Chủ động tâm thế ứng phó một cơn bão mạnh, có khả năng ảnh hưởng Bắc Bộ

Admin
(Chinhphu.vn) - Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết khoảng tối và đêm ngày 21/7 bão Wipha sẽ đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ và trong ngày 22/7 có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ.
Chủ động tâm thế ứng phó một cơn bão mạnh, có khả năng ảnh hưởng Bắc Bộ- Ảnh 1.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão Wipha - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chiều 18/7, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp, thông tin và tổ chức ứng phó với cơn bão Wipha.

Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia cho biết, sáng mai (19/7), bão Wipha sẽ đi vào biển Đông - trở thành cơn bão số 3. Dự báo, đêm ngày 20/7, rạng sáng ngày 21/7, bão cấp 12 giật cấp 15 sẽ di chuyển hướng phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Hiện, bão Wipha đang di chuyển với tốc độ 30km/h. Theo ông Khiêm, với tốc độ di chuyển nhanh như hiện nay, khả năng bão đổ bộ vào đất liền là rất cao.

Hiện trạng bão lúc 13h ngày 19/7: Vị trí tâm bão khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, nằm trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất đạt cấp 8–9 (tức 62–88km/h), vùng gần tâm bão có gió giật lên tới cấp 11 (tương đương 103–117km/h).

"Với điều kiện môi trường trên biển Đông hiện nay, dự báo, bão Wipha sẽ tăng cường độ khi vào biển Đông. Khả năng cao sẽ đổ bộ lên đất liền Việt Nam, ảnh hưởng từ Quảng Ninh – Nghệ An", ông Khiêm cho hay.

Về lượng mưa, dự bão bão Wipha sẽ gây mưa lớn trên diện rộng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Nghệ An). Phân bố mưa sẽ tùy theo hướng di chuyển của bão. Lượng mưa được dự báo từ 200 - 300 mm; một số nơi trên 500 mm.

Ông Khiêm cho hay, đến trưa ngày chủ nhật (20/7) mới đánh giá được cụ thể lượng mưa của bão Wipha.

Cũng theo ông Khiêm, sau khi bão Wipha đi vào đất liền thì sẽ xuất hiện một cơn khác và có hướng di chuyển lên phía Bắc, tạo rãnh thấp, gây ra mưa kéo dài ngày 24-25/7.

"Hiện các mô hình dự báo hiện nay cũng chưa thống nhất về cường độ, lượng mưa, hướng đi của bão Wipha", ông Khiêm thông tin.

Ông Khiêm lưu ý, bão Wipha sẽ có xu hướng lệnh lên phía Bắc, ít có khả năng gây thiệt hại như bão số 3 hồi tháng 9/2024. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải duy trì tâm thế đối mặt với một cơn bão mạnh.

Liên quan đến tàu bè, nuôi trồng thủy sản trên biển, đại diện Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết, qua kiểm đếm, từ Quảng Ninh - Nghệ An có gần 15.000 tàu đang đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển. Đến thời điểm nay, qua rà soát có 23 khu neo đậu và có thể tổ chức neo đậu được khoảng 17.000 tàu khi bão vào.

Cũng qua rà soát, hiện từ Quảng Ninh - Nghệ An, có 150.000 ha nuôi trồng thủy sản, với 20.000 lồng, bè. Để tránh thiệt hại như cơn bão Yagi gây ra, từ nay đến chủ nhật (20/7), tùy theo đường đi, cấp độ của bão, Cục Thủy sản và Kiểm ngư sẽ chỉ đạo, thu hoạch, bán bớt cá, tôm nếu đủ trọng lượng.

Chủ động tâm thế để ứng phó với một cơn bão mạnh

Với đường đi, tốc độ của bão Wipha như hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, quan ngại nhất là cơn bão này mang "bóng dáng" của bão số 3 hồi tháng 9/2024. Bởi vậy, chúng ta không chủ quan, phải chủ động tâm thế để ứng phó với một cơn bão mạnh.

Thời điểm này đang là cao điểm mùa du lịch, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển và lúa đang đẻ nhánh, cây có múi đang cho quả... nếu bão vào sẽ gây thiệt hại lớn, vì vậy, phải tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án ứng phó.

Về hồ chứa, Thứ trưởng Hiệp bày tỏ lo ngại khi các hồ đều đang có dung tích nước 80 - 85%. Như vậy, khi bão đổ bộ vào, gây lượng mưa lớn sẽ gây áp lực rất lớn. Đặc biệt, đối với các hồ không có xả tràn, nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ rất nguy hiểm đến hệ thống hồ chứa.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, cơn bão này nếu đổ bộ vào đất liền nước ta thì lại đúng vào thời điểm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động. Vì vậy, đây cũng là đợt để các địa phương có thể tổ chức ứng trực, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với thiên tai.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PTDS, PCTT&TKCN) Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h00 ngày 18/7/2025, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 35.183 phương tiện/147.336 lao động, trong đó 790 phương tiện/4.160 lao động đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện hoạt động tại phía Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông (khu vực ảnh hưởng của bão).

Tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là 126.583 ha; 19.099 lồng bè; 3.693 chòi canh nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.

Về tình hình hồ chứa và đê điều, tại các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, hồ Hòa Bình có mực nước thượng lưu hồ lúc 13h/18/7 là 102,94m; hiện đang mở 03 cửa xả đáy để đưa về cao trình 101m (mực nước cao nhất trước lũ thời kỳ lũ chính vụ từ ngày 20/7 đến 21/8); Hồ Tuyên Quang có mực nước thượng lưu hồ lúc 13h/18/7 là 104,98m; hiện đang mở 1 cửa xả đáy (sẽ đóng vào 15h ngày 18/7); Các hồ Sơn La, Thác Bà đang thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ.

Tại Bắc Bộ có 2.543 hồ chứa thủy lợi, lượng nước trữ trong các hồ trung bình hiện nay đạt khoảng từ 55% - 84% dung tích thiết kế. Hiện có 47 hồ đang sửa chữa, nâng cấp. Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa còn tồn tại 20 trọng điểm đê điều xung yếu

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, nhiều đợt mưa lớn diện rộng gây ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân khu vực Bắc Bộ; một số sự cố đê điều nghiêm trọng đã xảy ra; các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đang ở mức cao và hiện nay phải vận hành mở cửa xả để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy định.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai trước mùa mưa bão năm 2025Tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai trước mùa mưa bão năm 2025