Có nên mạnh dạn để Bí thư kiêm Chủ tịch xã sau sáp nhập?

Admin
Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, việc trao quyền cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường nếu được cân nhắc kỹ lưỡng và thí điểm phù hợp có thể là một bước đi táo bạo.

Xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân

Phát biểu tại tổ về vấn đề sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính sáng 23/5, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) quan tâm đến vấn đề công tác cán bộ ở cấp xã, phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Ông Sơn cho rằng, đây là vấn đề tưởng như rất cụ thể nhưng lại mang ý nghĩa chiến lược lâu dài. 

Chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, mà còn kiến tạo nên một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, gắn với kỳ vọng đổi mới tư duy và phương thức quản trị ở cơ sở.

Có nên mạnh dạn để Bí thư kiêm Chủ tịch xã sau sáp nhập?- Ảnh 1.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Ảnh: P.T).

Theo ông Sơn, nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đồng bộ từ gốc rễ - nơi gần dân nhất, nơi mọi chính sách, mọi chủ trương đều phải đi vào đời sống một cách cụ thể, sát sườn.

Vị đại biểu đặt câu hỏi "Chúng ta có nên mạnh dạn trao quyền cho những người đủ năng lực, cụ thể là để Bí thư Đảng ủy xã, phường đồng thời đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND cùng cấp?".

Theo ông Sơn, trong một bộ máy tinh giản và hiệu lực cao, sự đồng nhất giữa vai trò lãnh đạo Đảng và điều hành chính quyền sẽ giúp các quyết sách được thông suốt, giảm độ trễ và tăng hiệu quả thực thi. 

Một người, nếu đủ tâm và đủ tầm, sẽ tạo ra một chính quyền gần dân hơn, quyết đoán hơn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Có người sẽ băn khoăn về nguy cơ tập trung quyền lực, lo ngại về tính độc đoán, nhưng ông Sơn phân tích, chúng ta không trao quyền trong một môi trường không có kiểm soát, hệ thống chính trị cấp cơ sở vẫn còn đó, Đảng ủy, HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội cùng những thiết chế giám sát chặt chẽ đã được thiết lập và hoàn thiện nhiều năm qua.

Vấn đề không nằm ở việc một người kiêm nhiệm hai chức danh mà nằm ở chỗ người đó có vì dân, có đủ năng lực và có bị kiểm soát hiệu quả hay không.

"Đã đến lúc cần một tư duy mới, dũng cảm hơn trong tổ chức bộ máy hành chính cơ sở. Việc trao quyền cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường nếu được cân nhắc kỹ lưỡng và thí điểm phù hợp có thể là một bước đi táo bạo nhưng đúng đắn, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và phát triển đất nước", ông Sơn bày tỏ.

Rà soát hoàn thiện cơ chế đặc thù cho các địa phương

Quan tâm đến việc chuyển tiếp cơ chế đặc thù với 6 tỉnh, thành phố theo đề xuất của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi trong tờ trình và báo cáo thẩm tra, việc nhìn nhận, đánh giá về các nội dung còn đơn giản.

Có nên mạnh dạn để Bí thư kiêm Chủ tịch xã sau sáp nhập?- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Ảnh: Đ.T).

Đối chiếu lại các Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu cho rằng có nhiều chính sách đã được luật hóa với các cơ chế còn thuận lợi hơn, phù hợp hơn. 

"Vậy chúng ta có tiếp tục thực hiện kéo dài thí điểm ở những tỉnh, thành phố này nữa không?", bà nêu vấn đề.

Bà Thủy cho hay, đối với việc quản lý về quy hoạch đô thị, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024, trong đó đã giao UBND cấp tỉnh được điều chỉnh quy hoạch. 

Dự thảo đang quy định theo hướng Thủ tướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh quy hoạch, trong khi luật đã cho phép UBND cấp tỉnh được điều chỉnh, không cần phải chờ phân cấp.

Giám đốc sở, Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên có thể về làm Bí thư, Chủ tịch xã sau sáp nhập

Về lĩnh vực đầu tư, Quốc hội đã sửa đổi một loạt dự án luật liên quan, trong đó có đầu tư theo phương thức PPP với những cơ chế thuận lợi hơn, bây giờ tiếp tục thực hiện thí điểm các chính sách này cũng không thực sự cần thiết.

"Với Đà Nẵng, Tp.HCM, sắp tới cũng thông qua luật, trong đó có nội dung liên quan đến chính quyền đô thị, có nội dung không thực hiện tiếp mô hình chính quyền đô thị, vậy nghị quyết này kéo dài thí điểm có cần thiết?", bà Thủy tiếp tục nêu ý kiến.

Lý giải về những băn khoăn này, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết vấn đề này hiện mới chỉ dừng lại ở mặt chủ trương để xem xét.

Bà Mai cho hay, có 10 tỉnh, thành đang hưởng chính sách đặc thù. Vấn đề đặt ra sau sáp nhập với những tỉnh mới sẽ thực hiện như thế nào?

Theo bà, xuất phát từ thực tế, Chính phủ đã trình và Bộ Chính trị cho ý kiến. "Ở đây mới chỉ dừng ở chủ trương, chưa bàn gì đến 10 Nghị quyết đặc thù và cũng chưa bàn gì về việc chính sách nào hợp lý, chính sách nào cần luật hóa, chính sách nào thì dừng lại", bà Mai lý giải.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, khi chủ trương thông qua, trên cơ sở 10 nghị quyết đặc thù, cơ quan chức năng sẽ rà soát để hoàn thiện.