25 năm chứng khoán Việt Nam: Động lực mới dòng vốn

Admin
(Chinhphu.vn) - Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt vốn hóa 60-70% GDP, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng. Tuy nhiên, để có “lực đẩy dòng vốn mới” cần có 3 trụ cột then chốt, đồng bộ: Cải cách pháp lý, nâng hạng thị trường và khai thác hiệu quả cả vốn trong nước lẫn quốc tế.
25 năm chứng khoán Việt Nam: Động lực mới dòng vốn- Ảnh 1.

Tọa đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" - Ảnh: VGP/HT

Pháp lý và hạ tầng: Nền tảng cho một tầm cao mới

Phát biểu tại tọa đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, sau một phần tư thế kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã xây dựng được hành lang pháp lý và hệ thống thành viên đủ tiềm lực tài chính, năng lực chuyên môn. Từ vài trăm nhà đầu tư ban đầu, thị trường hiện có gần 10 triệu tài khoản, bao gồm cả trong và ngoài nước. Vốn hóa thị trường đạt hơn 60% GDP, có giai đoạn lên tới 70%, thể hiện vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Hạ tầng công nghệ cũng liên tục được đầu tư. Hệ thống công nghệ thông tin KRX vừa vận hành đã giúp khắc phục tình trạng quá tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng. Cùng với đội ngũ quản lý thị trường chuyên nghiệp và hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán vận hành trơn tru, thị trường đã hoạt động an toàn, hiệu quả. Thứ trưởng nhấn mạnh, thị trường chứng khoán không chỉ là "hàn thử biểu" của nền kinh tế mà còn là kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng quốc gia.

Để thị trường bứt phá, ông yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát kỹ Luật Chứng khoán 2019, dự thảo sửa đổi năm 2024 và các nghị định hướng dẫn, xác định rõ những điểm nghẽn pháp lý cần sửa đổi. Đồng thời, cần bàn giải pháp nâng cao chất lượng và quy mô hàng hóa, kể cả việc xem xét cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết. Ông cũng đề nghị làm rõ chiến lược tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức, đồng thời đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhà đầu tư cá nhân để tạo sự cân bằng, ổn định.

25 năm chứng khoán Việt Nam: Động lực mới dòng vốn- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Nâng hạng và phát triển nhà đầu tư: Thách thức và cơ hội

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dù là thị trường "non trẻ" so với các nước ASEAN, Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến. Tuần qua, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, vượt cả Thái Lan. "Các tiêu chí cứng để nâng hạng lên thị trường mới nổi chúng ta đã đáp ứng, nhưng tiêu chí mềm như trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài, sự minh bạch và khả năng tiếp cận còn cần tiếp tục cải thiện" ông Hải nói.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước duy trì trao đổi với các nhà đầu tư quốc tế và quỹ lớn để tiếp nhận phản hồi. Đa số đánh giá tích cực về khung pháp lý và sự phát triển của thị trường. 

Ông Bùi Hoàng Hải chia sẻ thêm, dự thảo Đề án phát triển nhà đầu tư tổ chức sắp trình Bộ Tài chính, có thể ngay trong tháng này, đã đưa ra nhiều giải pháp, từ đào tạo nhà đầu tư chuyển từ "lướt sóng" sang đầu tư dài hạn, đến đa dạng hóa sản phẩm quỹ nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ rà soát, điều chỉnh hạn mức đầu tư với từng loại hình để tháo gỡ rào cản cho các công ty quản lý quỹ.

Hạ tầng, cải cách và dòng vốn: 3 động lực cho giai đoạn mới

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), chia sẻ rằng hành trình 25 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam gắn với nhiều dấu ấn, từ khi chỉ có 2 cổ phiếu, đến giai đoạn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, vượt qua khủng hoảng tài chính 2008, bùng nổ giao dịch trực tuyến trong đại dịch COVID-19. Hiện, HOSE có 390 doanh nghiệp niêm yết, với vốn hóa hơn 3 triệu tỷ đồng, đại diện cho nhiều ngành kinh tế chủ chốt. Hệ thống KRX mới là nền tảng giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm tài chính mới ra thị trường và cải thiện trải nghiệm giao dịch.

Các chuyên gia quỹ đầu tư như bà Trịnh Quỳnh Giao (Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ PVI - PVI AM) và ông Nguyễn Phan Dũng (Công ty quản lý quỹ thuộc CTCP Chứng khoán SSI- SSIAM) cho rằng, để thúc đẩy dòng vốn, cần chú trọng cả vốn nội và vốn ngoại. Với vốn ngoại, nâng hạng thị trường và cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ giảm chi phí vay và thu hút dòng vốn dài hạn. Với vốn nội, quan trọng nhất là "khơi thông" hơn là "thu hút". Việt Nam có hơn 76 triệu tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và lượng lớn tài sản vàng, số, nhưng dòng vốn này chưa chảy mạnh vào sản xuất, đầu tư. Bà Giao nhấn mạnh: "Nếu được dẫn dắt bởi các quỹ chuyên nghiệp, nguồn lực trong dân sẽ được sử dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng dài hạn".

Ông Nguyễn Phan Dũng bổ sung, chính sách thuế sẽ là công cụ định hướng quan trọng. Nhiều nước miễn hoặc giảm thuế cho đầu tư dài hạn qua các quỹ chuyên nghiệp, tạo cú hích lớn cho thị trường. Nếu Việt Nam áp dụng tương tự, sức hút của thị trường vốn sẽ gia tăng đáng kể với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ở tầm vĩ mô, bà Đặng Nguyệt Minh (quỹ Dragon Capital) nhận định, mục tiêu 2030 của Chính phủ – tăng trưởng kinh tế trên 10% và quy mô thị trường chứng khoán đạt 120% GDP – chỉ khả thi nếu cải cách tài chính song song với đầu tư hạ tầng và công nghệ. Bà Minh tin tưởng, với quyết tâm chính sách hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9 tới và thậm chí đạt chuẩn MSCI trong vòng 18-24 tháng tiếp theo.

Anh Minh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản lớn nhất ASEANThị trường chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản lớn nhất ASEAN
Tham khảo thêm
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Hành trình xây dựng niềm tinNâng hạng thị trường chứng khoán: Hành trình xây dựng niềm tin