Gã khổng lồ năng lượng Ba Lan cắt đứt mối liên hệ cuối cùng với dầu Nga

Kể từ xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022, chính phủ Ba Lan và các công ty năng lượng nhà nước của quốc gia Đông Âu đã tìm cách chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu mọi loại nhiên liệu hóa thạch từ Moscow.

Gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Orlen của Ba Lan đã chính thức chấm dứt nhập khẩu dầu Nga, sau khi hợp đồng cuối cùng với công ty dầu mỏ Rosneft hết hạn vào ngày 30/6.

Theo truyền thông nhà nước Ba Lan, Orlen đã chính thức chấm dứt nhập khẩu dầu từ Rosneft vào nhà máy lọc dầu Litvinov của tập đoàn này tại Cộng hòa Séc, cắt đứt mối liên hệ cuối cùng của họ với dầu Nga.

Nhà máy lọc dầu Litvinov, một trong hai cơ sở của Orlen tại Cộng hòa Séc, đã được công ty Ba Lan mua lại vào năm 2004 sau khi mua phần lớn cổ phần của công ty Unipetrol của Cộng hòa Séc và đã xử lý dầu thô của Nga trong nhiều thập kỷ cho đến gần đây.

"Số tiền chi cho dầu Nga sẽ không còn được sử dụng để chống lại những người mà nó không nên được sử dụng để chống lại", TVP World dẫn lời CEO của Orlen Ireneusz Fafara cho biết tại một cuộc họp báo hôm 30/6.

"Từ giờ trở đi chúng tôi sẽ mua dầu từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà máy lọc dầu của chúng tôi sẽ xử lý dầu thô từ Trung Đông, Vịnh Ba Tư, Biển Bắc, châu Phi và cả châu Mỹ. Đây chính là hình ảnh về an ninh năng lượng mà chúng tôi đã hứa với người Ba Lan và khu vực này", ông Fafara tuyên bố.

Gã khổng lồ năng lượng Ba Lan cắt đứt mối liên hệ cuối cùng với dầu Nga- Ảnh 1.

Tập đoàn Orlen chính thức chấm dứt hợp đồng cung cấp dầu thô cuối cùng với nhà sản xuất Rosneft của Nga, đánh dấu sự chuyển đổi hoàn toàn trong hoạt động kinh doanh của công ty Ba Lan khỏi dầu Nga. Ảnh: Daily Mare

Theo trang Notes from Poland (NFP), sau khi Điện Kremlin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022, chính phủ Ba Lan và các công ty năng lượng nhà nước đã tìm cách chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu than đá, khí đốt và dầu mỏ từ Nga.

Đến tháng 3/2023, Orlen - công ty lớn nhất của Ba Lan - đã nhận được 100% dầu thô cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của mình tại Ba Lan và nước láng giềng Litva từ các nguồn không phải của Nga.

Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Litvinov của Orlen tại Cộng hòa Séc vẫn tiếp tục nhận dầu Nga thông qua đường ống Druzhba theo một hợp đồng dài hạn. Trên thực tế, lượng dầu Nga mà Orlen nhập khẩu đã tăng vào năm 2023.

ĐỌC THÊMLNG Nga từ Bắc Cực “tái xuất” sau thời gian dài vắng bóng vì đòn trừng phạt?

Bất chấp các gói trừng phạt của EU đối với năng lượng Nga, nguồn cung dầu thông qua đường ống Druzhba được miễn trừ vì các quốc gia không giáp biển như Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary sẽ phải vật lộn để nhanh chóng tìm được các nguồn thay thế.

Năm ngoái, Cộng hòa Séc đã nhận được khoảng 42% lượng dầu của mình thông qua Druzhba.

Nhưng hợp đồng 12 năm mà Orlen ký với Rosneft vào năm 2013 để tiếp nhận dầu Nga qua đường ống này đã hết hạn vào ngày 30/6 và không được gia hạn, nghĩa là gã khổng lồ năng lượng Ba Lan hiện không còn nhận được bất kỳ giọt dầu nào từ Nga nữa.

"Nhờ đó, toàn bộ khu vực sẽ không còn dầu thô của Nga nữa", ông Fafara tuyên bố trên NFP. "Chúng tôi đã khép lại chương này và cùng nhau xây dựng một tương lai an toàn cho khu vực".

"Việc chấm dứt sự phụ thuộc của Orlen vào các nguồn năng lượng của Nga chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Ba Lan và sự hợp tác tốt với các đối tác của chúng tôi, đặc biệt là các nhà điều hành hệ thống truyền tải", ông nói thêm. "Nhờ đó, chúng tôi có thể nhập khẩu dầu và khí đốt từ các nguồn thay thế".

Orlen lưu ý rằng, việc EU miễn trừ nguồn cung dầu Nga qua Druzhba đã giúp nhà điều hành đường ống MERO của Cộng hòa Séc có thời gian để tăng công suất truyền tải của đường ống Transalpine (TAL) hiện đang vận chuyển dầu từ cảng Trieste của Italy đến Cộng hòa Séc qua Áo và Đức.

Hồi tháng 4, chính phủ Séc đã ăn mừng sự xuất hiện của nguồn cung mới thông qua đường ống TAL được nâng cấp. "Sau khoảng 60 năm, sự phụ thuộc của chúng tôi vào dầu Nga đã chấm dứt", Reuters dẫn lời Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala tuyên bố khi đó.

Bản thân Orlen cũng đã điều chỉnh hoạt động tại nhà máy lọc dầu Litvinov – vốn trước đó chỉ dựa trên nguồn cung duy nhất từ Nga – để chế biến các loại dầu thô khác. Nhà máy lọc dầu còn lại của công ty Ba Lan ở Cộng hòa Séc là Kralupy chỉ sử dụng dầu thô không phải của Nga trong những năm gần đây.

Minh Đức (Theo TVP World, NFP)

Tham khảo thêm
Con tàu chở 3.000 xe hơi bị bỏ trôi dạt giữa Thái Bình Dương bây giờ ra sao?Con tàu chở 3.000 xe hơi bị bỏ trôi dạt giữa Thái Bình Dương bây giờ ra sao?
Tham khảo thêm
Ông Putin nói về quan hệ Nga-Mỹ, khen ông Trump dũng cảmÔng Putin nói về quan hệ Nga-Mỹ, khen ông Trump dũng cảm

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/ga-khong-lo-nang-luong-ba-lan-cat-dut-moi-lien-he-cuoi-cung-voi-dau-nga-a221314.html