Cảnh báo thủ đoạn lợi dụng tính năng đặt nickname tài khoản ngân hàng để lừa đảo

Admin
Ngày 8/5, trên cổng TTĐT Công an tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này đã có cảnh báo về thủ đoạn lợi dụng tính năng đặt Nickname tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch chuyển tiền qua app, hiện nay nhiều ngân hàng đã và đang triển khai tính năng đặt nickname cho tài khoản. Lợi dụng điều này, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng cường hoạt động.

Nickname cho tài khoản dùng để có thể thay những số tài khoản dài hàng chục chữ số thành một cái tên ngắn gọn hơn (thay thế các số tài khoản chuyển và nhận tiền, thực hiện các giao dịch như bình thường). 

Đặt nickname theo số tài khoản được thực hiện online qua app của ngân hàng, với thao tác vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, đặc biệt hơn khi nickname có thể thay đổi hoặc xóa một cách nhanh chóng ngay trên ứng dụng, không phải ra trực tiếp ngân hàng.

Thời gian gần đây, lợi dụng tính năng trên, đối tượng lừa đảo đã lập kế hoạch, kịch bản với thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý lo lắng, bất an của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điển hình như: tự nhận là nhân viên ngân hàng, cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… đang tiến hành xử lý các lỗi xác thực tài khoản trên hệ thống hoặc thụ lý vụ án hình sự, đề nghị phối hợp thực hiện một số nội dung để xác thực tài khoản, xác minh tài khoản, phục vụ công tác điều tra…

Sau khi tạo được sự tin tưởng của người dân, đối tượng hướng dẫn bị hại đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, mở tính năng chuyển tiền và tìm đến ngân hàng. Đồng thời, để bị hại thêm tin tưởng, đối tượng giải thích rằng “thông thường để chuyển khoản được thì phải ghi số tài khoản người nhận, do chúng tôi đang xác thực, xác minh một số vấn đề liên quan đến tài khoản này nên tại mục tài khoản nhận sẽ không ghi số tài khoản mà chỉ ghi nội dung (tùy theo từng kịch bản) như: khongiaodich, xacnhanchinhchu, xacminhtaikhoan… để xác thực tài khoản, chứng minh chính chủ, chứng minh không phạm tội…” nhưng đây đều là tài khoản nickname của các đối tượng lừa đảo.

Về nội dung chuyển, đối tượng thường yêu cầu bị hại ghi một số nội dung kèm theo giải thích để tiếp tục lấy niềm tin bị hại, như: “huythekgd (hủy thẻ không giao dịch), xacminhcctk (xác minh chính chủ tài khoản), chungminhkpt (chứng minh không phạm tội)”… Đối tượng yêu cầu bị hại nhập một dãy số, kèm giải thích “dãy số này là mã xác nhận cho hoạt động xác minh” (thực chất là số tiền chuyển). 

Khi bị hại có thắc mắc tại sao lại hiển thị thông tin người nhận tiền là Nguyễn Văn A, Trần Văn B… thì đối tượng giải thích tên hiển thị trên là tên của tôi, cán bộ thụ lý, xử lý xác minh vụ việc.

Trên phạm vi cả nước, với phương thức, thủ đoạn trên, đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu của người dân. 

Để cảnh giác và không trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, phòng An ninh kinh tế đưa ra một số khuyến cáo như sau: Cẩn trọng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, cần kiểm tra kĩ các thông tin liên quan như số tài khoản, họ tên người nhận,… trước khi bấm xác nhận chuyển tiền. 

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước, tài khoản ngân hàng…, cùng với đó, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ người lạ gọi điện thoại đến. 

Hạn chế đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, để tránh trở thành mục tiêu của đối tượng lừa đảo. Mỗi công dân hay thận trọng trong giao dịch tài chính để bảo vệ tài sản của mình.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đồng Nai: Phát hiện 2 vụ vận chuyển, mua bán hơn 17.000 bao thuốc lá lậuĐồng Nai: Phát hiện 2 vụ vận chuyển, mua bán hơn 17.000 bao thuốc lá lậu
Tham khảo thêm
Thông báo tìm nạn nhân của TikToker Lê Việt HùngThông báo tìm nạn nhân của TikToker Lê Việt Hùng

Hoàng Mai