Thứ ở "dưới bùn" xưa hiếm người biết nay thành đặc sản dân phố thích mê

Đặc sản này có tên lạ, hình thù kỳ dị, kém hấp dẫn nhưng ăn ngon, được nhiều du khách tìm mua.

Ở Quảng Ninh, ngoài sá sùng, hàu, ngán… còn có một đặc sản "trời ban" tên lạ, hình thù kỳ dị nhưng ăn ngon, được nhiều du khách tìm mua. Đó là con bông thùa (hay còn gọi là sâu đất, giun biển, giun biển đen).

Theo Tri thức & Cuộc sống, nhiều người lần đầu nhìn thấy bông thùa thường nhầm với sá sùng – một đặc sản nổi tiếng khác. Tuy nhiên, hai loài này hoàn toàn khác nhau và có thể phân biệt bằng mắt thường. 

Thứ ở "dưới bùn" xưa hiếm người biết nay thành đặc sản dân phố thích mê- Ảnh 1.

Con bông thùa.

Sá sùng thường có màu trắng hoặc hồng nhạt, thân dài, kích thước to bằng đầu ngón tay người lớn. Trong khi đó, bông thùa có màu sẫm đen, thân ngắn hơn và hai đầu thuôn dài, hơi nhọn.

Thứ ở "dưới bùn" xưa hiếm người biết nay thành đặc sản dân phố thích mê- Ảnh 2.

Sá sùng sống dưới cát và thường phải phơi khô trước khi chế biến, còn bông thùa được dùng khi còn tươi, thường không đem phơi khô. Dù vị ngọt không đậm như sá sùng, bông thùa lại có hương vị riêng, rất thích hợp với các món xào, nấu cháo hay nhúng lẩu.

Thứ ở "dưới bùn" xưa hiếm người biết nay thành đặc sản dân phố thích mê- Ảnh 3.

Bông thùa là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ninh. Ảnh: Đinh Huy Hoàng/VietNamNet

Chia sẻ với VietNamNet, chị Nguyễn Trang – chủ một bè nuôi hải sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, việc khai thác bông thùa thuận lợi hơn nhiều so với sá sùng. Người dân chỉ cần dùng chiếc cuốc hoặc xẻng nhỏ, đào lật từng lớp bùn để bắt bông thùa.

"Tuy nhiên, quá trình đào phải khéo léo để không làm đứt bông thùa vì con nguyên vẹn có độ ngon và đem bán mới được giá. Những con bị đứt đôi, không lấy được hết thân, đành phải bỏ", chị nói.

Theo chia sẻ của tiểu thương này, bông thùa ăn ngon nhưng đòi hỏi quá trình sơ chế tỉ mỉ. Trước hết, người ta phải rửa chúng thật sạch rồi dùng que nhỏ lộn trái phần bên trong ra, bóc hết nội tạng, sau đó rửa nhiều lần nước cho hết bùn đất.

Vì khâu sơ chế tỉ mỉ nên một cân bông thùa nhìn tưởng nhiều nhưng làm sạch xong chỉ còn cỡ 7-8 lạng", chị Trang tiết lộ.

Thứ ở "dưới bùn" xưa hiếm người biết nay thành đặc sản dân phố thích mê- Ảnh 4.

Bông thùa xào su hào. Ảnh: Lê Triều Dương//VietNamNet

Bông thùa sau khi làm sạch có thể chế biến thành một số món như cháo, lẩu… nhưng ngon và phổ biến hơn cả là đem xào với su hào.

Theo báo Quảng Ninh Online, bông thùa để cho một đĩa su hào xào không nhiều lắm, chỉ chừng một lạng hay lạng rưỡi, xào nhiều mất ngon vì chúng làm cho món xào quá ngọt. Su hào gọt vỏ, rửa sạch, thái chỉ. Hành hoa rửa sạch, cắt khúc độ 2-3cm.

Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn, phi thơm hành củ băm nhỏ, đổ bông thùa vào xào to lửa, nêm chút gia vị, gần chín đổ ra đĩa. Sau đó bắc lại chảo lên bếp, cho thêm chút dầu, phi thơm hành, đổ su hào vào xào to lửa, nêm gia vị, đảo nhanh tay, gần chín thì đổ bông thùa vào, trộn đều, để thêm ít phút, rắc hành hoa vào đảo đều, bắc ra, rắc hạt tiêu. Ăn nóng.

Đặc sản chờ gần 5 tiếng mới Đặc sản chờ gần 5 tiếng mới "ra lò", xưa ít người biết nay dân phố thích mêĐỌC NGAY

Một đĩa su hào xào bông thùa thành phẩm phải khô, không có nước, su hào ăn còn độ giòn, bông thùa không dai. Màu của đĩa thức ăn có màu trắng của su hào, màu xanh của hành hoa cắt khúc và màu thẫm của bông thùa xen lẫn nhau.

Su hào vốn đã có vị ngọt, khi xào với bông thùa, vị ngọt thêm đậm đà hơn, nhưng không phải là vị ngọt của riêng su hào nữa, nó có vị ngọt của protein. Tuy nhiên, chỉ nên dùng lượng bông thùa vừa phải để món xào có độ hài hòa giữa thịt và rau, ăn không bị ngọt quá.

Món bông thùa xào su hào ngon nhất khi ăn nóng. Ngoài ăn kèm cơm, người Quảng Ninh cũng xem đây là món nhậu "tốn rượu bia".

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/thu-o-duoi-bun-xua-hiem-nguoi-biet-nay-thanh-dac-san-dan-pho-thich-me-a221572.html