Bộ Công an: Ra mắt ứng dụng định danh điện tử VNeID

Hoàng Huyền
Chiều 18/7, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã tổ chức họp báo công bố ứng dụng định danh điện tử (VNEID); đồng thời phê duyệt tài khoản định danh điện tử cho 10 công dân đầu tiên.

Theo đó, sau 4 tháng triển khai cấp thẻ định danh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã nhận gần 6 triệu hồ sơ yêu cầu cấp mã định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Bắt đầu từ ngày 18/7, tất cả hồ sơ được phê duyệt của công dân sẽ được kích hoạt tài khoản định danh VNEID. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ra đời ứng dụng quản lý công dân trên nền tảng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xây dựng ứng dụng VNEID để cung cấp các chức năng tiện ích cho công dân: Tài khoản định danh sẽ hiển thị thông tin căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, thông tin giấy phép lái xe, thực hiện thông báo lưu trú mọi lúc mọi nơi, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình... Sau khi cơ quan Công an xác định chính xác và gắn đúng danh tính điện tử cho công dân thì tài khoản định danh được hiểu là phương thức để quản lý thông tin thẻ căn cước công dân trên môi trường mạng.

bo-cong-an-ra-mat-ung-dung-dinh-danh-dien-tu-vneid1-dulichgiaitri-doi-song-1658222296.jpg
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội  đã phê duyệt tài khoản định danh điện tử cho 10 công dân đầu tiên

Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có hai mức. Mức 1 có thể trải nghiệm một vài tiện ích cơ bản như đọc báo, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch… Mức 2 có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích mà Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan đã và đang xây dựng.

Để đăng ký tài khoản định danh mức 1, công dân thao tác trực tuyến (online) trên ứng dụng VneID (tải từ CH Play hoặc App Store). Kết quả phê duyệt tài khoản sẽ được gửi qua tin nhắn SMS, công dân vào ứng dụng, kích hoạt và sử dụng.

Đối với mức 2, công dân phải đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an nơi thu nhận hồ sơ CCCD hoặc tại công an phường thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương nếu đã có thẻ CCCD gắn chip.

Tại đây, công dân thông báo với cán bộ công an về việc đăng ký tài khoản định danh, cung cấp các thông tin gồm số điện thoại, địa chỉ email. Nếu có nhu cầu tích hợp các loại giấy tờ như GPLX, đăng ký xe, thẻ BHYT… thì cung cấp giấy tờ gốc để đối chiếu. Cán bộ công an sẽ tiếp nhận hồ sơ để xử lý theo quy định.

Khi đăng ký tài khoản ở mức độ 2, thông tin trên thẻ CCCD gắn chip sẽ được tích hợp, tạo thành một thẻ CCCD điện tử. CCCD điện tử có giá trị tương đương thẻ CCCD gắn chip vật lý, có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip.

bo-cong-an-ra-mat-ung-dung-dinh-danh-dien-tu-vneid2-dulichgiaitri-doi-song-1658222325.jpg
Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã nhận gần 6 triệu hồ sơ yêu cầu cấp mã định danh điện tử cho công dân

Ngoài ra, các thông tin hiển thị BHYT trên VNeID được xác thực và truy xuất từ Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm y tế. Vì vậy, thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT mà không cần trình thẻ BHYT như trước.

Công dân có thể thực hiện “thông báo lưu trú” trên ứng dụng mọi lúc mọi nơi mà không cần phải liên hệ qua cơ quan công an, có thể khai báo y tế hoặc khai báo di chuyển nội địa, hoặc phản ánh về tình hình tội phạm, vụ việc mất an ninh trật tự trên địa bàn…

Ngoài ra, Bộ Công an cho biết đã và đang khẩn trương làm việc với Văn phòng Chính phủ để kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ công dân sử dụng dịch vụ công trên ứng dụng VNeID.

HOÀNG ANH