ĐBQH: Ưu tiên giám sát việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp là cần thiết

Admin
Theo các ĐBQH, ưu tiên giám sát việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp nhằm đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện chủ trương tinh gọn chính quyền địa phương.

Sau hơn 20 ngày mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào vận hành, cử tri và nhân dân kỳ vọng các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ phát huy vai trò giám sát, đồng hành, từ đó cùng Chính phủ, Quốc hội kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm bộ máy chính quyền vận hành hiệu quả, thông suốt.

Giám sát để kịp thời gỡ vướng

Trao đổi với Người Đưa Tin về nội dung này, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Tp.Hà Nội) cho rằng, việc Quốc hội sẽ ưu tiên tập trung giám sát việc triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các đơn vị hành chính là hết sức cần thiết. 

Mục đích của các cuộc giám sát để thấy được các nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống như thế nào?. Đâu là ưu điểm và đâu là những hạn chế để khuyến nghị với các cơ quan chuyên môn kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

"Nếu cần thiết thì Quốc hội cũng sẽ điều chỉnh lại các nghị quyết để các Nghị quyết, dự án Luật đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, thiết thực", đại biểu đoàn Tp.Hà Nội cho hay.

ĐBQH: Ưu tiên giám sát việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp là cần thiết- Ảnh 1.

ĐBQH Trương Xuân Cừ.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, sau 80 năm vận hành mô hình chính quyền địa phương 3 cấp, việc chuyển sang mô hình 2 cấp là một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện những ưu điểm, hạn chế của mô hình mới, cần có quá trình theo dõi, giám sát. 

"Chúng ta đã xác định chính quyền cấp xã, phường là chính quyền phục vụ nhân dân, chủ động để phục vụ, để kiến tạo và chủ động để giải quyết những khó khăn của dân, từ đời sống kinh tế - xã hội và đảm bảo cho người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương một cách thuận lợi, hiệu quả và kịp thời nhất. Do đó, tôi cho rằng việc giám sát là cần thiết", ông Cừ nhấn mạnh.

Theo đại biểu, việc giám sát của Quốc hội đối với lĩnh vực tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ được cụ thể hóa thông qua chỉ đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương tiếp tục triển khai hoạt động giám sát, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện vướng mắc và kiến nghị giải pháp phù hợp.

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn, đồng thời mang nhiều yếu tố đặc thù về địa bàn, dân cư và yêu cầu quản lý hành chính.

Do đó, càng cần phải đi sâu, đi sát, giám sát để xem từ chính quyền xã, phường trước đây thì đến nay việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thế nào? xem biên chế cán bộ thực thi đã đáp ứng hay chưa? các cơ chế chính sách hiện nay, vấn đề cái nhiệm vụ để giao cho các xã hiện nay đã thật sự hoàn chỉnh?

"ĐBQH chúng tôi cũng như các đoàn ĐBQH khi được giao nhiệm vụ cũng sẽ tiến hành giám sát và báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội để tổng hợp. Từ đó, có nhìn nhận đánh giá một cách tổng quát nhất", ông Cừ nói.

ĐBQH: Ưu tiên giám sát việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp là cần thiết- Ảnh 2.

Sau gần một tháng chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành, mô hình này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao từ phía người dân (Ảnh: Hữu Thắng).

Đại biểu Trương Xuân Cừ thông tin thêm, sau gần một tháng chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành, qua các buổi tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến nhân dân, ông nhận thấy mô hình này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao từ phía người dân.

"Từ khi đi vào thực tiễn hoạt động cho đến nay, chưa phát sinh vấn đề nổi cộm hay bất cập. Bộ máy chính quyền vận hành trơn tru, đáp ứng được yêu cầu quản lý và nhu cầu của người dân", đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Hà Nội kỳ vọng, thời gian tới thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ có đánh giá rõ hơn, toàn diện hơn về việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, từ đó có điều chỉnh để phù hợp thực tế.

Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức bộ máy

Chia sẻ thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Tp.Huế cho biết, trong khuôn khổ thực hiện chức năng giám sát tối cao theo quy định của Hiến pháp và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội xây dựng chương trình giám sát năm, trong đó ưu tiên giám sát việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp các đơn vị hành chính là yêu cầu cần thiết nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức bộ máy chính quyền.

ĐBQH: Ưu tiên giám sát việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp là cần thiết- Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Tp.Huế (Ảnh: Hoàng Bích).

Theo đại biểu, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) là nội dung đã được quy định sửa đổi trong Hiến pháp và cũng đã sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Việc tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian (cấp huyện) nhằm tăng tính chủ động, giảm chồng chéo, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước ở địa phương.

Cùng với đó, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh giản tổ chức, đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo quy định. 

Quá trình này tác động trực tiếp đến người dân, cán bộ, công chức và bộ máy quản lý nên cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng quy trình, phù hợp thực tiễn, không làm xáo trộn đời sống nhân dân.

"Do đó, trong chương trình giám sát năm, việc ưu tiên giám sát nội dung này có ý nghĩa quan trọng", nữ đại biểu nhấn mạnh. 

Theo bà Sửu, việc ưu tiên giám sát nội dung này nhằm đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện chủ trương tinh gọn chính quyền địa phương.

Phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật nếu cần thiết.

Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính quyền địa phương, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội.

"Giám sát hiệu quả nội dung này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân", Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Tp.Huế khẳng định.

Trước đó, tại buổi họp báo về kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trước câu hỏi của báo chí về lộ trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp các đơn vị hành chính, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội cho biết việc này nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

ĐBQH: Ưu tiên giám sát việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp là cần thiết- Ảnh 4.

Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền 2 cấp (Ảnh: Media Quốc hội).

Đây là một quá trình đã thực hiện liên tục và với tiến độ hết sức khẩn trương. Các công việc được triển khai hết sức nhanh gọn và đến nay đã bám sát tiến độ, bảo đảm yêu cầu của công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

"Với tư cách là cơ quan thực hiện quyền giám sát tối cao, Quốc hội cũng sẽ thường xuyên theo dõi, xem xét và đánh giá quá trình triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội về nội dung này để kịp thời hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước", bà Thủy cho hay.

Bà Thủy thông tin thêm, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 207 về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026, trong đó đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình.

Thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ sau tổ chức chính quyền 2 cấp

Trong đó, nghiên cứu, tổ chức giám sát các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp bằng các hình thức phù hợp hoặc lồng ghép với hoạt động giám sát khác, bảo đảm hiệu quả và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định pháp luật.

Bà Thủy cho rằng, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là vấn đề hết sức quan trọng và được tất cả các cơ quan trong bộ máy chính trị và địa phương cũng như mọi tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm. 

Vì vậy, trên cơ sở các chương trình giám sát đã được Quốc hội thông qua, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng sẽ xây dựng chương trình giám sát của mình và đây sẽ là nội dung ưu tiên trong thời gian sắp tới.