Đất nước trọn niềm vui, non sông liền một giải

Admin
(PNTĐ) - Cách đây tròn 50 năm, vào ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi rực rỡ. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc – Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc hơn 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Từ đó đến nay, non sông Việt Nam đã liền một giải, vững vàng phát triển và hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Chủ tịch nước Lương Cường thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chuỗi chương trình đặc biệt Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên VTV

Hơn 20 đoàn đại biểu quốc tế xác nhận tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam

Thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Các lực lượng chiến lược của ta tham gia chiến dịch lịch sử gồm 4 quân đoàn (1,2,3,4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), các đơn vị binh chủng tăng - thiết giáp, đặc công, công binh, thông tin, pháo binh, không quân, hải quân với đầy đủ binh khí kỹ thuật cùng các đơn vị biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Đất nước trọn niềm vui, non sông liền một giải - ảnh 1
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975.  Ảnh: Tư liệu

17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích; 5 cánh quân đồng loạt tiến công trên 5 hướng: Hướng Bắc - Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng); hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên); hướng Đông Nam - Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang); hướng Đông - Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long); hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8), nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch.

Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất.

Đất nước trọn niềm vui, non sông liền một giải - ảnh 2
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (15/5/1975). Ảnh tư liệu TTXVN.

Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc.

Phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu tại khu vực miền Nam, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định:Không một áng văn nào có thể phản ánh đầy đủ sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, của bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; không một tác phẩm nào có thể diễn tả hết ý chí và sức mạnh to lớn của nhân dân ta, đất nước ta trong khát vọng "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Từ trong bão lửa của các cuộc chiến tranh, dân tộc ta đã trở thành người chiến thắng, trở thành "lương tri và lẽ sống" của nhiều quốc gia đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành biểu tượng của thời đại”.

Vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Tuy nhiên, cả dân tộc đã một lần nữa đoàn kết phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ. Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Đất nước trọn niềm vui, non sông liền một giải - ảnh 3
Diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975– 30/4/2025.

Về chính trị: Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo đảm vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

 Về kinh tế: Kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển mạnh mẽ. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Năm 2024, tăng trưởng cả năm đạt 7,09% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193…

Đất nước trọn niềm vui, non sông liền một giải - ảnh 4

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc. Ảnh: QĐND

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế... đều có sự phát triển vượt bậc, định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được nâng lên. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 54/166, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Về đối ngoại: Hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 2 mục tiêu 100 năm, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm xây dựng Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh các yêu cầu trong việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Đó là: Phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một "cuộc cách mạng" về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Về thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế.. chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.