Dấu hiệu "làm xiếc" trong các hợp đồng đấu thầu tại Công ty Điện lực Đống Đa

Add
Nhiều sản phẩm tại Gói thầu số 7/MS-SCL 2023 và Gói thầu số 8/MS-ĐTXD 2023 do Công ty Điện lực Đống Đa triển khai có giá cao hơn so với thị trường và báo giá của nhà sản xuất. Tuy nhiên, Điện lực Đống Đa không trả lời trực tiếp về vấn đề này…

Dấu hiệu "làm xiếc" trong các hợp đồng đấu thầu tại Công ty Điện lực Đống Đa

Giá trúng thầu cao hơn thị trường

Ngày 11/9/2023, ông Lê Anh Tú, Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa ký Quyết định số 523/QĐ-PCDONGDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 7/MS-SCL 2023 Mua sắm vật tư thiết bị điện cho các công trình sửa chữa lớn năm 2023 đợt 1 (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 7).

Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Công nghệ SMOSA Việt Nam. Giá trúng thầu là 7.549.406.586 đồng.

Đến ngày 25/9/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa tiếp tục ký Quyết định số 535/QĐ-PCDONGDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 8/MS-ĐTXD 2023 mua sắm vật tư thiết bị điện cho các công trình ĐTXD năm 2023 đợt 2 (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 8).

dau-hieu-lam-xiec-trong-cac-hop-dong-dau-thau-tai-cong-ty-dien-luc-dong-da-dulichgiaitri-1702032161.jpg
Hai Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Công ty Điện lực Đống Đa.

Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại vật liệu điện Nam Hà Nội – Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT. Giá trúng thầu là 23.416.111.344 đồng.

Cả hai gói thầu vừa nêu được đăng tải công khai tại hệ thống thông tin đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Được biết, đấu thầu là chính sách lớn của Nhà nước nhằm tìm kiếm nhà thầu có đủ trình độ, năng lực tham gia đấu thầu, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại ngân sách Nhà nước, đồng thời tìm kiếm nhà thầu cung cấp sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Tuy nhiên, ở Gói thầu số 7 và Gói thầu số 8 xuất hiện những dấu hiệu bất thường khi giá sản phẩm trúng thầu cao hơn giá bán của hãng khác tại các đại lý trên thị trường và báo giá của hãng sản xuất.

Cụ thể, sản phẩm Cáp ngầm 12,7/22(24)kV-Cu/XLPE/PVC/DSTA/PVC-3x240mm2-CTSr-WS của hãng Thịnh Phát có giá trúng thầu tại Gói thầu số 7 và số 8 là 2.295.000 đồng/mét (chưa bao gồm thuế VAT).

Để xác thực thông tin về giá mặt hàng này, PV Báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ đến Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát đề nghị cung cấp báo giá sản phẩm.

Phía Công ty Thịnh Phát báo giá loại Cáp ngầm 12,7/22(24)kV-Cu/XLPE/PVC/DSTA/PVC-3x240mm2-CTSr-WS chỉ 2.216.530 đồng/ mét (chưa bao gồm VAT).

Nếu bên mua tiết lộ chi tiết dự án thì phía Thịnh Phát sẽ chiết khấu với giá thấp hơn nữa. Báo giá của Thịnh Phát đã bao gồm chi phí vận chuyển đến chân công trình tại Hà Nội. Thời gian giao hàng từ 45 - 60 ngày và chế độ bảo hành 18 tháng.

Như vậy, giá trúng thầu cho mặt hàng này tại Công ty Điện lực Đống Đa cao hơn giá chào của Thịnh Phát 78.470 đồng/ mét.

Được biết, một trong những căn cứ để xây dựng báo giá của sản phẩm này là dựa trên diễn biến của Sàn giao dịch kim loại London (LME).

Đã có hàng trăm triệu đồng của Nhà nước bỏ ra để mua sản phẩm này với giá cao hơn so với giá chào bán của đơn vị sản xuất.

So sánh sản phẩm cùng cấu hình của hãng trúng thầu với sản phẩm của hãng khác trên thị trường cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể.

Ví dụ: Sản phẩm Cáp hạ áp 0,6/1(1,2)kV-Cu/XLPE/PVC-2x4mm2 của hãng Tự Cường có giá trúng thầu là 48.400 đồng/ mét (đã bao gồm VAT). Tuy nhiên, tham khảo giá bán sản phẩm này nhưng của hãng Cadisun tại đại lý Công ty Thiết bị điện Hùng Sơn chỉ 22.868 đồng – tức giá sản phẩm của hãng trúng thầu cao gấp đôi so với hãng khác với cùng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hay sản phẩm Cáp hạ áp 0,6/1(1,2)kV-AL/XLPE/PVC/DSTA/PVC-4x240mm2 của hãng Tự Cường ở Gói thầu số 8 có giá trúng thầu là 376.000 đồng/mét. Tuy nhiên, giá bán cũng tại Công ty Thiết bị điện Hùng Sơn chỉ có giá khoảng 200.000 đồng/ mét – tức thấp hơn khoảng 176.000 đồng/ mét so với sản phẩm cùng cấu hình của hãng Tự Cường.

Sản phẩm Cáp hạ áp 0,6/1(1,2)kV-Cu/XLPE/PVC/DSTA/PVC-4x240mm2 của hãng Trường Thịnh tại Gói thầu số 8 có giá trúng thầu là 2.759.900 đồng/ mét (giá đã bao gồm VAT). Tuy nhiên, theo tham khảo giá tại Đại lý Thiết bị điện Hà Nội, sản phẩm cùng loại nhưng hãng sản xuất là Cadisun có giá 2.366.000 đồng/ mét (đã bao gồm VAT) – Tức là giá trúng thầu của hãng Trường Thịnh cao hơn hãng Cadisun khoảng 393.000 đồng/mét. Với số lượng 2.436 mét loại này được mua, giá trúng thầu chênh lêch gần 1.000.000.000 đồng.

dau-hieu-lam-xiec-trong-cac-hop-dong-dau-thau-tai-cong-ty-dien-luc-dong-da-1-dulichgiaitri-1702032222.jpg
Giá sản phẩm trúng thầu tại Điện lực Đống Đa có sự chênh lệch đáng kể so với hãng khác đang bán trên thị trường.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác cũng nằm trong tình trạng giá trúng thầu cao hơn giá thị trường hoặc giá của nhãn hiệu trúng thầu cao hơn nhãn hiệu khác – xét trong cùng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty Điện lực Đống Đa đã triển khai 12 gói thầu mua sắm hàng hóa. Trong đó 1 gói mới đăng tải thông tin tìm kiếm nhà thầu.

Trong lĩnh vực xây lắp, Công ty Điện lực Đống Đa cũng đã triển khai 12 gói thầu, tất cả đã có nhà thầu trúng.

Hiện tượng giá trúng thầu có sự chênh lệch so với các nhãn hiệu khác trên thị trường và báo giá của nhà sản xuất có thể đặt ra vấn đề về tính hiệu quả trong công tác đấu thầu, công tác xây dựng dự án ngay từ đầu (khảo sát giá, báo giá...) đã chặt chẽ hay chưa?...

Công ty Điện lực Đống Đa không giải thích về chênh lệch giá

Để tìm lời giải cho hiện tượng giá sản phẩm trúng thầu có sự chênh lệch đáng kể so với giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ đến Công ty Điện lực Đống Đa đề nghị trao đổi thông tin 2 chiều với các nội dung gồm: Căn cứ xây dựng giá dự toán của 2 Gói thầu số 7 và Gói thầu số 8. Giải thích về hiện tượng chênh lệch giá. Các thành tích đã đạt được trong việc tiết kiệm ngân sách nhà nước và trách nhiệm của đơn vị triển khai gói thầu…

Ngày 4/12, Công ty Điện lực Đống Đa có nội dung trả lời Báo Phụ nữ Thủ đô với nội dung như sau:

“1. Gói thầu số 7/MS-SCL 2023 Mua sắm VTTB cho các công trình SCL năm 2023 đợt 1 với giá trị trúng thầu 7.549.406.586 đ. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Công nghệ SMOSA.

2. Gói thầu số 8/MS-ĐTXD 2023 Mua sắm VTTB cho các công trình ĐTXD năm 2023 đợt 2 với giá trị trúng thầu 23.416.111.344 đ. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty CP Thương mại vật liệu điện Nam Hà Nội – Công ty Cổ phần thiết bị MBT.

Trong hoạt động SXKD của Công ty Điện lực, đấu thầu là một hoạt động không thể thiếu. Cũng như các hoạt động khác, Công ty Điện lực Đống Đa luôn tuân thủ đúng các quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành trong công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Hơn nữa, hiểu được mục đích cuối cùng của công tác đấu thầu là nhằm tiết kiệm ngân sách, Công ty Điện lực Đống Đa đã thực hiện đấu thầu rộng rãi qua mạng đối với 02 gói thầu trên. Chính vì vậy, mọi thông tin về 02 gói thầu đều được công khai, minh bạch, đảm bảo mọi nhà thầu đều bình đẳng và có cơ hội như nhau, giúp bên mời thầu tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng đi đôi với giá cả phù hợp. Trong suốt quá trình đấu thầu, từ khi chuẩn bị lựa chọn nhà thầu đến khi hoàn thiện và ký kết hợp đồng, Công ty Điện lực Đống Đa chưa nhận được bất cứ phản ánh, kiến nghị nào về việc đấu thầu không minh bạch. Việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo đúng quy định trong Hồ sơ mời thầu.

Qua quá trình đấu thầu, Công ty Điện lực Đống Đa đã ra Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu số 7/MS-SCL 2023 là Công ty Cổ phần Công nghệ SMOSA và gói thầu số 8/MS-ĐTXD 2023 là Liên danh Công ty CP Thương mại vật liệu điện Nam Hà Nội – Công ty Cổ phần thiết bị MBT.

Chúng tôi xin thông tin đến Quý Báo về việc thực hiện chủ trương tiết kiệm trong công tác đấu thầu tại Công ty Điện lực Đống Đa”.

dau-hieu-lam-xiec-trong-cac-hop-dong-dau-thau-tai-cong-ty-dien-luc-dong-da-2-dulichgiaitri-1702032270.jpg
Công ty Điện lực Đống Đa không giải thích trực tiếp về hiện tượng chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá thị trường.

Nội dung trả lời của Công ty Điện lực Đống Đa không không giải thích về việc tại sao giá nhiều mặt hàng trúng thầu cao hơn so với thị trường, không cung cấp căn cứ lập báo giá dự toán cũng như không cho biết về trách nhiệm của đơn vị mời thầu.

Được biết, Công ty Điện lực Đống Đa là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, hoạt động theo nguyên tắc hạch toán phụ thuộc.

Theo tìm hiểu của Báo Phụ nữ Thủ đô, Công ty Cổ phần Smosa Việt Nam là từng tham gia nhiều gói thầu trong phạm vi cả nước. Song, địa hạt chủ yếu mà đơn vị này góp mặt là các công ty điện lực trên địa bàn Hà Nội.

Các gói thầu có giá trị cao mà Smosa đã góp mặt trong vai trò độc lập hoặc liên danh như: Gói thầu mua sắm thiết bị hồi tháng 6/2023 tại PC Sóc Sơn trị giá hơn 44.000.000.000 đồng. Gói thầu mua cáp trung và hạ thế tại PC Thanh Trì hồi tháng 10/2023 với giá trị gần 40.000.000.000 đồng..

Với Cổ phần Thương mại vật liệu điện Nam Hà Nội. Đơn vị này từng tham gia hàng trăm gói thầu trên cả nước với tổng giá trị trúng thầu trong vai trò độc lập hoặc liên danh lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Gói thầu có giá trị lớn mà Công ty Cổ phần Thương mại vật liệu điện Nam Hà Nội trúng có thể kể đến là Gói thầu số 20 năm 2022 Ban quản lý Dự án lưới điện Hà Nội với giá hơn 103.000.000.000 đồng. Gói thầu cung cấp cáp ngầm 24kV tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội với giá hơn 73.000.000.000 đồng...

Còn Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT cũng là đơn vị có "máu mặt" trong lĩnh vực đấu thầu. Theo một thống kê mang tính tham khảo, MBT từng tham gia đấu ở hàng trăm gói thầu với tổng giá trị trúng thầu trong vai trò liên danh hoặc độc lập lên đến hơn 3.000.000.000.000 đồng.

Một số gói thầu lớn mà MBT từng góp mặt như Gói thầu số 30 tại Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh năm 2019 với giá gần 100.000.000.000 đồng. Gói thầu số 1 tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội với giá gần 70.000.000.000 đồng.