Áp lực vô hình

Admin
Sáng nay, tôi thấy một bài báo đưa tin về việc 3 bác sĩ và 2 điều dưỡng bị đình chỉ trong sự việc ở BV Đa khoa Nam Định mà thấy lòng chùng xuống, muốn chia sẻ với các bạn một vài điều.

Đó là khi tôi còn học Y6, ở lầu 7B3 khoa Tim mạch Chợ Rẫy. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được chỉ định đặt stent mạch vành, thời đó, 1 stent giá khoảng 20 triệu đồng và bệnh nhân này cần đặt 2 stent. Tôi thấy anh bác sĩ có giải thích và người nhà nói chỉ đủ 20 triệu đóng trước và hứa sẽ đóng đủ, giờ phải cấp cứu cho bác trai gấp. Các bác sĩ đã tiến hành đặt stent và đêm đó... bệnh nhân trốn viện. Theo nguyên tắc thì bác sĩ và các điều dưỡng đêm trực đó phải trả viện phí mà bệnh nhân trốn viện. Tôi chỉ nghe một bác sĩ thở dài và nói: "Chịu thôi em", rồi các anh lại tiếp tục khám bệnh. Đó cũng là lý do vì sao ngày xưa ở các khoa, anh chị hộ lý hay khóa cửa khoa là vậy.

Tiếp đó là khi tôi đi làm ở bệnh viện, một bệnh nhi nhập viện vào cuối tuần tình trạng suy hô hấp nặng, nằm phòng cấp cứu, điều trị tích cực thở oxy khoảng 3 ngày thì ra phòng ngoài, gia đình bé yêu cầu nằm phòng đặc biệt và dịch vụ tốt nhất... được 5 ngày thì nghe chị điều dưỡng trưởng báo rằng bệnh nhi đã trốn viện. Lúc đó, tôi phải liên hệ nhiều nơi để có thể chi trả cho khoản viện phí của bệnh nhi ấy. Cũng may mắn là bệnh viện có phòng ban hỗ trợ được khoản trốn viện này... Nếu như theo đúng quy định bác sĩ phải chịu trách nhiệm nếu bệnh nhân trốn viện thì khoảng tiền đó tôi và các bạn điều dưỡng phải là người trả nếu bảo hiểm không đồng ý chi trả. Và để được bảo hiểm chi trả cho việc trốn viện là 1 câu chuyện hoàn toàn khác, toàn thủ tục, giấy tờ, biên bản... rồi lãnh đạo khoa phòng và bệnh viện phải ký, nhưng chẳng ai muốn làm những việc này.

Áp lực vô hình- Ảnh 1.

Có thể đây là lỗi trong giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh (Ảnh cắt từ clip)

Có một sự thật tôi muốn chia sẻ với bố mẹ và các bạn ngoài ngành Y rằng chuyện bác sĩ, điều dưỡng... bị trừ lương khi bệnh nhân trốn viện đã có từ rất lâu trước đây rồi, ai cũng có thể tìm thấy những bài báo như vậy. Nên ai trong bệnh viện cũng lo sợ ảnh hưởng gia đình mình và thường làm rất đúng các quy trình, quy định của bệnh viện, Bộ Y Tế... đưa ra.

Bản thân tôi không đứng về phía ai trong sự việc ở BV Đa khoa Nam Định vì có thể đây là lỗi trong giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, cũng có thể là cách truyền đạt không phù hợp nên đẩy cảm xúc của người dân lên cao trào... Chúng ta vẫn nên chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra nhưng câu chuyện này sẽ để lại những hệ lụy lâu dài về sau. Dù là gì, tôi vẫn thấy buồn lắm, buồn cho cả nhân viên y tế và người bệnh.

Tôi nhận ra rằng: "Khi mà mọi người phản ứng dữ dội như vậy nghĩa là niềm tin của mọi người vào ngành Y đã giảm đi rất nhiều". Khi mà 3 bác sĩ và 2 điều dưỡng bị đình chỉ để điều tra, nó sẽ gây ra một tổn thương tinh thần trong những đồng nghiệp và sẽ đi theo họ đến cuối đời. Bệnh nhi và gia đình cũng sẽ có một vết xước trong nhận thức của họ về ngành Y... Xã hội lại tiếp tục mất niềm tin và đi tìm những bài thuốc dân gian hay tin theo những bài viết của hội thuận tự nhiên chứ không còn tin vào bác sĩ nữa.

Là một bác sĩ, tôi chỉ mong mỗi ngày tới bệnh viện khám bệnh, làm đúng chuyên môn và ra về sống cuộc sống bình thường. Có những việc không phải chuyên môn nhưng bác sĩ vẫn phải làm, vẫn phải tham gia và đôi khi đó lại chính là những áp lực vô hình đặt lên vai người bác sĩ vì đó là điều bác sĩ không được đào tạo để làm.

Câu chuyện sẽ rõ trong thời gian tới, nhưng tôi hy vọng rằng có những chính sách thay đổi phù hợp để bác sĩ và nhân viên y tế có thể tập trung vào chuyên môn cao nhất để cứu chữa, không lo sợ những chuyện như bệnh nhân trốn viện, đ.á.n.h bác sĩ, điều dưỡng lúc đang cấp cứu... Tôi cũng hy vọng rằng điều kiện y tế chúng ta cải thiện hơn để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hy vọng rằng mọi người luôn nhẹ nhàng, tử tế và điềm đạm trong giao tiếp để tránh đưa mọi việc đi quá xa.

BS. Nguyễn Thanh Sang (Bác sĩ Nhi Khoa, TP Hồ Chí Minh)