liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có mạnh tay áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tàu và công ty có liên quan đến việc xuất khẩu nhiên liệu từ Arctic LNG 2 như chính quyền tiền nhiệm đã làm hay không.
"Bây giờ là lúc cần tăng cường áp lực" đối với doanh thu năng lượng của Nga, ông Geoffrey Pyatt, thành viên danh dự tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, người đã giúp soạn thảo các lệnh trừng phạt Arctic LNG 2 dưới thời chính quyền Biden, cho biết.
"Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quyết tâm mới trong việc chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt Nga, khiến việc Mỹ duy trì áp lực đối với Novatek trở nên quan trọng hơn nữa", vị chuyên gia này cho hay.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Ukrinform)
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/lng-nga-tu-bac-cuc-tai-xuat-sau-thoi-gian-dai-vang-bong-vi-don-trung-phat-a221086.html