Có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định đấu thầu để vụ lợi

Admin
Góp ý về dự án Luật Đấu thầu, đại biểu Quốc hội cho rằng nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì lại hợp lý hóa cho tiêu cực, làm mất cán bộ.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.

Nghiên cứu kỹ luật để không phải mất cán bộ

Phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội (đoàn Quảng Nam) góp ý về dự án Luật Đấu thầu.

Theo ông Hạ, trước đây nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã dùng phương án chỉ định thầu. Hiện tại dự thảo Luật đã đề xuất cho phép chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện để áp dụng hình thức chọn nhà thầu.

Ông Hạ cho rằng, thẩm quyền này cần được cân nhắc kỹ hơn. Trước hết, đấu thầu là công cụ pháp lý để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu sao cho công bằng khách quan. Đồng thời phải nâng cao, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước và tài sản công. Nó cũng giúp bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

Về giải pháp này, đại biểu cho biết theo giải trình của các cơ quan nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, rút ngắn thời gian nhanh gọn. Thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu.

Có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định đấu thầu để vụ lợi- Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Ảnh: Media Quốc hội).

Tuy nhiên, đại biểu cho biết trong thực tiễn xử lý các sai phạm liên quan đến đấu thầu thời gian qua cho thấy, không có vụ án nào xử lý chỉ dùng phương pháp chỉ định thầu hoặc làm sai thủ tục đấu thầu để rút ngắn thời gian. Đồng thời cũng không xử lý ai ngoài trách nhiệm người đứng đầu và những người có trách nhiệm liên quan.

"Thế nhưng thời gian qua có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định để đấu thầu, có tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân", ông nói.

Theo đại biểu, chính nguyên nhân này gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Do đó cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ trong dự thảo luật.

"Quy định chặt chẽ như trước còn xảy ra tiêu cực. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì lại hợp lý hóa cho vấn đề phát sinh tiêu cực. Do đó tôi đề nghị nghiên cứu kỹ để không phải mất cán bộ", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định đấu thầu để vụ lợi- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung rõ thẩm quyền đấu thầu của UBND và Chủ tịch UBND các cấp để phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương theo hướng 2 cấp.

Đại biểu cho rằng quy định hiện hành chỉ nêu chung chung "người có thẩm quyền", "chủ đầu tư", dễ gây lúng túng trong phân công và xác định trách nhiệm.

Ông Hùng đề xuất quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu trên địa bàn; Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu với các gói thầu thuộc tỉnh. Đồng thời, UBND cấp xã được tổ chức đấu thầu các dự án quy mô nhỏ sử dụng vốn ngân sách xã hoặc được giao, Chủ tịch UBND xã là người chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức và phê duyệt.

Ngăn sự móc nối nữa chủ đầu tư và nhà thầu

Cũng góp ý về Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) quan tâm đến quy định cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế từng gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu.

Đồng tình với quy định này, song đại biểu nhấn mạnh: "Phải phòng ngừa sự móc nối giữa chủ đầu tư, chủ dự án để làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Bởi thực tế vừa qua không ít địa phương có trường hợp vướng vào vòng lao lý về vấn đề này".

Về việc chỉ định thầu, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động. Đại biểu nhấn mạnh đến tính cấp thiết của chỉ định thầu có giảm giá.

Có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định đấu thầu để vụ lợi- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu dẫn chứng thời gian qua, ở một số nơi chỉ có một nhà thầu mà mấy năm liền trúng hàng chục công trình. Dù tổ chức đấu thầu nhiều nhưng lại chỉ có một nhà thầu trúng nhưng giảm giá rất thấp, dưới 1% nên sẽ không có hiệu quả cho Nhà nước.

Từ dẫn chứng này, ông Hòa nhấn mạnh đây là điểm cần quan tâm trong việc tổ chức đấu thầu không mang lại hiệu quả, làm mất thời gian, tốn kém, loại trừ trường hợp móc nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu thời gian qua.

Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết chỉ định thầu có giảm giá, chất lượng công trình bảo đảm và chịu trách nhiệm về việc chỉ định thầu. Khi đó sẽ không hao tốn thời gian, tiền bạc của Nhà nước và người dân.

Về việc xét duyệt trúng thầu với gói thầu xây lắp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết vừa qua có nhiều trường hợp tổ chức đấu giá thầu xây lắp, đấu thầu các bãi vật liệu xây dựng bị bỏ thầu cao, định giá gấp trăm lần.

Tuy nhiên cần có các chế tài quyết liệt, mạnh hơn với trường hợp sau khi trúng thầu rồi mà bỏ thầu. Dù vấn đề này thời gian qua đã được xử lý nhưng cần làm mạnh hơn nữa, có thể cấm tuyệt đối mấy năm không cho tham gia các gói thầu khác. "Chỉ có như vậy họ mới sợ, không dám, không muốn làm", ông Hòa nói.

Có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định đấu thầu để vụ lợi- Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, dự thảo Luật đã mở rộng theo hướng giao quyền tự quyết mua sắm cho các tổ chức doanh nghiệp.

Theo ông, quy định này chưa thực sự thống nhất với các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, dẫn đến khó khăn khi triển khai thực tế. Bởi nếu tổ chức được tự quyết định mua sắm thì có cần áp dụng chỉ định thầu hay không?

Do vậy, cần quy định rõ ràng hơn về giới hạn giữa quyền tự chủ mua sắm và trường hợp bắt buộc đấu thầu. Đặc biệt phải có tiêu chí định lượng rõ ràng gói thầu nào phải bắt buộc áp dụng luật này.

Hé lộ cuộc gặp ăn chia phần trăm đấu thầu giữa Hậu "Pháo" với quan chức Quảng Ngãi1 Luật sửa 7 Luật ngành tài chính: Thêm loạt ưu đãi về thuế, mở rộng quy định chỉ định thầu

Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, đại biểu cho biết dự thảo đã bổ sung thêm các hình thức chỉ định thầu và giữ lại nhiều hình thức đấu thầu truyền thống (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, mời chào hàng cạnh tranh...).

"Điều này khiến các quy định phức tạp trong xác định giới hạn thế nào là đặc biệt, thế nào là chỉ định hợp lý. Từ đó có thể tạo ra khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa việc chỉ định thầu", ông Thông nói.

Từ lập luận trên, đại biểu đề nghị cân nhắc rà soát lại toàn bộ hệ thống các hình thức lựa chọn nhà thầu, giảm bớt hình thức giao thoa không cần thiết.