Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã âm thầm gia hạn các lệnh trừng phạt đáng kể của chính quyền tiền nhiệm nhắm vào các ngân hàng và lĩnh vực năng lượng của Nga, chỉ vài ngày trước khi gói này hết hạn, trang Kyiv Post đưa tin.
Một quan chức cấp cao khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với Kyiv Post rằng chính quyền hiện tại chưa dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Moscow kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.
Vào ngày 27/6, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành một văn bản gọi là "Giấy phép Chung số 115B" liệt kê 13 ngân hàng lớn nhất của Nga bị trừng phạt và nêu chi tiết các điều khoản miễn trừ đối với các giao dịch liên quan đến năng lượng hạt nhân dân sự, và có hiệu lực đến ngày 19/12.
Vào ngày 10/1, chỉ vài ngày trước khi rời nhiệm sở, chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp toàn diện nhắm vào một số công ty Nga, chẳng hạn như Gazprom Neft, Surgutneftegas và các công ty khác đang thăm dò, sản xuất và xuất khẩu dầu Nga.
Khi đó, các trợ lý của ông Biden đã thông báo tóm tắt cho các trợ lý của ông Trump về các lệnh trừng phạt của họ, đưa ra lập luận rằng động thái này sẽ tạo đòn bẩy cho Nhà Trắng để đạt được thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.

Ông Donald Trump và ông Joe Biden gặp nhau trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Washington, DC, Mỹ, ngày 13/11/2024. Ảnh: Al Jazeera
Việc OFAC ban hành "Giấy phép Chung số 115B" – nhằm gia hạn các lệnh trừng phạt từ thời ông Biden thêm 6 tháng nữa – đã gây ra những đồn đoán rằng Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước đây hạn chế việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II do Nga thực hiện tại Hungary.
Các miễn trừ được nêu trong văn bản của OFAC – bao gồm miễn trừ dành cho Ngân hàng Trung ương Nga – áp dụng cho năng lượng hạt nhân dân sự nói chung, chứ không đề cập cụ thể đến dự án Paks II.
"Không có lệnh trừng phạt nào liên quan đến Nga được chính quyền Trump dỡ bỏ, chấm hết!", một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nói với phóng viên của Kyiv Post tại Washington, DC.
Khi nói đến giấy phép mới nhất của OFAC, "đây không phải là việc dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào – nó chỉ đơn giản là gia hạn một văn bản đã có trước đó", ông Brad Brooks-Rubin, cựu cố vấn cấp cao tại Văn phòng Điều phối Trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2022 đến năm 2024, giải thích.
"Rõ ràng là nếu chính quyền Trump để văn bản này (văn bản thời ông Biden) hết hạn, thì đó sẽ là một sự đảo ngược đáng kể", ông Brooks-Rubin, hiện là đối tác tại Arktouros, một công ty luật chuyên về các lệnh trừng phạt, chống rửa tiền và tư vấn về quy định, nói với Kyiv Post.
Đối với các nhà phân tích hỗ trợ an ninh như ông Colby Badhwar từ Tochnyi, một nhóm nghiên cứu, thông báo mới nhất của OFAC là "một hành động thường lệ".
"Văn bản trước đó sẽ hết hạn vào ngày 30/6, nên chính quyền phải đưa ra quyết định gia hạn hay để văn bản hết hạn, và gia hạn là quyết định dễ dàng nhất", ông Badhwar nói với Kyiv Post.
"Đây cũng là một ví dụ khác cho thấy tính liên tục trong chính sách giữa chính quyền Biden và chính quyền Trump cao hơn so với những gì người ta thường nghĩ", ông Badhwar nói thêm.
Trước đó, hồi tháng 4, ông Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp gia các hạn lệnh trừng phạt đối với Nga trong 1 năm, ban đầu được ông Biden áp đặt vào tháng 4/2021.
Khi nói đến những tác động của việc gia hạn lệnh trừng phạt mới nhất, ông Brooks-Rubin giải thích với Kyiv Post rằng điều này phản ánh cách tiếp cận thận trọng của chính quyền hiện tại, giữ các lựa chọn mở mà không áp đặt các hạn chế đáng kể mới.
"Họ đang xem các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu… Họ không đưa ra bất kỳ điều gì mới. Đây chỉ là một dấu hiệu cho thấy họ vẫn tiếp tục giữ các lựa chọn mở", ông Brooks-Rubin nói.
Ông nhấn mạnh rằng quyết định của chính quyền Trump về gia hạn các lệnh trừng phạt từ thời ông Biden chỉ có hiệu lực trong 6 tháng. "Các lệnh trừng phạt vừa được gia hạn sẽ lại hết hạn vào ngày 19/12 năm nay, vì vậy họ sẽ dành phần còn lại của năm để quyết định phải làm gì", vị chuyên gia kết luận.
Minh Đức (Theo Kyiv Post, WNN)