Anh nông dân say mê nuôi "bầy sâu" nào ngờ nhẹ nhàng đút túi 1,5 tỷ đồng

Admin
Chỉ nuôi độc một loài "ăn xong lại nằm" trong nhà, anh nông dân ở Lâm Đồng "đút túi" 1,5 tỷ/năm. Nghe vậy, ai cũng muốn học học hỏi mô hình này.

Anh Phạm Đức Tuyền ở Lâm Đồng nuôi 20 hộp tằm, xuất bán khoảng hơn 1 tấn kén. Đáng chú ý sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình thu về hơn 130 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy gia đình anh nhẹ nhàng có doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Tiết lộ với Dân Việt về nghề trồng dâu nuôi tằm Tuyền kể: “Ban đầu khó khăn, vốn trong tay ít ỏi, chỉ dựa vào mấy sào ruộng trồng dâu của bố mẹ, không bằng lòng với cuộc sống chỉ đủ ăn, với sức trẻ cùng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình nên tôi mạnh dạn vay thêm vốn mua thêm đất sản xuất, tìm mua giống tằm về nuôi nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Đời sống - Anh nông dân say mê nuôi 'bầy sâu' nào ngờ nhẹ nhàng đút túi 1,5 tỷ đồng

Gia đình anh Tuyền kiếm tiền tỷ nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Chia sẻ về nghề giúp gia đình anh dễ dàng kiếm tiền tỷ, anh Tuyền cho biết, nghề nuôi tằm gắn liền với gia đình anh khoảng 20 năm nay, ngày xưa nuôi tằm vất vả đòi hỏi sự chăm chút chu đáo của người nuôi. Hiện nay, nghề nuôi tằm nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên người chăn nuôi nhàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nghề đòi hỏi nông dân phải nắm được đặc tính của tằm để có cách chăm sóc phù hợp.

Muốn làm giàu bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, anh Tuyền tiết lộ: nuôi tằm đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, kỹ thuật cao để quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén. Cụ thể, sau mỗi lần thu hoạch kén, cần vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ sạch sẽ.

Do đó, sau khi nhập tằm giống về (tằm tuổi 3) phải cho ra nong (khoảng 3-4 nong/hộp tằm giống). Trước đó, nong đã được khử trùng, chùi rửa sạch sẽ, đây cũng là cách phòng bệnh cho tằm. Thời gian này, tằm còn nhỏ nên lá dâu được cắt thành sợi nhỏ trước khi cho tằm ăn.

Đặc biệt để đạt năng suất cao, nhà nuôi tằm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, có cửa để không khí lưu thông, phủ kín mùng tránh ruồi, nhặng, côn trùng bay vào. Khi tằm ăn hết dâu trong nong thì tiếp tục cho ăn (ngày khoảng 4 lần). Tằm sang tuổi 4 được 2 ngày thì chuyển từ nong lên khay tằm.

Một lưu ý quan trọng nữa là tằm được rải đều lên khay với mật độ vừa phải, để tiết kiệm diện tích, người nuôi làm nhiều khay với độ cao khác nhau, đồng thời, thiết kế có bánh trượt ra vào, để tiện cho tằm ăn. Khi tằm chín đều thì bắt bỏ lên né gỗ một con; khoảng 3 ngày sau đem kén ra phơi cho lên độ óng đẹp rồi đưa vào khuôn dập và thu hoạch kén. Như vậy, một chu kỳ nuôi tằm kéo dài từ 15 - 16 ngày.

Nhờ chăm chỉ và ham học hỏi, gia đình anh Tuyền có khoảng 2,9 ha trồng cây dâu cao sản, nhờ chăm sóc tốt có dâu lá liên tục, anh Tuyền nuôi xoay vòng, trung bình mỗi tháng, anh nuôi khoảng 20 hộp tằm, trừ chi phí nhân công mỗi lứa tằm cho thu lãi 130 triệu đồng/tháng, như vậy thu nhập bình quân hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Anh Tuyền trở thành "tỷ phú" nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của gia đình. Nhận thấy nghề này dễ kiếm tiền, anh Tuyền đang tiếp tục mở rộng diện tích sàn nuôi tằm lên 270 m2 và trồng thêm khoảng 1 ha dâu lai.

Với hiệu quả mang lại từ mô hình trồng dâu nuôi tằm, anh nông dân này đang từng bước tái cơ cấu cây trồng ngày một hiệu quả, nhiều gia đình có thu nhập cao. Anh Tuyền đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) Trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Lạc. Tổ hợp tác có khoảng 40 thành viên với diện tích 20 ha dâu cao sản, đây là nơi các thành viên trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm, đổi dâu lá, liên kết thu mua kén giá tốt.

Đời sống - Anh nông dân say mê nuôi 'bầy sâu' nào ngờ nhẹ nhàng đút túi 1,5 tỷ đồng (Hình 2).

Khởi nghiệp bằng nghề trồng dâu nuôi tằm nhiều gia đình có thu nhập cao.

Thông tin trên báo Nhân Dân để phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa Việt Nam, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đầu tư có trọng điểm vào vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm lấy tơ và công nghệ sản xuất vải lụa, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến tơ tằm tiên tiến. Đặc biệt, xây dựng liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ và chuyển giao công nghệ trong chuỗi. Trên cơ sở đó, các tỉnh có vùng nguyên liệu sản xuất tơ tằm hiện có cần tập trung xây dựng các mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tơ tằm. Từ đó, bảo đảm sự ổn định, đủ nguyên liệu tơ tằm cho sản xuất lụa và xuất khẩu. Cùng với đó, cần xây dựng thương hiệu tơ lụa Việt Nam, tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với du lịch…

Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dâu tằm đạt hiệu quả cao

Cách trồng cây dâu tằm

- Trồng bằng cây con: Thời vụ có thể trồng kéo quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng vào vụ xuân (tháng 2 - 4) và vụ thu (tháng 7 - 9).

- Trồng bằng hom: Thời vụ trồng dâu bằng hom tốt nhất vào trung tuần tháng 12 đến tháng 1 năm sau, vì đây là thời điểm cây ngủ đông, nên hom giống có chất lượng tốt nhất, khi trồng xong có mưa xuân rất thuận lợi cho dâu nảy mầm, tỉ lệ sống cao.

Cách chọn giống dâu tằm

- Chọn giống: Nên chọn các giống dâu địa phương như Dâu bầu, Hà Bắc, Quang Biểu, Dâu Đa, Dâu Gỗ...

+ Đối với cây giống: Tuổi cây trong vườn ươm 60 - 70 ngày trở lên, chiều cao cây trên 30cm, đường kính thân từ 0,2cm trở lên, không bị sâu bệnh, không lẫn giống.

+ Đối với hom giống: Hom được lấy ở cành từ 8 - 12 tháng tuổi, không sâu bệnh, không lẫn gống, đường kính cành từ 0,6 - 1cm, hom dài 20 - 30cm, có từ 3 mắt trở lên.

Cách làm đất, làm đất và bón phân lót:

- Về chọn đất: Dâu là cây lâu năm, có thể thu hoạch từ 15 - 20 năm, do vậy cần thiết kế lô thửa cho phù hợp với việc chăm sóc, thu hái và vận chuyển sau này và nên chọn những chân đất bằng thoát nước, không bị ngập úng hoặc vùng đồi có độ dốc nhỏ hơn 150, đất tơi xốp, có tầng đất canh tác dầy ít nhất 0,7m, độ pH từ 5,5 - 6,5.

- Về làm đất: Trước khi trồng 25 - 30 ngày cày, cuốc cho đất tơi xốp ở độ sâu từ 25 - 30cm sau đó gom sạch đá sỏi, rễ cây, cỏ dại và đào rãnh, rạch hàng với kích thước sâu, rộng từ 0,3 - 0,4m; Khoảng cách giữa các hàng là 1,2m. Sau đó tiến hành bón phân lót đầy đủ và lấp kín đất.

- Cách bón lót: 25 - 30 tấn phân chuồng hoai + 800 kg lân + 270 kg kali/ha, nếu đất chua bón thêm 1 tấn vôi.

Mật độ trồng: Hàng x hàng 1,1 - 1,2 m; Cây x cây 0,3 m (khoảng 28 - 30 vạn cây/ha). Tùy thuộc loại đất, phương thức canh tác và điều kiện thâm canh để xác định mật độ trồng phù hợp.

- Tưới nước: Sau khi trồng xong phải tưới nước cho chặt gốc, giữ đủ ẩm cho cây để phục hồi bộ rễ (nếu trồng bằng cây) và ra rễ nhanh (nếu trồng hom), cứ 3 - 4 ngày tưới 1 lần cho đến khi mầm dâu phát triển được 10 - 15 cm.

Cách thu hoạch lá dâu tằm

Theo khuyến nông tỉnh Yên Bái sau khi trồng 4 - 5 tháng (với trồng bằng cây) hoặc 6 đến 7 tháng (với trồng hom) có thể thu hoạch lá theo nguyên tắc: “Khai thác là phụ, bồi dưỡng cây là chính”. Khi cây dâu sinh trưởng đạt chiều cao 1 mét trở lên có thể khai thác từ 30 - 40% lượng lá có trên cây. Tuyệt đối không khai thác lá khi cây còn nhỏ. Tỉa để mỗi gốc từ 2 - 3 thân chính, thường xuyên tỉa cành cấp 2.

Trúc Chi (t/h)