Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Hội đồng chấm thi tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh
Bắc Ninh: Vận hành thông suốt, không có khoảng trống
Tại Bắc Ninh, Sở GD&ĐT đã nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo thi và Hội đồng chấm thi ngay trong ngày đầu tiên chuyển đổi mô hình (1/7). Hai Ban chấm thi vẫn được tổ chức tại hai địa điểm như trước, kế thừa nguồn lực từ các đơn vị tiền thân.
Theo báo cáo của Sở, toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ nhân sự, an ninh – an toàn đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi được tập huấn bài bản, nắm chắc quy trình, quy chế.
Đánh giá cao sự chủ động này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận xét: “Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm thi đã vào guồng rất nhanh, không để trống khâu chỉ đạo, không gián đoạn công việc. Công tác chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, khoa học. Từng bộ phận đều thể hiện sự phối hợp hiệu quả và tinh thần trách nhiệm cao”.
Ông đặc biệt lưu ý quy trình làm phách, chấm thi trắc nghiệm và tự luận phải tuân thủ chặt chẽ quy chế. “Công tác chấm thi không chỉ là kỹ thuật, mà còn là phép thử năng lực quản trị và sự công tâm. Phải phản ánh đúng thực chất bài làm, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra kiểm tra Ban chấm thi Nam Định, Hội đồng chấm thi tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh
Ninh Bình: Không ép tiến độ, ưu tiên quyền lợi thí sinh
Tại Ninh Bình – tỉnh mới thành lập trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị hành chính – việc tổ chức kỳ thi và chấm thi diễn ra trong bối cảnh khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, địa phương vẫn ưu tiên tối đa cho kỳ thi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Lan Anh – Trưởng Ban Chỉ đạo thi – khẳng định: “Ngay sau khi có quyết định sáp nhập, chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi và các ban chuyên môn trong cùng ngày 1/7. Dù khối lượng công việc bộn bề, tỉnh xác định chấm thi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không thể chậm trễ hay làm hình thức”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tỉnh dự kiến hoàn thành chấm thi vào ngày 10/7 - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Tiến Dũng, toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, an ninh – an toàn đã được rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đúng quy định. Đội ngũ 376 người làm công tác chấm thi đều đã qua tập huấn và tuân thủ quy trình chặt chẽ.
“Chúng tôi dự kiến hoàn thành chấm thi vào ngày 10/7. Tuy nhiên, tuyệt đối không ép tiến độ, không làm hình thức. Tất cả đều vì mục tiêu chấm thi nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế và đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu”, ông Dũng khẳng định.
Sau khi kiểm tra thực tế tại điểm chấm thi Nam Định (thuộc Hội đồng chấm thi Ninh Bình), Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: “Cơ sở vật chất đã được đầu tư bổ sung kịp thời, hệ thống máy móc hiện đại, lực lượng phối hợp triển khai bài bản, thanh tra – kiểm tra chặt chẽ. Địa phương đã bám sát đúng chỉ đạo Bộ và vận hành trơn tru theo phương châm 4 tại chỗ”.
Ông cũng đề nghị tỉnh tiếp tục duy trì sự điều hành thống nhất giữa ba Ban chấm thi, phân công rõ đầu mối, đảm bảo nhịp độ và tính chính xác. “Kiểm soát tiến độ chặt chẽ nhưng không được làm ẩu, không để sai sót nhỏ ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng lưu ý thêm, với các môn tự luận như Ngữ văn – nơi thí sinh có thể thể hiện tư duy riêng, cán bộ chấm thi cần linh hoạt đánh giá đúng năng lực, ghi nhận sự sáng tạo, miễn là bài làm bám sát chuẩn đầu ra và hướng dẫn chấm.
“Nguyên tắc cao nhất là đảm bảo tính công bằng, trung thực, khách quan và phản ánh đúng năng lực học sinh. Chấm thi phải đi cùng trách nhiệm và cả sự nhân văn, để không phụ công sức suốt 12 năm học của các em”, Thứ trưởng gửi gắm.
Thu Trang
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/kiem-tra-cham-thi-yeu-cau-tuyet-doi-khong-chu-quan-a221716.html