Kinh tế nhà nước không chỉ là hoạt động sản xuất – kinh doanh, mà còn là quyền lực điều phối một khối tài sản khổng lồ mà nhà nước đang nắm giữ.
Tuy nhiên, trong khi vai trò được khẳng định rõ, thì khái niệm về kinh tế nhà nước lại chưa đủ rõ, chưa được chuẩn hóa về nội hàm và phạm vi.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 66 và 68 của Bộ Chính trị (ngày 18/5/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư đã yêu cầu phải xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước, xem đây là một cấu phần quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển.
Muốn hiện thực hóa được tầm nhìn ấy, điều kiện tiên quyết là phải xác lập một khung khái niệm sáng rõ, chặt chẽ và không nhầm lẫn – làm nền tảng để định vị đúng vai trò, thiết kế thể chế phù hợp và vận hành hiệu quả trong thực tiễn.
Vì sao cần làm rõ khái niệm kinh tế nhà nước?
Trong thực tiễn Việt Nam, khái niệm "kinh tế nhà nước" thường bị lẫn lộn với các chức năng khác của Nhà nước như quản lý vĩ mô, phân bổ ngân sách hay cung cấp dịch vụ công. Điều này không chỉ gây méo mó về nhận thức mà còn dẫn đến sự chồng lấn về chức năng, xung đột lợi ích và suy giảm tính thị trường.
Thứ hai, việc đồng nhất hóa "Nhà nước làm chính sách" với "Nhà nước làm kinh tế" tạo ra một trạng thái: mọi lĩnh vực Nhà nước tham gia đều bị hiểu là kinh tế nhà nước, từ xây trường học đến trợ cấp y tế. Hệ quả là mở rộng không kiểm soát khu vực này, làm suy yếu khu vực tư nhân, tăng gánh nặng ngân sách và giảm động lực đổi mới.
Thứ ba, trong khi Đảng, Nhà nước đang khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân như một động lực phát triển, thì nếu khái niệm về kinh tế nhà nước không rõ ràng, không giới hạn hợp lý, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng "đường ai cũng đi", cuối cùng không có sân chơi thực sự bình đẳng cho ai cả.
Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải "hài hòa giữa các thành phần kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự", đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích đổi mới sáng tạo ở cả khu vực nhà nước và tư nhân. Muốn làm được điều đó, thì việc định danh chuẩn xác kinh tế nhà nước là điều kiện tiên quyết, để không mở rộng tùy tiện cũng như không lấn át những lực lượng năng động trong nền kinh tế.
Làm sáng tỏ khung khái niệm về kinh tế nhà nước
Trên cơ sở tổng hợp lý luận và kinh nghiệm quốc tế, người viết cho rằng có thể xác lập một khái niệm cơ bản như sau:
Kinh tế nhà nước là bộ phận của nền kinh tế mà ở đó Nhà nước trực tiếp sử dụng vốn, tài sản và nhân lực để đầu tư, sản xuất, kinh doanh với tư cách là một chủ thể thị trường nhằm tạo ra giá trị gia tăng và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời phải chịu rủi ro và kỷ luật thị trường như mọi chủ thể khác.Khái niệm này làm rõ 3 yếu tố cốt lõi:
1. Nhà nước là người chơi trên thị trường, chứ không phải trọng tài hay nhà ban hành chính sách;
2. Mục tiêu không chỉ là hiệu quả tài chính mà còn gắn với mục tiêu xã hội có thể định lượng;
3. Hoạt động phải tuân thủ luật chơi thị trường, không được bao cấp, không đặc quyền, đặc lợi.
Từ khái niệm này, có thể dễ dàng phân biệt kinh tế nhà nước với các chức năng phi thị trường của nhà nước, như:
- Cung cấp dịch vụ công: giáo dục công, y tế công, quốc phòng, an ninh... Đây là chức năng phân phối phúc lợi, không phải kinh tế nhà nước;
- Phân bổ ngân sách: theo địa bàn, lĩnh vực, chính sách xã hội… Đây là công cụ điều tiết vĩ mô;
- Quản lý kinh tế: hoạch định chính sách, điều tiết thị trường. Đây là vai trò nhà nước kiến tạo.
Phải xác lập một khung khái niệm sáng rõ, chặt chẽ và không nhầm lẫn về kinh tế nhà nước
Kinh tế nhà nước dưới góc độ sở hữu và điều phối tài sản quốc gia
Một điểm mới, cần được nhấn mạnh và bổ sung vào khung lý luận: kinh tế nhà nước không chỉ là hoạt động sản xuất – kinh doanh, mà còn là quyền lực điều phối một khối tài sản khổng lồ mà nhà nước đang nắm giữ.
Đó là: vốn, cổ phần chiến lược, đất đai công, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, dữ liệu lớn… Khi tập hợp lại, đây là bảng cân đối tài sản quốc gia có quy mô lớn nhất trong toàn nền kinh tế.
Nếu khối tài sản đó được vận hành bằng tư duy hành chính – xin cho – cục bộ, thì nó sẽ cản trở thị trường. Nhưng nếu được quản lý như một danh mục đầu tư chiến lược – có thể hoán chuyển, thu hồi, đặt hàng, hợp tác công – tư… thì nó trở thành đòn bẩy lớn cho đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển công nghệ cao và gia tăng năng suất toàn nền kinh tế.
Đây chính là lý do sâu xa để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo: không phải vì nó sản xuất nhiều nhất, mà vì nó giữ tài sản lớn nhất và có thể điều phối phát triển chiến lược tốt nhất – nếu được thể chế hóa đúng.
Khái niệm không rõ – vai trò chủ đạo khó thành hiện thực
Khi Hiến pháp khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đó không chỉ là một khẳng định chính trị – pháp lý, mà còn là một định hướng chiến lược cần được cụ thể hóa bằng thể chế, chính sách và thiết kế tổ chức phù hợp. Tuy nhiên, nếu khái niệm về kinh tế nhà nước vẫn chưa được xác lập một cách sáng tỏ, mạch lạc và có ranh giới phân định rõ ràng với các chức năng khác của nhà nước, thì vai trò chủ đạo ấy khó có thể thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, do khái niệm còn mơ hồ, kinh tế nhà nước thường bị hiểu sai hoặc bị đồng nhất với các chức năng điều tiết vĩ mô, phân bổ ngân sách hay cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, quốc phòng... Hệ quả là phạm vi của kinh tế nhà nước bị phình to về hình thức nhưng nội dung chiến lược thực chất lại chưa tương xứng; khu vực tư nhân thiếu không gian phát triển; cơ chế giám sát hiệu quả và đánh giá vai trò chủ đạo trở nên bất khả thi.
Chỉ khi nào kinh tế nhà nước được định nghĩa một cách chuẩn xác – tức là xác định rõ nhà nước là một chủ thể thị trường, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với mục tiêu tạo giá trị và chịu kỷ luật thị trường – thì khi đó mới có thể thiết kế các cơ chế thực thi vai trò chủ đạo một cách bài bản, minh bạch và hiệu quả. Vai trò chủ đạo khi ấy sẽ không còn tồn tại trên danh nghĩa, mà được thể hiện qua những yếu tố cụ thể:
1. Những lĩnh vực kinh tế mà nhà nước chủ động đầu tư để dẫn dắt;
2. Những tài sản công chiến lược được nhà nước nắm giữ, điều phối và sử dụng hiệu quả;
2. Những cơ chế thị trường mà kinh tế nhà nước phải tuân thủ để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng;
4. Và những công cụ thể chế để giám sát, đánh giá hiệu quả vận hành đúng với mục tiêu phát triển quốc gia.
Khái niệm đúng- điểm khởi đầu cho cải cách
Chỉ khi định nghĩa được ranh giới giữa kinh tế nhà nước với quản lý nhà nước, giữa hoạt động đầu tư sinh lợi với cung cấp phúc lợi công, giữa phân bổ hành chính với quản trị tài sản quốc gia, thì chúng ta mới có thể thiết kế lại thể chế một cách đúng đắn, hiệu lực và hiệu quả.
Xây dựng khái niệm là điểm khởi đầu của cải cách, là nền móng cho đổi mới tư duy, là cơ sở để tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước, khơi thông động lực thị trường và tạo dựng lại niềm tin giữa các thành phần kinh tế. Đó là điều kiện tiên quyết để vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không còn là một khẩu hiệu chính trị – mà trở thành một năng lực thực tế để kiến tạo phát triển.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể để dân tộc đánh mất cơ hội. Chúng ta không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử." Việc làm rõ khái niệm kinh tế nhà nước chính là một trong những khâu đột phá để thoát khỏi vòng xoáy đó và mở ra một chu kỳ phát triển mới bền vững hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/nhan-thuc-ro-ve-kinh-te-nha-nuoc-tu-khai-niem-toi-thuc-tien-a223935.html