Biến chứng do hiểu sai về sốt xuất huyết

Admin
(Chinhphu.vn) - Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Biến chứng do hiểu sai về sốt xuất huyết- Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là trước bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Lê Anh

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, cho biết, bước vào mùa mưa kèm theo nóng ẩm, tình hình dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Dự báo, thời gian tới, số mắc có thể tiếp tục tăng do đã bắt đầu bước vào các tháng cao điểm của bệnh hàng năm.

Tại khu vực phía Nam, đang vào mùa mưa, hiện đang là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết khi số ca mắc, số ca nặng, sốc sốt xuất huyết gia tăng lên... Trong đó, một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao, đột biến so với cùng kỳ như TPHCM tăng 158% và đã có tới 10 ca tử vong.

Bệnh thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trên thế giới, dù nhiều nước đã áp dụng các biện pháp phòng chống, song sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng hàng năm.

Trước tình hình dịch bệnh nói trên, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, người dân không nên lơ là, chủ quan mà nên tăng cường các biện pháp phòng dịch bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu bệnh cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, tránh để bệnh diễn biến nặng, khi đó sẽ gây ra thêm nhiều hệ lụy tới sức khỏe cho người bệnh.

Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ

Chia sẻ tại tọa đàm sức khỏe cộng đồng với chủ đề "Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ" do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức ngày 26/7, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết, năm nay dù mới đầu mùa dịch nhưng ngành y tế đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết nặng và có trường hợp tử vong ở người lớn.

Theo bác sĩ Khanh, điều nguy hiểm là nhiều người vẫn hiểu sai về sốt xuất huyết, chỉ nghĩ đến xuất huyết ngoài da, hoặc cho rằng chỉ trẻ nhỏ mới mắc. Trong khi đó, bệnh có thể diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt, khiến người lớn chủ quan, nhập viện muộn làm quá trình điều trị phức tạp hơn.

Nguy cơ lớn nhất của sốt xuất huyết là xảy ra sau khi hết sốt và đây là thời điểm mà người bệnh chủ quan nhất. "Người lớn dễ nghĩ hết sốt là hết bệnh, nhưng đây mới là giai đoạn dễ biến chứng, dẫn tới suy đa cơ quan hoặc tử vong. Những người có bệnh nền càng dễ bị bội nhiễm, kéo theo gánh nặng điều trị và tổn thất sức khỏe lâu dài", ông Khanh chia sẻ.

Là bệnh viện tuyến cuối, thường tiếp nhận những ca bệnh nặng từ nơi khác chuyển tới, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Trung Triệu, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn hiện gấp đôi trẻ em. Thậm chí có những ca bệnh là người ở độ tuổi trên 80. Đáng lo là nhiều người chỉ đến viện khi đã có suy hô hấp, trụy tim hoặc tổn thương thận, khiến việc điều trị rất khó khăn.

"Sốt xuất huyết không còn là căn bệnh riêng của người trẻ. Người lớn tuổi cũng đang trở thành đối tượng có nguy cơ cao. Đây không phải là bệnh lạ, nhưng chính sự quen thuộc đã khiến nhiều người chủ quan và hiểu sai bản chất bệnh, dẫn đến hệ lụy đáng tiếc", TS Triệu cảnh báo.

Biến chứng do hiểu sai về sốt xuất huyết- Ảnh 2.

Từ đầu năm 2025 đến ngày 15/7/2025, TPHCM ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết, tăng 158% so với cùng kỳ. Ảnh điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM). Nguồn ảnh: Báo Thanh niên

Tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Ghi nhận thực tế, trong những ngày qua, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), số lượng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng tăng nhanh. Đa phần nhập viện muộn vì chủ quan. Nhiều trường hợp người nhà tự mua thuốc cho bệnh nhân uống vì nghĩ là cảm cúm thông thường, đến khi bệnh trở nặng mới đưa đến bệnh viện.

Là địa phương phía Nam có địa bàn rộng sau sáp nhập, với dân số gần 14 triệu người, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ đầu năm 2025 đến ngày 15/7, TPHCM ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết, tăng 158% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 10 ca tử vong. Hiện số ca bệnh hàng tuần đang gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay. Đáng lo ngại, nhóm người mắc sốt xuất huyết là người lớn tăng gấp đôi so với trẻ em.

Trước tình hình đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu HCDC phối hợp với trung tâm y tế khu vực chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với UBND phường, xã, đặc khu huy động ban ngành đoàn thể, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, thu gom, dọn dẹp các vật chứa nước tại những điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết không có người quản lý trên địa bàn; quyết tâm không để sót các ổ dịch tiềm ẩn phát sinh nguồn muỗi truyền bệnh, "không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết.

Sở Y tế TPHCM kêu gọi các đơn vị và từng nhân viên y tế cùng toàn thể người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phát hiện sớm, xử trí kịp thời các trường hợp mắc bệnh.

Đồng thời, tuân thủ hướng dẫn điều trị từ cơ sở y tế, không tự ý truyền dịch tại nhà; đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như: vật vã, lừ đừ, mệt, đau bụng nhiều, nôn ói, tiểu ít, chảy máu chân răng, mũi, dưới da…

Ngày 20/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 116/CD-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước.

Theo Công điện, từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực phía Nam, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2024, một số địa phương đã có trường hợp tử vong. Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.

Các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, phải tăng cường giám sát, hướng dẫn xử lý ổ dịch, tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại bỏ lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.

Lê Anh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bệnh sốt xuất huyết không còn xảy ra theo chu kỳBệnh sốt xuất huyết không còn xảy ra theo chu kỳ
Tham khảo thêm
Kỷ nguyên mới trong phòng, chống sốt xuất huyết với vaccineKỷ nguyên mới trong phòng, chống sốt xuất huyết với vaccine