Bài toán của Bộ trưởng Lê Minh Hoan "10 triệu nông dân và 10 triệu thửa đất"

Admin
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định để giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản phải nhìn vấn đề rộng ra ở góc độ cung và cầu, góc độ là tư duy sản xuất và tư duy thị trường.

Ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên của Chính phủ.

Tham gia làm rõ thêm về tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: nông sản không như sản phẩm công nghiệp, tức là khi thị trường “tắc” thì doanh nghiệp có đưa sản phẩm lưu kho chờ cơ hội, mà nông sản có chu kỳ thu hoạch và dù tình trạng như thế nào cũng phải tiêu thụ. Đó là điều khó nhất cho câu chuyện của nông sản.

“10 triệu hộ nông dân sản xuất với 10 triệu thửa đất, một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thì để kiểm soát, để tổ chức lại, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không phải ngày một ngày hai,” Bộ trưởng đặt vấn đề.

Dẫn chứng từ câu chuyện phải phân biệt “sản phẩm” và “thương phẩm”, hiện nông dân Việt Nam chỉ tạo ra một sản phẩm theo sản lượng ở các địa phương từ thanh long, xoài, hay trồng lúa, nuôi cá, trồng cây ăn quả… đó mới chỉ là sản phẩm, là cái mà chúng ta có thể tạo ra.

Nhưng bán sản phẩm đó thì chưa tạo ra giá cả, thậm chí là chưa tạo ra giá trị nếu nó chưa được “nhào nặn” thành một thương phẩm. Tức là thương phẩm phải đưa đến được thị trường trong nước hay ngoài nước, thương phẩm đó đòi hỏi những yêu cầu, những tiêu chuẩn hóa của những thị trường về giá trị, về mặt thời điểm và kể cả sự cạnh tranh của những quốc gia khác cùng một lúc khi đi vào một thị trường thứ ba.

Tiêu điểm - Bài toán của Bộ trưởng Lê Minh Hoan '10 triệu nông dân và 10 triệu thửa đất'

Tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định với một nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát rất khó để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. 

Để giải "bài toán" này, ông Hoan cho cho rằng liên quan tới cả một hệ thống từ trên xuống dưới, chứ không phải chỉ riêng là trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì câu chuyện sản xuất hàng ngày, hàng giờ, diễn biến thị trường mùa vụ… là câu chuyện của cả hệ thống cùng với chính quyền địa phương.

Bộ trưởng cho rằng việc thành công của Sơn La hay Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên trong thời gian vừa qua là nhờ có sự sâu sát của các lãnh đạo địa phương đối với nông sản.

Trong chiến lược sắp tới, ngành nông nghiệp chuẩn bị để điều phối ngành hàng nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long và ở Tây Nguyên, để làm sao minh bạch được, nắm rõ được thông tin, không mù mờ thông tin ở đầu cung, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa hoàn toàn nắm được đầy đủ thông tin. Đây là vấn đề rất khó mà đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhất là chính quyền địa phương.

Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, để tổ chức lại sản xuất hướng tới phát triển bền vững thì phải có ba yếu tố.

Thứ nhất, phải tổ chức lại được sản xuất với thực trạng là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì không cách nào khác là phát triển kinh tế tập thể, để liên kết các đầu mối lại, thông qua hợp tác xã, mọi thông tin truyền thông, định hướng, phổ biến chính sách…trực tiếp hơn. Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đồng thời là trách nhiệm của địa phương.

Thứ hai, phải tổ chức lại ngành hàng. Bởi vì mỗi ngành hàng không chỉ có ở một địa phương, vì vậy chúng ta phải tổ chức lại mỗi ngành hành, đưa nó vào một quỹ đạo thông qua các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp, hình thành những liên minh để chúng ta cùng kiến giải ra những khuyến nghị, định hướng chiến lược chứ không thể là tư duy mùa vụ nữa.

“Chúng ta không thể nào xây dựng thương hiệu nông sản khi tất cả không vào cuộc, từ hiệp hội ngành hàng tới người nông dân, quyết tâm đưa hình ảnh đẹp về nông sản của chúng ta tới các thị trường trên thế giới. Mặc dù đây không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhưng chúng ta phải đi rồi thì mới có đến.

Để chuyển từ tư duy sản xuất, xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một hành trình thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy của hiệp hội ngành hàng, của doanh nghiệp, của người nông dân mà trách nhiệm trực tiếp là chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cung cấp những chiến lược chung, định hướng và tuyên truyền những chuẩn mực của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Thứ ba, về giá cả vật tư đầu vào và kéo giá đầu ra. Đây là câu chuyện canh cánh bên lòng của đại biểu Quốc hội và là thực trạng chúng ta phải đối mặt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương thì cũng đã có rất nhiều phiên làm việc để làm sao cân bằng được nguồn nguyên vật liệu chính cho nông nghiệp, nhưng thị trường thế giới cũng có độ trễ nhất định, không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác thì gần đây có rất nhiều người nông dân ở Gia Lai, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phúc… thay vì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì đã dùng phân hữu cơ. Đây vừa là một giải pháp trước mắt mà cũng là định hướng lâu dài để chúng ra bớt lệ thuộc, chuyển từ nền nông nghiệp thâm dụng phân, thuốc hóa học sang nền nông nghiệp hữu cơ hóa, nền nông nghiệp sinh thái.