Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II/2025 và 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố sáng 5/7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) tính đến ngày 30/6/2025 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 1.988 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,29 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 9,6% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,06 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,25 tỷ USD, chiếm 24,2%; các ngành còn lại đạt 1,99 tỷ USD, chiếm 21,4%.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,41 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,41 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Trung Quốc 2,13 tỷ USD, chiếm 22,9%; Thụy Điển 1 tỷ USD, chiếm 10,8%; Nhật Bản 832,3 triệu USD, chiếm 9%; Đài Loan 725,8 triệu USD, chiếm 7,8%; Đặc khu hành chính HongKong (Trung Quốc) 691,9 triệu USD, chiếm 7,4%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 317 triệu USD, chiếm 3,4%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 826 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,57 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4,84 tỷ USD, chiếm 26,5%; các ngành còn lại đạt 2,84 tỷ USD, chiếm 30,6%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.708 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,28 tỷ USD, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 705 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,3 tỷ USD và 1.003 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,98 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,41 tỷ USD, chiếm 42,9% giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 763,2 triệu USD, chiếm 23,2%; ngành còn lại 1,11 tỷ USD, chiếm 33,9%.
Cũng theo Cục Thống kê, FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng trong 5 năm qua.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,56 tỷ USD, chiếm 81,6% tổng vốn FDI; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 932,2 triệu USD, chiếm 8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 444,7 triệu USD, chiếm 3,8%.
Ở phía ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2025 có 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 357,7 triệu USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 129,4 triệu USD, gấp 7 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 487,1 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 111,2 triệu USD, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư; vận tải kho bãi đạt 78,5 triệu USD, chiếm 16,1%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 76,8 triệu USD, chiếm 15,8%.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Lào là nước dẫn đầu với 150,3 triệu USD, chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư; Philippines 61,8 triệu USD, chiếm 12,7%; Indonesia 60,5 triệu USD, chiếm 12,4%; Đức đạt 50,6 triệu USD, chiếm 10,4%; Hoa Kỳ 30,2 triệu USD, chiếm 6,2%.
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/hon-117-ty-usd-von-fdi-vao-viet-nam-trong-6-thang-cao-nhat-5-nam-qua-a221771.html