Hân hoan reo lên

Hôm qua, rất đông bệnh nhân mạn tính reo ầm lên: Từ nay được lĩnh thuốc 3 tháng một lần rồi.

Nó là thế này ạ. Lâu nay có quy định, người bị bệnh mạn tính chỉ được đi khám và nhận thuốc một tháng một lần. Anh có thể đi trễ vài ba tháng, thậm chí cả năm, không sao, nhưng trước một ngày là không được, đi về, mai tới.

Mà những người bệnh mạn tính là ai? Người nghèo, người già, nhiều người ở rất xa bệnh viện. 2-3 giờ sáng đã dậy, lọ mọ tàu xe, tới bệnh viện bốc số, đợi xét nghiệm, khám và lấy thuốc. Có người phải qua trưa ở bệnh viện, chiều mới lấy được thuốc, rồi ra xe về nhà, có người ở xa cả trăm cây số. Mà số thuốc ấy có khi chỉ đáng vài trăm ngàn.

Ngay cán bộ, nhiều người đi công tác, đến trình bày cho khám sớm, hoặc lấy thêm nửa tháng thuốc để đi, đều bị từ chối vì quy định không cho phép.

Còn bệnh mạn tính đa phần là người già, khó khăn. Thức khuya dậy sớm đi khám lấy thuốc như thế có khi còn bị bệnh thêm. Các cụ móm mém đùa: đi (bệnh viện) cũng chết, ở nhà cũng... chết, nên ở nhà sướng hơn...

Những chính sách rất vô lý như thế lâu nay khiến hàng triệu người chịu khổ.

Chưa kể còn đấu thầu sao đó mà cũng bệnh ấy, tiểu đường chẳng hạn. Tháng trước một loại thuốc, tháng sau một loại thuốc, khác nhau rất xa. Có loại một viên uống cho cả ngày, gọi nôm na là thuốc 2, thậm chí 3 trong một. Có loại thì tới 4 viên mỗi lần, mà lại phải uống cách nhau 30 phút, hết sức cách rách và phiền toái. Nguyên việc uống đúng giờ, đúng thuốc đã đủ... tổn thọ, đủ tăng bệnh.

Tất nhiên mọi người cũng hiểu là, mọi biện pháp đưa ra là để tránh tiêu cực. Đã từng có những vụ án thông đồng "ăn" thuốc bảo hiểm, rồi thông đồng nâng giá đấu thầu. Nhưng như một số lãnh đạo cao cấp đã nói, đấu thầu để lấy thuốc tốt, giá hợp lý chứ không phải lấy đồ rẻ. Và bác sĩ điều trị phải được quyền quyết định thuốc chứ không phải trước khi ra đơn lại phải bảo điều dưỡng kiểm tra trong kho dược có thuốc gì?

Hân hoan reo lên- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hôm qua một tờ báo reo lên: "Bệnh nhân ung thư mừng rơn vì được lấy thuốc 3 tháng/lần". Trong đó dẫn những chuyện không cười được cũng chả khóc được. Ví như bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định được chỉ định tái khám 3 tháng một lần, thế nhưng tháng nào họ cũng phải đến bệnh viện để lấy thuốc điều trị. Mỗi lần lấy thuốc đều phải xếp hàng, chờ đợi.

"Mỗi tháng đều phải xin nghỉ 1 ngày để lên Hà Nội vào viện lấy thuốc, thực sự rất mệt mỏi. Lần này đi khám, được bệnh viện thông báo được phát thuốc 3 tháng một lần. Tôi thực sự cảm thấy vui sướng và vô cùng phấn khởi"- Một bệnh nhân... phấn khởi cho biết.

Lại nhớ một truyện ngắn nổi tiếng, cụ Bá hộ đạp anh nông dân xuống sông, cho bơi lóp ngóp, uống nước gần chết, rũ rượi toàn thân, rồi kéo lên, vất cho 5 hào: Cầm mà đi uống rượu. Anh cố nông lạy cụ Bá như tế sao: Đội ơn cụ Bá đã cứu mạng còn móc tiền cho cho uống rượu.

Rất nhiều chuyện bi hài xung quanh những quy định lợi cho mình, khó khăn cho người bệnh mà kêu mãi không thấu. Nhưng những cách quản lý tưởng ngặt nghèo ấy lại vẫn có lỗ hổng, vẫn có những cú bắt tay trục lợi, lâu lâu lại thấy công an khởi tố vài vụ án. Như mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố, tạm giam ông Vũ Chí Toàn - Giám đốc, ông Hoàng Văn Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Mỹ và một số cán bộ thuộc BHXH huyện Yên Mỹ. Việc khởi tố các bị can nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra năm 2023.

Cũng đầu tháng 3/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố bị can đối với ông Bùi Xuân Hùng - nhân viên khoa dược và bà Kiều Thị Trang - bác sĩ khoa truyền nhiễm - để điều tra về các sai phạm trong quá trình khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh này. Ông Hùng đã sử dụng thông tin của 4 bệnh nhân để chiếm đoạt thuốc trong các lượt khám BHYT với tổng số tiền gần 75 triệu đồng, gây thiệt hại cho quỹ BHYT với số tiền hơn 100 triệu đồng. Còn bà Trang đã kê thêm thuốc trong 18 lượt khám của 12 bệnh nhân để chiếm đoạt số tiền BHYT hơn 8,5 triệu đồng, vân vân... Nhưng xem kỹ, thì quả là nếu có trục lợi thì số tiền cũng chả đáng là bao so với các vụ án khác, và so với nỗi khổ mà bệnh nhân hưởng bảo hiểm y tế phải chịu đựng. Mà, bảo hiểm y tế là của người bệnh, tiền ấy là của họ. Một nhóm người quản lý bảo hiểm đẻ ra những quy định ngặt nghèo tưởng là quản lý được nhưng quả là, lợi bất cập hại.

Chính vì thế, thông tư số 26 do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 1/7 rất được hoan nghênh. Không chỉ bệnh nhân hoan nghênh mà ngay các cơ sở y tế khám chữa bệnh cũng hoan nghênh. Họ không bị chỉ trích oan, họ "có quyền" hơn khi ra y lệnh chữa bệnh. Thông tư này quy định về việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, trong đó tạo điều kiện cho bệnh nhân được cấp thuốc dài ngày, đặc biệt với các bệnh lý mạn tính.

Tất nhiên không phải loại bệnh nào cũng có thể kê đơn dài ngày, mà nó phải phụ thuộc vào bệnh và vào quyết định của bác sĩ. Ở đây tôi chỉ bàn những loại bệnh mà chính bác sĩ cũng nói, em không có quyền cấp thêm, chứ bệnh của bác có thể 3 tháng mới đến "thăm" em một lần. Chưa kể, bây giờ hiện đại, người bệnh có thể tự theo dõi bệnh của mình bằng các phương tiện tự mua như các loại máy đo huyết áp, tiểu đường..., và có thể tham vấn bác sĩ điều trị ngay.

Và một nỗi khổ nữa, có nhiều người, vì không muốn phụ thuộc cái vòng kim cô một tháng một lần trên, bèn cầm đơn ra hiệu thuốc mua, nhưng trời ạ, cái gì có trong kho thuốc bệnh viện thì hiệu thuốc ở ngoài không có. Hỏi thì biết, thuốc trong bệnh viện là thuốc đấu thầu, thuốc chúng em tự do, nó không trùng nhau, nên có một vài hiệu thuốc căng băng rôn rất to: có đủ thuốc trong bệnh viện. Là nói thế thôi, chứ tôi từng đi mua, "bác ơi loại này chúng em không có", chỉ là thuốc tiểu đường thông thường thôi đấy ạ.

Nên hân hoan, nên reo lên, khi được cấp thuốc bảo hiểm 3 tháng một lần là thế.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Lãng phí và tiết kiệm hay câu chuyện tiền chùa…Lãng phí và tiết kiệm hay câu chuyện tiền chùa…

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/han-hoan-reo-len-a221562.html