Vắng gánh cá mưu sinh
Làng chài Mỹ Quang Nam (xã Tuy An Nam, tỉnh Đắk Lắk) nằm nép mình bên bãi biển dài cát trắng, nước trong xanh, là nơi mưu sinh bao đời của những người con miền biển. Mỗi buổi sáng sớm, khi bình minh vừa ló rạng, cả làng như bừng tỉnh trong sắc vàng rực rỡ của ánh mặt trời, tạo nên một khung cảnh yên bình đến lạ.
Cuộc sống của người dân nơi đây hòa quyện cùng nhịp thở của biển cả. Mỗi ngày, khi mặt trời còn chưa lên cao, những con thuyền đánh cá lại rẽ sóng ra khơi, mang theo bao kỳ vọng. Đến chiều muộn, họ trở về với khoang thuyền đầy ắp tôm cá, kịp giao cho thương lái. Cũng có những chuyến ra khơi bắt đầu từ 4 giờ chiều, để rồi lúc mờ sáng hôm sau, ngư dân lại trở về, mang theo cả sản vật của đại dương và niềm tin vào một ngày no đủ cho gia đình.
Biển động do ảnh hưởng bão số 3, hàng loạt tàu cá neo đậu gần bờ để đảm bảo an toàn.
Thế nhưng, những ngày này, làng chài Mỹ Quang Nam như chùng xuống bởi ảnh hưởng của bão số 3 Wipha. Gió lớn thổi mạnh, mang theo lớp bụi mặn từ biển khơi vào làng chài. Không còn cảnh tàu thuyền rộn ràng cập bến, việc mua bán cá cũng thưa thớt. Những con tàu đánh cá nằm im lìm, nép mình sát bờ, chờ ngày biển êm, sóng lặng.
Trên bờ biển, những người phụ nữ lặng lẽ ngồi nhìn ra khơi với ánh mắt phảng phất nỗi lo cơm áo thường ngày. Bà Nguyễn Thị Thục (61 tuổi, trú thôn Mỹ Quang Nam, xã Tuy An Nam) – người đã có gần 30 năm gắn bó với nghề gánh cá thuê - chia sẻ: "Ở vùng biển này không có nghề gì khác, nên phụ nữ chỉ biết bám vào công việc gánh cá để mưu sinh. Những ngày biển lặng, sáng sớm tôi có thể gánh được 10 đến 20 gánh cá, mỗi gánh nặng khoảng 40kg, với giá 10.000 đồng/gánh. Có ngày rủng rỉnh vài trăm ngàn, nhưng cũng có khi chỉ được 10.000 – 20.000 đồng vì tàu cập bến mà cá ít ỏi".
Nhiều thương lái và những người phụ nữ gánh cá thuê ngồi trông tàu cá cập bến.
Dừng lại trong giây lát, bà Thục trầm giọng: "Dù vậy, tôi vẫn làm đến khi nào chân không đi nổi nữa mới thôi. Bởi ở nhà cũng chẳng biết lấy gì mà lo cho sinh hoạt của gia đình, con cái ăn học...".
Theo người dân địa phương, để đảm bảo an toàn trước ảnh hưởng của bão số 3, mấy ngày nay, phần lớn tàu cá đều neo đậu sát bờ, không thể ra khơi như thường lệ. Một vài tàu nhỏ đánh bắt gần bờ nhưng sản lượng cá thu về không đáng là bao.
Dẫu vậy, nhiều phụ nữ ở làng chài vẫn đều đặn thức dậy từ 4–5 giờ sáng, ra bờ biển ngồi chờ với hy vọng có tàu về, có cá để gánh thuê. Nhưng suốt buổi sáng, bà Nguyễn Thị Tốt (cùng trú tại xã Tuy An Nam) chỉ thấy lác đác một hai tàu quay về với vài rổ cá ít ỏi. "Biển động rồi, cá đâu mà bắt. Thương lái cũng đành ngồi đợi rồi về không", bà Tốt nói.
Những rổ cá, mực ít ỏi được ngư dân đánh bắt gần bờ đưa vào.
Gắn bó với nghề đánh bắt cá giữa biển khơi hơn 10 năm nay, anh Trần Văn Ánh (trú cùng xã) chia sẻ: "Việc đánh bắt cá ngoài khơi đều phụ thuộc vào thời tiết. Mấy hôm nay, do gió lớn, biển động nên các ngư dân đều neo tàu gần bờ. Mỗi ngày nghỉ biển là một ngày mất thu nhập, nhưng mạng người vẫn là trên hết, nên đành chấp nhận 'nằm im chờ bão qua' mới điều khiển tàu rẽ sóng vươn khơi để mưu sinh".
Thương lái chia nhau mua những rổ cá ít ỏi ngày biển động.
Do hầu hết tàu thuyền đều tạm ngừng đánh bắt nên lượng cá thu hoạch mỗi ngày chẳng đáng là bao.
Sau nhiều tiếng chờ đợi không thấy tàu cá vào, người phụ nữ gánh cá thuê lặng lẽ ra về.
Những chiếc thuyền thúng được ngư dân đưa lên bờ.
Sau khi mua được một số cá ít ỏi, thương lái vận chuyển về các chợ để bán.
Chủ động tránh bão để đảm bảo tài sản và tính mạng
Không chỉ các làng chài vắng lặng, lượng cá tại các khu chợ truyền thống cũng giảm rõ rệt trong những ngày biển động. Đại diện Ban quản lý chợ Hầm Nước (phường Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk), chị Đào Minh Tâm, thông tin: "Chợ Hầm Nước nổi tiếng là chợ bán cá tươi nhất ở địa phương do gần cảng. Những ngày bình thường, chợ Hầm Nước tấp nập lắm, vì nguồn cá tươi đổ về mỗi ngày từ các cảng Đông Tác, Vũng Rô. Nhưng từ hôm biển động do ảnh hưởng của bão số 3, tàu thuyền nằm bờ, ghe nhỏ thì không dám ra khơi, cá về chợ giảm hẳn".
Theo chị Tâm, lượng cá những ngày qua tại chợ sụt giảm khoảng 50%. "Cá bán tại chợ mấy ngày nay chủ yếu là do ngư dân tranh thủ thả lưới gần bờ bắt được. Loại cá cũng không phong phú như những ngày thường, chủ yếu là cá ngừ nhỏ, cá cơm, cá nục... Giá nhiều loại cá cũng tăng nhẹ từ 10-20%", chị Tâm cho biết thêm.
Lượng cá tại các chợ truyền thống giảm đáng kể trong những ngày biển động.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tuy An Nam, cho biết, trên địa có 2 làng chài Mỹ Quang Nam và Mỹ Quang Bắc. Toàn xã có 202 tàu đánh bắt cá. Trong đó, làng chài Mỹ Quang Nam phát triển rất tốt, ngoài việc đánh bắt xa bờ, bà con còn đi đánh lưới, câu để mưu sinh.
Những con cá tươi ngon được bày bán tại các chợ.
Do lượng cá giảm nên giá các loại cá tại chợ Hầm Nước tăng từ 10-20%.
Những lát cá tươi rói được thương lái cắt nhỏ ra để bán.
Để đảm bảo an toàn cho các ngư dân, chính quyền địa phương đã phối hợp với Bộ đội biên phòng thông tin cho bà con. Nếu bà con đang đánh bắt ngoài khơi thì tìm nơi tránh, trú bão an toàn. Nếu bà con chưa đi thì neo đậu tại nơi an toàn để chủ động phòng tránh bão, đảm bảo tài sản và tính mạng. Do đó, những ngày này, hầu hết bà con đều neo tàu thuyền lại trong bờ, không đi ra khơi được. Chỉ có một số tàu nhỏ đánh bắt, thả lưới hoặc câu gần bờ để cung cấp cá cho các chợ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://www.dulichgiaitri.vn/lang-chai-o-dak-lak-giua-nhung-ngay-bien-dong-a224249.html