
Bàn giao tài sản công sau sắp xếp: Rõ ràng, trách nhiệm, không để thất thoát
Tài sản công được xử lý ra sao khi địa phương sáp nhập, chia tách?
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, ngày 15/5/2025, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 6606/BTC-QLCS. Công văn này hướng dẫn cụ thể về việc kiểm kê, bàn giao và tiếp nhận tài sản công, một khâu trọng yếu nhằm đảm bảo hoạt động bộ máy nhà nước không bị gián đoạn sau khi thay đổi địa giới hành chính.
Theo đó, Bộ Tài chính xác định 3 nhóm tài sản cần đặc biệt quan tâm: tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.
Trước hết, tất cả cơ quan, tổ chức thuộc diện sắp xếp phải tiến hành kiểm kê đầy đủ tài sản mình đang quản lý hoặc tạm quản lý. Danh mục này sẽ là cơ sở để lập biên bản bàn giao, trong đó nêu rõ thành phần tham gia, danh mục tài sản, hồ sơ liên quan và trách nhiệm của các bên.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, đơn vị tiếp nhận phải thực hiện đầy đủ chức năng quản lý, sử dụng tài sản đúng quy định; tuyệt đối không để gián đoạn dịch vụ công, đồng thời ngăn ngừa mọi nguy cơ lãng phí, thất thoát tài sản công trong quá trình chuyển tiếp.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng, hướng dẫn của Bộ được chia theo ba cấp gồm: Cấp xã: Đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản từ xã cũ. Trường hợp địa phương bị chia tách, tài sản sẽ được phân bổ theo địa giới mới; nếu cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền quyết định đơn vị tiếp nhận cụ thể; Cấp huyện: Tài sản như hạ tầng thủy lợi, chợ… sẽ do xã mới quản lý nếu nằm trên địa bàn của xã. Những tài sản còn lại sẽ được UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo để UBND cấp tỉnh quyết định giao cho đơn vị thích hợp; Cấp tỉnh: Cũng theo nguyên tắc kế thừa, tỉnh mới sau sắp xếp sẽ tiếp nhận và quản lý toàn bộ tài sản từ tỉnh cũ.
Về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân – một loại tài sản có tính chất đặc biệt, việc bàn giao cũng được phân chia rõ ràng. Với tài sản do đơn vị cấp xã quản lý, nếu chưa hoàn tất xử lý trước khi sắp xếp, xã mới sẽ tiếp nhận. Trong trường hợp xã cũ chia tách, UBND cấp tỉnh xác định đơn vị tiếp nhận.
Tài sản cấp huyện hoặc cấp tỉnh cũng sẽ được bàn giao tương ứng lên đơn vị mới sau khi tổ chức lại. Nếu tài sản do cơ quan trung ương quản lý mà cơ quan đó bị giải thể trong quá trình tổ chức lại, người đứng đầu cơ quan cấp trên sẽ quyết định đơn vị tiếp nhận phù hợp.
Dự án vốn nhà nước, tài khoản tạm giữ: xử lý dứt điểm, tránh lãng phí
Đối với các tài sản là sản phẩm của dự án sử dụng vốn nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng tài sản này thường có giá trị lớn và ảnh hưởng lâu dài đến cộng đồng, do đó, Bộ Tài chính đề ra ba tình huống cụ thể để xử lý, đảm bảo tính liên tục và minh bạch.
Tài sản phục vụ hoạt động dự án: Tiếp tục thực hiện theo các công văn hướng dẫn trước đây (số 13749, 2454 và 4891 của Bộ Tài chính).
Tài sản là kết quả dự án đã hoàn thành nếu dự án đã xác định rõ đối tượng thụ hưởng: Ban quản lý hoặc chủ đầu tư phải hoàn tất việc bàn giao, cung cấp đầy đủ thông tin về giá trị để bên tiếp nhận dễ dàng hạch toán và sử dụng.
Nếu đối tượng thụ hưởng chưa xác định thì cần báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn xử lý. Trong trường hợp chưa xử lý xong tại thời điểm sắp xếp hành chính, thì áp dụng theo các nguyên tắc đã quy định ở mục về tài sản toàn dân.
Với dự án đang dở dang thực hiện theo Công văn số 4738/BTC-TH ngày 14/4/2025 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Ngoài ra, một nội dung không kém phần quan trọng là quản lý tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước. Những tài khoản do Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện đang giữ để quản lý khoản thu liên quan đến tài sản công phải được chuyển giao cho Sở Tài chính làm chủ tài khoản mới.
Việc này nhằm thống nhất đầu mối quản lý, tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức thực hiện thanh toán chi phí phát sinh.
Sở Tài chính sau khi tiếp nhận sẽ chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng số tiền theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo đúng mục đích và minh bạch trong sử dụng ngân sách.
Anh Minh