Theo Cục Cảnh sát hình sự, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án gọi điện/video call nhằm tạo dựng lòng tin với các bị hại. Sau đó, đối tượng lợi dụng tâm lý sợ hãi của các em học sinh, sinh viên để đe dọa, thao túng và gây áp lực tâm lý cho các nạn nhân.
Kịch bản bọn chúng tạo ra là thông báo các em có liên quan đến các vụ án đang điều tra, nếu không làm theo yêu cầu của đối tượng sẽ bị bắt giữ, yêu cầu các em không được liên hệ với gia đình, tìm các địa điểm kín như nhà nghỉ, khách sạn… và làm theo hướng dẫn do bọn chúng soạn sẵn. Có nhiều vụ án, đối tượng đe doạ nếu không chuyển tiền sẽ bị đưa sang Campuchia làm việc hoặc hứa hẹn đi du học, theo Công an nhân dân.

Một nạn nhân làm việc với cơ quan công an. Ảnh: M.H.
Cụ thể, vào ngày 27/4, ông N.Đ.M. (trú tại TP.Từ Sơn, Bắc Ninh) trình báo về việc con gái ông – N.V.H.M. (SN 2002) nghi bị bắt cóc. Khoảng 20h cùng ngày, ông nhận được cuộc gọi từ một kẻ lạ yêu cầu chuyển 100 triệu đồng để “chuộc con”, nếu không sẽ bị bán sang Campuchia.
Công an tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng vào cuộc và đến 12h45 ngày 28/4 đã phát hiện H.M. đang ở một nhà nghỉ tại huyện Tiên Du. Qua xác minh, H.M. bị một người tự xưng là công an gọi điện, thông báo rằng cô liên quan đến một vụ rửa tiền tại TP.HCM.
Đối tượng yêu cầu H.M. tải ứng dụng Zoom, tham gia cuộc họp trực tuyến với những người giả danh công an, kiểm sát viên và nhân viên ngân hàng. Tại đây, chúng đe dọa rằng nếu tiết lộ nội dung sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
H.M. bị yêu cầu thuê nhà nghỉ, cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP và chờ liên lạc. Sau đó, nhóm đối tượng dùng Zalo và số điện thoại của H.M. để liên lạc với gia đình, yêu cầu chuyển tiền. Gia đình đã chuyển 100 triệu đồng trước khi phát hiện đây là một vụ lừa đảo. Công an xác định nhóm đối tượng hoạt động từ Campuchia, theo VietNamNet.
Gần đây, cháu N.T.G. (SN 2005, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là Trung úy làm việc tại Phòng Cảnh sát kinh tế, nói rằng G. là nghi phạm trong một vụ án lừa đảo và yêu cầu vào TPHCM làm việc.
Khi G. từ chối, nhóm đối tượng hướng dẫn tải Zoom và tham gia một “cuộc họp điều tra”. Tại đây, chúng nói rằng G. bị lợi dụng danh tính trong đường dây lừa đảo 31 tỷ đồng, cung cấp “tài liệu chứng minh” và yêu cầu giữ bí mật trong 72 giờ.
Chúng đe dọa rằng G. đã “bán thông tin cá nhân với giá 600 triệu đồng”, rồi yêu cầu G. cung cấp hình thẻ sinh viên, chia sẻ màn hình điện thoại, máy tính và chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để “chứng minh vô tội”.
Khi G. nói không có tiền, nhóm này bày cách nói dối gia đình rằng cần nộp tiền để nhận học bổng. Chúng thậm chí còn gửi email giả danh trường đại học với tiêu đề “Chương trình học bổng đồng hành kỳ 47 - năm học 2025-2026”, hướng dẫn G. thuyết phục mẹ chuyển tiền.
Bằng các chiêu trò thao túng tâm lý, nhóm tội phạm đã lừa đảo số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Khi nhận được cuộc gọi khả nghi, người dân cần bình tĩnh, khai thác thông tin và nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Theo C02, người dân phải nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm và tuyên truyền cho mọi người xung quanh biết về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Không chuyển tiền cho người lạ khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Các cơ quan nhà nước khi làm việc với người dân đều có giấy mời bằng văn bản và làm việc trực tiếp tại trụ sở. "Không có đơn vị nào làm việc qua điện thoại", nhà chức trách nhấn mạnh.
Khánh Linh (t/h)