Cà phê view

Admin
Từ khi về hưu, là cứ quán ấy, bàn ấy, ghế ấy, chỗ ấy, cà phê pha đúng như thế, ăn sáng xong là ngồi.

Ly cà phê đầu tiên trong đời tôi uống là ở bến xe An Hòa, Huế, năm 1976. Xuống xe sau mấy ngày chật chội mệt mỏi vừa tàu hỏa vừa xe đò về thăm quê, thấy cái “quán” cà phê gồm mấy cái ghế lúp xúp, cây đèn dầu, một ấm cà phê bít tất, tức là đồ nghề của một góc cà phê bến xe, tôi bèn kêu 1 ly, đen nóng. Trước đó ở miền Bắc tôi hầu như chưa có khái niệm về cà phê, trà (chè) chín hào ba (tức chín hào ba gói) toàn dành cho người già, thế hệ tôi “trong veo” với trà và cà phê.

Giờ, tôi là con nghiện thứ thiệt, mấy chục năm rồi. Từ khi về hưu, là cứ quán ấy, bàn ấy, ghế ấy, chỗ ấy, cà phê pha đúng như thế, ăn sáng xong là ngồi. Ngày nào có khách có thể có cữ thứ hai vào buổi chiều hoặc tối, còn thì toàn buổi sáng. Uống cà phê xong thì về viết và đọc.

Cà phê nước ta cũng trải qua nhiều hình thái.

Ban đầu là cà phê phin, cà phê kho, hay còn gọi cà phê bít tất.

Cà phê thời nay đa phần là cà phê trộn, cũng rang rồi xay nhưng người ta cho thêm phụ gia như mỡ gà, nước mắm, một vài loại gì đấy, kể cả... ngô xay. Một phần là thói quen như thế mới ngon, phần nữa là để... hạ giá thành. Và đa phần là cà phê cóc, tức ngồi như... cóc ở vỉa hè, bị đuổi thì chạy loanh quanh cũng như... cóc. Cái cà phê cóc một thời nó là “đặc sản” của phố phường Việt. Các vỉa hè đều có các quán cà phê như thế, nghìn nghịt nghìn nghịt...

Có hồi còn rộ lên chuyện cà phê... pin. Là đồn người ta mua pin cũ về, đập lấy than trộn vào cà phê cho nó... đen và nặng.

Tiến lên, người ta làm cà phê phòng lạnh, cà phê salon. Nhiều người thích nhưng người ta vẫn khoái cà phê có không gian hơn. Thế là xuất hiện cà phê vườn và cà phê giả vườn. Giả vườn là cái phòng kín bưng như thế, thả vài chậu cây vào, vài mái tranh vào, rải sỏi vào... nó đáp ứng nhu cầu không gian và cả nhu cầu chống nóng. Chứ nói thế, ở phương nam mùa nắng mà ngồi vỉa hè cà phê cóc thì cũng chả khác gì đi đày.

Kỹ thuật pha cà phê cũng... tiến lên theo thời cuộc. Cà phê kho hầu như vắng bóng. Nhớ ngày xưa ở Huế có mấy quán cà phê kho ngon trời phải khen, như cà phê Thọ ở ngay chợ Đông Ba, cà phê Bến Nghé bọn sinh viên chúng tôi hay ngồi mỗi khi bán được cái gì đấy, và chuẩn bị cho ngày mai thi.

Cà phê phin vẫn còn nhưng bị cạnh tranh dữ dội bởi cà phê pha máy, tức Espresso, với kiểu pha này, cà phê được chiết đến giọt cafein cuối cùng, dân nghiền rất khoái. Gần chục năm nay tôi chỉ dùng mỗi loại này, nên mỗi lần đi xa, như vừa rồi lên Sơn La kiếm được quán có cà phê  Espresso hết sức vất vả. Cái giống cà phê, nó phụ thuộc vào gu, khác gu một cái là nó nhạt hoét. Cà phê thì cũng từ cà phê trộn tiến lên cà phê rang xay nguyên chất. Và Espresso thì là cực nguyên chất, với sức ép của hơi nước tới gần hai trăm độ cà phê bị vắt tới giọt cuối cùng.

Đa chiều - Cà phê view

Và giờ ở một số nơi, nhất là Pleiku nơi tôi đang sống, cà phê view đang lên ngôi.

Thành phố Pleiku, gần giống Đà Lạt và một số thành phố cao nguyên, có nhiều thung lũng. Riêng Pleiku, thung lũng nhiều là bởi nó được xây dựng trên một hệ thống mấy chục miệng núi lửa. Nhấp nhô, cao thấp, cheo leo... lâu nay ít được để ý vì nếu làm nhà sẽ rất vất vả việc san nền làm móng, cho tới đường lên xuống và điện nước.

Một ngày nó choàng tỉnh vì... cà phê view.

Một cái thung lũng rất lớn, xung quanh là đồi. Giữa có cái sân bay. Và dã quỳ, và các loại hoa, và ruộng lúa, máy bay lên xuống, đường vào khúc khuỷu... View cà phê đấy ạ.

Hôm nọ một cô cháu làm ở bưu điện, cô bé này hồi mà các báo còn gửi nhuận bút qua bưu điện, cứ thấy tôi có phiếu là gọi, không cần gửi giấy báo về nhà như quy định, và khi ra lấy tiền thì không bị kiểm tra căn cước cũng như câu hỏi nghiệp vụ muôn thuở: ai gửi, nhắn cho tôi: cháu mời chú thưởng thức cà phê view ạ. Chị em cháu mới mở một quán cà phê ở đường Bùi Đình Túy, đặt tên là Pleiku HILL. À đường này thì kinh rồi. Xưa cho không chả ai lấy, giờ mỗi mét đất là cả cục kim cương. Thế mà quán san sát, xe cứ là chật ních. Cháu làm sau nên rút kinh nghiệm các quán trước, có cả không gian cho trẻ em, cho tiệc BBQ vân vân...

Lại nhớ hồi ông bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh mở cái nhà hàng ở ngoại ô, tầm từ 19 tới 21 giờ, khi máy bay cất cánh từ sân bay Pleiku thì nó chiếu đèn vào một góc nhà hàng. Cái máy bay khi ấy như đứng yên tới mấy phút, khách rất khoái. Ông ấy nói đùa, ai ngồi góc ấy ông ấy tính thêm tiền... ngắm máy bay lên.

Giờ thanh niên có mốt ngồi cà phê view ruộng và sân bay ấy, mỗi khi máy bay cất và hạ cánh lại chụp ảnh với... máy bay. Kiểu thường thấy nhất là chụm ngón giữa và ngón cái cho máy bay lọt vào, hoặc xòe bàn tay cho máy bay “đậu” giữa bàn tay, rồi chụp, thế là hân hoan, thế là phấn khởi, thế là cà phê dù từ chỗ có máy bay tới nơi mình ngồi tới cả ngàn mét.

Thì đã bảo, thưởng thức cà phê có nhiều kiểu. Tôi là của người nghiện, phải đúng cà phê chất lượng như thế như thế mới uống, không thì thà pha cà phê gói. Nhưng nhiều người lại cần cái không khí cà phê chứ vào quán uống gì cũng được, rất nhiều người vào quán cà phê nhưng không uống cà phê. Bạn bè tôi ngoài Bắc vào, tôi mời đi cà phê thi thoảng có bạn từ chối, bảo mình không uống cà phê. Bèn phải giải thích, gọi quán cà phê nhưng nó có nhiều loại nước, từ trà, chè, tới trái cây ép, sinh tố vân vân, chứ ai bắt uống cà phê đâu. Thế rồi mới ồ à...

À nhưng đang nói chuyện cà phê. Có ai phát hiện ra điều nghịch lý này, rằng cà phê thì rất đen, rất đắng, nhưng cái hoa cà phê ấy, nó lại trắng đến  tinh khiết, trắng đến rợn ngợp, trắng đến ngẩn ngơ. Và thơm, rất thơm. Tôi từng đề xuất, tại sao lại không có những tour du lịch ngắm hoa cà phê, thưởng thức cà phê ngay dưới rờm rợp hoa cà phê ấy. Hình dung đi, hàng chục héc ta hoa trắng tinh thế ngờm ngợp trước mắt ta, ngồi uống cà phê, đen sánh và nồng nàn giữa ngan ngát hương hoa cà phê ấy. Mà cái hay nữa là, dã quỳ chẳng hạn, người ta đã và đang tổ chức lễ hội hoa dã quỳ ấy, phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự nở tự nhiên của nó. Còn cà phê, có thể điều tiết sự bung hoa bằng tưới nước. Nên cái mùa hoa này kéo dài được tới mấy tháng...

Người kỹ tính thì còn chọn vườn cà phê nào ngon nữa kìa. Một số dân sành bảo cà phê trồng càng cao thì càng ngon, cái này giống trà, nhưng nếu nó hứng được hơi biển nữa thì mới là... ngon tuyệt.

Nhưng đấy là dành cho cánh nghiện thứ thiệt, còn với cà phê view, người ta vào để hưởng... view, còn có thể là không uống cà phê, mà uống... không khí cà phê.

Cà phê không chỉ là cà phê, mà cao hơn, nó là văn hóa, là triết lý, là một cái gì đó bí ẩn trong cái khắc khoải nhớ thèm không cắt nghĩa được, cứ mang mang, cứ thắc thỏm, cứ bất an... Đơn giản vậy mà cuộc đời thăng hoa. Đơn giản vậy mà thổn thức bồn chồn nhớ. Đơn giản vậy mà bây giờ trên phố trên làng, ngập tràn khắp nước, nhấp nhô quán cà phê, từ cà phê cóc tới cà phê view.

Cà phê đương nhiên là đắng, cho thêm đường vào thì ngọt. Đắng ngọt luôn đi kèm trong một ly cà phê, nó làm cho hương vị cuộc đời này thêm nồng nã đắm say và thi vị...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả