Có thể thấy rằng, trong quá trình đưa vào thực tiễn,
Bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS: Bước đi tất yếu của thời đại
Các học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Huế.
Qua trao đổi với phóng viên, không ít nhà giáo thừa nhận rằng, việc yêu cầu có bằng THCS vào hồ sơ cá nhân có thể chỉ làm gián đoạn quá trình học tập và ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Trong khi đó, thực chất tấm bằng THCS chỉ là xác nhận một điều ai cũng biết – rằng học sinh đã hoàn thành chương trình phổ thông cơ sở, điều vốn dĩ nên được mặc định và lưu trữ bằng hệ thống số.
Theo nhiều thầy cô giáo, trong giai đoạn bình dân học vụ, khi phần lớn người dân còn chưa được tiếp cận với giáo dục cơ bản, thì tấm bằng tốt nghiệp THCS mang ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ là minh chứng cho trình độ văn hóa phổ thông, mà còn là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ – một "giấy chứng nhận" của tri thức và sự tiến bộ. Thời điểm ấy, đậu THCS là một cột mốc quan trọng để bước vào đời. Nó thể hiện nỗ lực học tập giữa muôn vàn khó khăn, và cũng là điều kiện cần để tiếp cận những vị trí việc làm cơ bản trong hệ thống công chức, viên chức.
Ngày nay, khi đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa, thì việc phổ cập giáo dục THCS đã trở thành một điều tất yếu. Kiến thức ở bậc học này không còn là rào cản hay thước đo về trình độ văn hóa như trước. Đại đa số học sinh đều hoàn thành chương trình THCS như một bước đệm tự nhiên để tiếp tục lên THPT hoặc học nghề.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế cho rằng, việc dừng cấp bằng tốt nghiệp THCS không đồng nghĩa với việc xem nhẹ giai đoạn học tập này.
Thực tế cũng cho thấy, trong xã hội hiện đại, giá trị của tấm bằng THCS gần như không còn nhiều ý nghĩa trong tuyển dụng, xét tuyển hay đánh giá năng lực. Thay vào đó, năng lực thực tế, kỹ năng, trình độ nghề nghiệp hoặc bậc học cao hơn mới là yếu tố quyết định. Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo luật lần này là đề xuất xóa bỏ cấp trung gian trong quản lý giáo dục, cụ thể là bỏ Phòng GD - ĐT cấp huyện. Nếu tiếp tục giao cho một cấp cao hơn phụ trách khâu cấp bằng THCS sẽ tạo thêm nhiều bất cập. Và nếu giao lại chức năng cấp bằng này cho Sở GD - ĐT ở cấp tỉnh không chỉ gây quá tải mà còn tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết, phát sinh chi phí, nhân lực mà hiệu quả mang lại không rõ ràng. Trong khi đó, mục tiêu của cải cách hành chính là tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì việc chấm dứt cấp bằng THCS cũng là một bước đi hợp lý để giải bài toán bộ máy.
Nhà giáo Phạm Lê Hoà, Hiệu trưởng trường THCS Phan Huy Chú (Hà Tĩnh) cho biết, hiện này việc cấp bằng tại cấp học THCS vẫn chủ yếu dựa trên việc học sinh hoàn thành chương trình học, không phải thông qua một kỳ thi tốt nghiệp và đa số các trường hiện nay đã phổ cập bậc THCS.
Được biết, để cấp được một tấm bằng tốt nghiệp THCS, các trường phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục, hồ sơ liên quan đến kết quả học tập, hạnh kiểm, học lực… và sau đó chuyển đến Phòng GD - ĐT để phê duyệt. Quá trình này tốn nhiều thời gian, nhân lực, chi phí hành chính nhưng bản chất cũng là xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình. Điều này rất tốn kém thời gian, kinh phí và không còn mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Cường, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Tĩnh khẳng định, đề xuất giao quyền xác nhận hoàn thành chương trình THCS cho hiệu trưởng các trường thông qua học bạ, thay vì Trưởng phòng GD - ĐT cấp quận, huyện như hiện nay là đề xuất tiến bộ, phù hợp với bối cảnh đổi mới hiện tại, và khi áp dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh cũng như phụ huynh.
"Hiện nay, tại Hà Tĩnh cũng như cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục đến hết lớp 9 với tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS gần như đạt 100%, nên việc cấp bằng cho cấp học này dần trở nên hình thức và không còn cần thiết", ông Cường cho hay.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế cho rằng, việc dừng cấp bằng tốt nghiệp THCS không đồng nghĩa với việc xem nhẹ giai đoạn học tập này. Ngược lại, đó là cách để tái định vị vai trò của THCS trong hệ thống giáo dục – một giai đoạn nền tảng, phổ cập và hiển nhiên, chứ không phải là một cấp học cần "chứng nhận" bằng giấy tờ hành chính.
Thay vì cấp bằng, học sinh hoàn thành chương trình THCS có thể nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục, như nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới vẫn thực hiện. "Việc loại bỏ tấm bằng tốt nghiệp THCS khỏi hệ thống văn bằng quốc gia là một quyết định mang tính cải cách, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và tinh thần đổi mới của đất nước. Đây là lúc cần nhìn nhận lại các giá trị cũ để mạnh dạn bước vào một kỷ nguyên mới – nơi tri thức không nằm trên tờ giấy, mà thể hiện qua khả năng, kỹ năng và năng lực thích ứng với thời đại", PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.
Nhóm PV Miền Trung