
Canada từng khởi xướng điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Việt Nam hồi năm 2024 - Ảnh minh họa
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Canada hiện là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ nhất đối với Việt Nam trong khối CPTPP. Tính riêng năm 2024, nước này đã khởi xướng 19 vụ điều tra, gồm 12 vụ chống bán phá giá, 5 vụ chống trợ cấp và 2 vụ tự vệ. Canada hiện đứng thứ 4 toàn cầu về số lượng điều tra, sau Mỹ, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) là công cụ hợp pháp theo WTO cho phép nước nhập khẩu bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nước ngoài gây thiệt hại. Trong đó, chống bán phá giá nhằm vào sản phẩm nhập khẩu có giá thấp bất thường để chiếm lĩnh thị trường, còn chống trợ cấp nhằm loại bỏ tác động từ chính sách hỗ trợ của nước xuất khẩu.
Tại Canada, các vụ việc điều tra do Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) tiến hành theo Đạo luật Biện pháp Nhập khẩu đặc biệt (SIMA). Nếu xác định có hành vi không công bằng, Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ quyết định áp thuế hoặc mở rộng biện pháp phòng vệ với hàng hóa liên quan.
Trước thực trạng trên, Thương vụ Việt Nam tại Canada đang tăng cường cập nhật tình hình địa bàn, chính sách mới và các vụ điều tra trên trang web của mình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Cùng với đó, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị hệ thống Thương vụ ở nước ngoài tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ quy định điều tra của nước sở tại, đồng thời hỗ trợ trình bày quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong các vụ việc.
Về phía doanh nghiệp, Cục khuyến nghị cần đa dạng hóa thị trường, ngành hàng, đầu tư vào truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa quy trình sản xuất và theo dõi sát thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại để ứng phó kịp thời.
Anh Thơ